Nông nghiệp công nghệ cao cửa hẹp cho khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang là xu thế trên toàn cầu của những nước muốn phát triển ngành NN. Việt Nam tuy đi sau nhưng phải có bước đột phá nếu muốn thay đổi diện mạo của ngành NN. 
Tuy nhiên, lâu nay sân chơi này dường như chỉ dành cho doanh nghiệp (DN) lớn. Liệu các DN khởi nghiệp có cửa để nhảy vào lĩnh vực này, dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển NNCNC.
Có ý tưởng, thiếu đột phá
Chia sẻ về khởi nghiệp trong lĩnh vực NNCNC, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (Saigon Innovation Hub), cho biết ông đã đọc khoảng 500 dự án khởi nghiệp, trong đó đa số là dự án về NN. Điều này phần nào cho thấy các bạn trẻ đã ý thức được NN là ưu thế trong cạnh tranh của Việt Nam.
Khởi nghiệp NNCNC rất tiềm năng, càng bám sát và giải quyết tốt các nhu cầu bức xúc của xã hội càng khởi nghiệp bền vững. Nhưng khởi nghiệp trong lĩnh vực NNCNC rất khó và phức tạp. Chuỗi giá trị của NN từ nghiên cứu, thử nghiệm, cho ra sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng… phải mất 4-5 năm. Nếu đầu tư căn cơ chỉ tập đoàn lớn mới làm được. Vì thế cần có sự liên kết, chung tay cùng DN khởi nghiệp mới tạo ra chuỗi giá trị cho NNCNC.
Ông TRẦN BẰNG VIỆT, 
chuyên gia tư vấn chiến lược quản trị DN
Song phần lớn trong số đó lại thiếu đánh giá về thị trường, thiếu ý tưởng đột phá, đa phần chỉ thấy hay là làm. Ông Tước nêu thí dụ: “Nhiều bạn ở Đồng Tháp chọn sen làm con đường khởi nghiệp. Điều này phù hợp vì sen là cây bản địa của địa phương. Nhưng các ý tưởng cũng quanh quẩn sấy khô hạt, trà sen… Tại sao không ai nghĩ tới việc đưa công nghệ tạo ra các sản phẩm độc đáo hơn”. Việc làm những sản phẩm na ná với những cái đã có trên thị trường, khiến nhiều DN khởi nghiệp không thể tổ chức “sinh nhật lần thứ hai”. 
Việc các bạn trẻ khởi nghiệp NNCNC thiếu ý tưởng đột phá, cũng chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư phải “soi đèn” kiếm dự án để rót vốn. “Nếu tiếp cận bài toán NN theo cách cũ không thể khởi nghiệp được, vì khởi nghiệp cần yếu tố mới và sự khác biệt” - ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Innovation Capital Management, khẳng định và cho biết hiện các quỹ đầu tư rất quan tâm đến khởi nghiệp cho NN, nhất là NNCNC, nhưng không tìm được dự án để đầu tư.
Đây cũng là lý do Innovation Capital Management mới dành 10% vốn cho lĩnh vực này. 
Nhìn ra thị trường dễ thấy các dự án khởi nghiệp chưa thể hiện tính ứng dụng cao, chưa đổi mới sáng tạo, và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để một dự án thực sự lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư cần đảm bảo 4 yếu tố: giải pháp của dự án giải quyết được nhu cầu và vấn đề của xã hội; độ lớn của thị trường mà DN khởi nghiệp có thể chiếm lĩnh; lợi thế cạnh tranh so với đội nhóm khác; cách thức nhóm khởi nghiệp tổ chức phân nhóm để thực thi được dự án, chiếm lĩnh thị trường.
Thực tế đến nay các dự án khởi nghiệp NNCNC vẫn còn rất khiêm tốn. Ngay tại trung tâm ươm tạo DN NNCNC của TPHCM, cũng mới quy tụ được 40 dự án khởi nghiệp. Và từ vườn ươm này mới có 11 dự án tốt nghiệp, phát triển được trên thị trường. Vì sao khi tốt nghiệp vườn ươm, nhiều DN vẫn chật vật để tồn tại và phát triển?
Trong khi tại trung tâm, các DN được trợ giúp xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản; được hỗ trợ pháp lý, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; được tiếp cận những hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại thuộc các lĩnh vực như nuôi cấy mô tế bào thực vật, canh tác không sử dụng đất trong nhà màng, công nghệ vi sinh, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu, kể cả trong nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm.

