Nợ - nỗi lo của nền kinh tế

(ĐTTCO) - Giờ đây không chỉ nợ công mà nợ của nền kinh tế cũng rất đáng lo ngại, tình hình này nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và mức tín nhiệm quốc gia, nếu các khoản nợ nước ngoài đến hạn không được thanh toán.
Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ KH-ĐT) công bố Sách trắng doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2019, đây là ấn phẩm về thực trạng DN Việt Nam được biên soạn bởi Tổng cục Thống kê (TCTK). Theo đó, đến năm 2017 nợ phải trả của các loại hình DN bao gồm DN Nhà nước, DN ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 23,6 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó theo số liệu của TCTK thì GDP theo giá hiện hành năm 2017 là 5 triệu tỷ đồng. Như vậy nợ phải trả so với GDP là 472%. Đáng chú ý, nợ phải trả của khu vực DN Nhà nước (theo phân tổ của TCTK bao gồm DN 100% vốn Nhà nước và DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối) so với GDP là 154% (riêng DN Nhà nước có 100% vốn Nhà nước tỷ lệ này là 75% GDP). 
Theo các báo cáo mới nhất của Chính phủ, dự kiến đến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP (so với mức 58,4% GDP năm 2018), nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP (năm 2018 là 50% GDP). Cùng với đó là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ ngân sách nhà nước (NSNN) ước khoảng 19,5-20,5%. Như vậy, phần lớn số nợ của DN 100% vốn Nhà nước  khoảng trên 20% không được Chính phủ bảo lãnh phải tự trả nợ (những khoản này không tính vào nợ công).
Hiện tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của nền kinh tế ngày càng thấp. Bình quân giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ này là 31,5%, năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống 30,2%, năm 2017 là 28,4%. Khu vực DN Nhà nước có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn giảm từ 25% trong giai đoạn 2011-2015 xuống 19% năm 2017.
Cũng từ số liệu DN cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân chung cả nước rất thấp, thấp nhất là khu vực ngoài Nhà nước mặc dù có xu hướng tăng lên nhưng chưa được 2%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp hơn lãi suất tiền gửi khá nhiều, theo tính toán đến năm 2017 cứ có 100 đồng vốn thì 72% là nợ phải trả (riêng DN Nhà nước có 100 đồng vốn đến hơn 80% là nợ phải trả).
Tình trạng này kéo dài nguy cơ vỡ nợ không phải là không có. DN thuộc khối FDI có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhất, nhưng trớ trêu là hầu như phía Việt Nam không được gì từ khu vực này (năm 2018 số liệu ước tính cho thấy chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 18 tỷ USD).
Theo dự toán NSNN năm 2019, tỷ lệ bội chi ngân sách chiếm khoảng 3,6% GDP, nhưng nếu tính cả trả nợ gốc như trước đây tỷ lệ này là 6,8% GDP. Tuy nhiên, nếu tính theo GDP vừa được TCTK đánh giá lại tăng 25,4%, tỷ lệ bội chi chỉ còn 2,9% GDP, nếu cộng thêm trả nợ gốc tỷ lệ bội chi so với GDP còn 5,4% GDP. Điều này cho thấy nợ và trả nợ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại cho dù những tỷ lệ này so với GDP giảm, vì trong GDP bao gồm cả những đầu tư không hiệu quả, các công trình đội vốn… đều làm tăng GDP. Như vậy, về thực chất những tỷ lệ này so với GDP không có ý nghĩa, thực chất chỉ mang tính ước lệ.
Rõ ràng, không chỉ nợ công mà nợ của nền kinh tế hiện nay cũng rất nguy hiểm. Tình hình này nếu không được cải thiện, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và mức tín nhiệm quốc gia nếu các khoản nợ nước ngoài đến hạn không được thanh toán, và xa hơn nữa có thể vỡ nợ. 

Các tin khác