Nợ xấu khó tránh, khó giữ dưới 3%

(ĐTTCO) - Theo dự tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) khoảng 2,9-3% vào cuối năm. 
Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu sẽ lên gần 4%. Hiện tại dịch bệnh đã lan sang quý II, dựa trên dự tính đó tỷ lệ nợ xấu sẽ khó kiềm giữ dưới 3%. 
Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, nhận định nợ xấu tăng là không thể tránh được nên phải chấp nhận. Vấn đề là NH cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để hạn chế tình trạng DN rời khỏi thị trường, không trả được nợ vay.
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhận định như thế nào về dự tính của NHNN về tỷ lệ nợ xấu trong năm nay?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Tính toán các kịch bản của NHNN thực ra là dự áo lạc quan. Bởi trong tình hình dịch bệnh phức tạp và khó lường, rất nhiều DN đã ngưng hoạt động, thậm chí phá sản hoặc nếu hoạt động chỉ cầm chừng. Điều này xảy ra tại các DN lớn lẫn DN nhỏ. Do đó, nợ xấu sẽ tăng rất mạnh vì doanh thu hiện tại của DN và cá nhân xuống rất thấp, kéo theo khả năng trả nợ giảm mạnh.
Mốc cuối quý I đã qua nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nếu cuối quý II Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, có nghĩa số người lây nhiễm được chặn đứng và không có người chết, tình hình kinh tế có thể ổn định bắt đầu từ quý III. 
Nhưng dĩ nhiên, nền kinh tế không thể phục hồi ngay được mà cần thời gian ít nhất 1 năm. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp lạc quan kiểm soát dịch bệnh tốt vào cuối quý II, cũng vẫn có rất nhiều DN mất khả năng trả nợ, cần được giãn nợ, tái cơ cấu nợ. Trong trường hợp này, nợ xấu sẽ tăng rất mạnh.
Thời điểm này có lẽ chưa ai có thể dự báo được nợ xấu sẽ tăng ra sao, nhưng mức 3% hay 4% vẫn là con số quá lạc quan. Còn trong trường hợp đến tháng 6 vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, thậm chí có thêm những vụ bùng nổ dịch sau đó, vấn đề nợ xấu sẽ là ẩn số rất lớn và không ai có thể lường trước sẽ diễn biến như thế nào.
- Những năm qua, nợ xấu của các NHTM đã được xử lý tích cực. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang gây khó cho hoạt động của nhiều DN và nợ xấu đe dọa trở lại. Theo ông, cần đối mặt với vấn đề này như thế nào?
- Nền kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu vào nhập khẩu đầu ra xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng nặng nề vì chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gãy. Ở thị trường nội địa, nhu cầu tiêu dùng cũng xuống thấp, sản xuất kinh doanh tại một vài bộ phận trong nền kinh tế đang đình trệ.
Báo cáo Thủ tướng về tác động của Covid-19 tới DN, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết gần 35.000 DN đã rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay. 
Nợ xấu khó tránh, khó giữ dưới 3% ảnh 1 Ảnh minh họa
Theo VCCI, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay và tôi nghĩ thời điểm này có thể đã tăng nhiều hơn số đó. Khi nền kinh tế xuất hiện một bộ phận đình trệ như vậy, nợ xấu sẽ tăng là không thể tránh được, không có cách nào chặn lại được.
Thay vào đó, cần phải chấp nhận thực tế và hy vọng dịch bệnh nhanh qua để có thể phục hồi sớm, với sức bật lại của nền kinh tế sau dịch bệnh là thời gian để bù trừ, xử lý cũng như phục hồi lại những món nợ xấu.
- Trong bối cảnh như vậy, có giải pháp nào khống chế để nợ xấu dù có tăng cũng không quá nặng nề, thưa ông?
- Muốn vậy phải hỗ trợ các DN để giúp họ có thể phục hồi. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11, trong đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Hiện tổng gói tín dụng hỗ trợ do các NH thực hiện đã lên đến 300.000 tỷ đồng.
Theo đó, các NH đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi, đồng thời khoanh nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ cho DN, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN là biện pháp rất phù hợp. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều DN cho biết không thể tiếp cận vốn vay từ gói hỗ trợ này. Thế nên cần phải làm nhiều hơn nữa, phải có thêm gói hỗ trợ bằng tiền tươi thóc thật. Bởi DN không được hỗ trợ để duy trì sản xuất kinh doanh, nợ xấu sẽ tăng lên rất nhanh.
Riêng đối với ngành NH, cho đến cuối năm 2019, vấn đề xử lý nợ xấu tiến triển rất khả quan, tỷ lệ nợ xấu đã giảm. Nhưng qua năm 2020, dịch bệnh ập đến. Dù trên sổ sách nợ xấu chưa tăng nhiều vì các nhà băng có thể khoanh nợ, chưa chuyển nhóm nợ nhưng thực tế nợ xấu đang tăng. Xử lý bằng cách nào là vấn đề rất khó.
Vì tại thời điểm này nếu xử lý mạnh tay như dùng tất cả biện pháp thu hồi nợ, đưa họ ra tòa… thay vì hỗ trợ, NH sẽ làm cho DN “chết” sớm. Vì thế, khi khả năng trả nợ của DN xuống rất thấp, không thể áp dụng các biện pháp thông thường để xử lý nợ. 
Tuy nhiên, các NH phải rất cẩn thận với các món vay mới. Vì trong lúc này, khả năng trả nợ cá nhân và DN đều suy giảm rất nhiều. Bây giờ cho vay ra dễ vướng vào nợ xấu, nên cần có quy trình cho vay mới chặt chẽ. Đồng thời, vấn đề trích lập thêm dự phòng để có quỹ dự phòng cho nợ xấu cũng cần được quan tâm.
Mặc dù những việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng các NH phải chấp nhận sự suy giảm, thậm chí lỗ, vì không thể giữ mức lợi nhuận như những năm trước đây để đối phó với khó khăn hiện tại.
Thời điểm này để hạn chế việc tăng nợ xấu, các NH phải chủ động tư vấn cho khách hàng DN của mình về kế hoạch kinh doanh, về đầu ra đầu vào, giải pháp tiết giảm chi phí… Hiện rất nhiều DN lao đao, đầu vào không có nguyên vật liệu sản xuất, đầu ra không có thị trường để bán. Tuy nhiên đó cũng là tình trạng chung của cả thế giới, chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, các thị trường xuất khẩu đang bị suy giảm rất nhiều.
Vì vậy, vấn đề không phải giảm nợ xấu mà phải chấp nhận nợ xấu tăng lên, cũng không phải lúc xử lý nợ xấu nữa mà phải sống chung với nó và phải có biện pháp để hỗ trợ DN, đưa cho DN các kế hoạch để có thể duy trì sản xuất. Bởi nếu DN phá sản, rời khỏi thị trường sẽ gây thiệt hại rất lớn cho NH vì các khoản tiền cho vay khó thu hồi, trở thành nợ xấu.
- Xin cảm ơn ông.
 Vấn đề hiện tại của các NH là không phải giảm nợ xấu mà phải chấp nhận nợ xấu tăng lên, cũng không phải lúc xử lý nợ xấu mà phải có biện pháp để hỗ trợ DN duy trì sản xuất. Bởi nếu DN phá sản sẽ gây thiệt hại rất lớn cho NH vì các khoản tiền cho vay không thu hồi được sẽ lại trở thành nợ xấu.

Các tin khác