Loay hoay bài toán vốn
NNCNC là nền NN có ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm NN, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo một nền NN bền vững. Điều này cho thấy tiềm năng là có, nhất là đất nước với hơn 70% là NN phục vụ cho gần 100 triệu dân, đặc biệt sản phẩm sạch đang là xu thế của xã hội khi nền kinh tế phát triển.
 Thực ra ngân hàng rất khó xác định tiêu chí về NNCNC, NN sạch theo quy định, số lượng DN được cấp giấy chứng nhận có ứng dụng NNCNC chưa nhiều, chính sách bảo hiểm NN chưa triển khai rộng rãi, tỷ lệ phí bảo hiểm NN hiện đang khá cao... Song để hỗ trợ dự án tiếp cận nguồn vốn, tùy dự án chúng tôi nới lỏng các điều kiện tài sản đảm bảo như nhà kính, hay tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; tỷ lệ tiền vay có thể lên tới 80% giá trị tài sản đảm bảo.
Ông NGUYỄN ĐÌNH VINH
Phó Tổng giám đốc Vietinbank
Thế nhưng, khi tốt nghiệp để tự làm được những công việc này đòi hỏi phải có tiềm lực về vốn, trong khi với DN khởi nghiệp đây là vấn đề rất khó khăn. Theo số liệu thống kê, hiện nay cứ 10.000 ý tưởng chắt lọc được 100 ý tưởng khả thi để ươm tạo. Sau ươm tạo có khoảng 80% thất bại, 20% trở thành DN nhưng cũng chỉ là DN nhỏ, rất ít DN khởi nghiệp thành công thực sự. 
 Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý khu NNCNC TPHCM: “DN tham gia làm NNCNC phải đối diện 3 khó khăn là vốn, đất đai và nhân lực. Trước hết vốn đầu tư ban đầu khi tham gia mô hình NNCNC rất lớn, trong khi việc vay vốn ngân hàng không hề dễ. Muốn vay được vốn phải có tài sản thế chấp, điều này quá khó với DN khởi nghiệp.
Nhiều DN đầu tư nhà màng, nhà lưới và lấy nó để thế chấp vay vốn. Song các ngân hàng dù hiểu nhà màng, nhà lưới có giá trị cao, nhưng chỉ xếp vào loại công trình tạm và thanh khoản thấp, bởi nếu người vay không trả được nợ, ngân hàng siết nợ cũng không biết bán tài sản cho ai. Do vậy ngân hàng không nhận tài sản thế chấp này”.
Về vấn đề vốn cho NNCNC, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dành gói tín dụng riêng cho NNCNC, và năm 2017 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển NNCNC, NN sạch đã được NHNN chính thức triển khai. Về phía địa phương, đầu năm nay TPHCM cũng ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu NN đô thị trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, TPHCM sẽ hỗ trợ 100% lãi suất cho vay sản xuất NNCNC. 
Song cho đến nay, phần nhiều vẫn chỉ có các DN lớn tiếp cận được nguồn vốn này, DN nhỏ và DN khởi nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn hỗ trợ từ Chính phủ và địa phương, do vướng thủ tục vay vốn phức tạp. Còn với nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, như chia sẻ của một số quỹ, dù rất quan tâm nhưng chưa tìm được dự án hấp dẫn để rót vốn.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư vẫn e ngại rót vốn vào NN vốn do tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời tiết, con người, thị trường… Đó dường như là vòng luẩn quẩn, DN khởi nghiệp khát vốn nhưng không dám gõ cửa quỹ, quỹ có tiền nhưng cũng ngại rủi ro. 

Liên kết cho khởi nghiệp
Trong khi các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thiếu ý tưởng, thiếu sản phẩm đột phá, các nhà nghiên cứu tại viện, trường lại đang có khá nhiều công trình mới, hay và họ hoàn toàn có thể cung cấp giải pháp công nghệ cho DN khởi nghiệp.
Chính vì lẽ đó, việc xây dựng mối liên kết giữa các thành phần như nhà khoa học, DN, nhà quản lý… là hết sức cần thiết trong hành trình hình thành chuỗi giá trị trong NNCNC, nhất là chuỗi cho khởi nghiệp. Hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ trong một hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp DN khởi nghiệp không còn đơn độc trên hành trình của mình. 
Như vậy việc chung tay tạo ra chuỗi giá trị không chỉ giải bài toán khó cho khởi nghiệp NNCNC, mà còn giúp NN Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia. Đẩy mạnh đầu tư cho khởi nghiệp NNCNC cũng là cách góp phần giải bài toán Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành NN Việt Nam trong 10 năm tới phải nằm trong tốp 15 nước phát triển nhất thế giới. 
Trong năm 2018, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM thông qua chương trình hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp NN, theo đó sẽ hỗ trợ tối đa 70% kinh phí nhưng không quá 300 triệu đồng cho mỗi mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong NN.
Đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN, nhóm khởi nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực NN, có dự án triển khai trên địa bàn 5 huyện và 5 quận (quận 9, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp) của thành phố. Khoản hỗ trợ và các hình thức hỗ trợ dựa theo bản kế hoạch và dự toán của các mô hình. Trong đó, nguồn vốn được dùng chủ yếu cho các hoạt động tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo…
 Thiếu vốn, thiếu ý tưởng, làm ăn manh mún, hầu hết DN khởi nghiệp NNCNC vẫn khá đơn độc. Theo Bộ NN-PTNT, đến nay đã có 40 DN NNCNC cao được cấp giấy chứng nhận; trong đó, 12 DN NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt, 19 DN trong lĩnh vực thủy sản, 9 DN trong lĩnh vực chăn nuôi. Song những DN đầu tư vào NNCNC toàn là những tên tuổi lớn như Vingroup, Ba Huân, Lavifoods…

Các tin khác