Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp nhỏ còn lẻ loi

(ĐTTCO) - Diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam đang có sự thay đổi lớn, khi các doanh nghiệp (DN) lớn lẫn DN nhỏ và vừa (DNNVV), lực lượng khởi nghiệp đang đặt nhiều tâm huyết vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). 
Tuy nhiên, do không có tiềm lực như các DN lớn, các DNNVV, DN khởi nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu bạn đồng hành khi đầu tư vào NNCNC, cũng như việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ gặp nhiều rào cản.
Xu hướng NNCNC 
Từ giữa thế kỷ 20, việc xây dựng các khu nông nghiệp (NN) ứng dụng CNC đã được các nước phát triển quan tâm. Đầu những năm 1980, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu khoa học công nghệ. Năm 1988, Anh đã có 38 khu vườn khoa học công nghệ với sự tham gia của hơn 800 DN. Phần Lan có 9 khu khoa học NNCNC vào năm 1996.
 Để phát triển NNCNC phải giải quyết bài toán liên kết chuỗi giá trị, Nhà nước cần khuyến khích các DN lớn, hợp tác xã đi đầu tổ chức sản xuất để đưa các DN nhỏ, các hộ nông dân vào chuỗi sản xuất, để đảm bảo phát triển NNCNC toàn diện, các DN nhỏ và hộ nông dân cũng không gặp khó khăn khi NNCNC phát triển.
TS. TRẦN DU LỊCH,
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Vào năm 2015, 98% nông dân Pháp đã sử dụng internet để phục vụ công việc nhà nông, như cập nhật thông tin thời tiết, tình hình sản xuất nông nghiệp, biến động của thị trường nông sản, thực hiện các giao dịch ngân hàng (NH) qua mạng... Đồng thời, nhiều quốc gia và lãnh thổ ở châu Á cũng đã chuyển nền NN thiên về số lượng sang nền NN chất lượng, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa, tin học hóa... 
Tại Trung Quốc, từ những năm 1990, các khu NNCNC đã được chú trọng phát triển và đã hình thành hơn 405 khu, trong đó có 1 khu NNCNC cấp quốc gia, 42 khu cấp tỉnh và 362 khu cấp thành phố.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có hàng ngàn cơ sở ứng dụng CNC  trên khắp cả nước. Mô hình này giúp giá trị sản lượng bình quân đạt từ  40.000-50.000USD/ha/năm, gấp 40-50 lần so với các mô hình trước đó. Tại Israel, một đất nước nổi tiếng về NNCNC, năng suất cà chua đạt 250-300 tấn/ha, bưởi đạt 100-150 tấn/ha, hoa cắt cành 1,5 triệu cành/ha... đã tạo ra giá trị sản lượng bình quân 120.000-150.000 USD/ha/năm. Theo đó, sản xuất NN theo hướng ứng dụng CNC và sự phát triển các khu NNCNC đã trở thành mẫu hình cho nền NN tri thức thế kỷ 21.
Trong xu hướng này, Việt Nam đi sau về phát triển NNCNC. Theo các chuyên gia, sau 30 năm đổi mới, ngành NN đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu. Song từ năm 1990, tốc độ tăng năng suất trong NN chậm lại so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực.
So sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc, tốc độ tăng năng suất chưa bằng một nửa. Trong khi đó, Việt Nam lại đứng trước nhiều thách thức hiện hữu như dân số tăng, nhu cầu về lương thực thực phẩm thay đổi cả về số lượng và chất lượng; biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng lớn đến diện tích đất NN. 
Trước tình thế đó, NNCNC đã được xác định là lời giải cho ngành NN để thoát khỏi mô hình sản xuất không tăng trưởng, đẩy ngành này thụt lùi xa hơn nữa với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có 3 thế mạnh đó là NN hữu cơ, NN sạch, NNCNC; công nghệ thông tin và du lịch. Để phát huy được thế mạnh đầu tiên, Thủ tướng khẳng định mọi nông dân Việt Nam đều được khuyến khích áp dụng, đầu tư CNC chứ không phải địa phương nào được quy hoạch có vùng NNCNC mới được phép.

Chỉ dành cho những “ông lớn”
Trong 3 năm trở lại, các DN và tập đoàn lớn như Vingroup, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ba Huân, Công ty Thương mại và Đầu tư Biển Đông… đã rầm rộ đầu tư vào NNCNC, với số vốn lên tới hàng tỷ USD.
 Phát triển NNCNC là xu hướng tất yếu, nhưng đồng thời cũng có những thuận lợi và khó khăn. Một trong những khó khăn là các DNNVV tiếp cận nguồn vốn không dễ trong khi đầu tư vào NNCNC cần nguồn vốn lớn, thời hạn dài và các điều kiện thế chấp cũng rất gay gắt.
TS. NGUYỄN MINH PHONG, 
chuyên gia kinh tế
Đồng thời, một số kiều bào đã trở về nước làm NNCNC, xây dựng nhiều mô hình nổi tiếng như Biofresh Farm, trang trại nấm U.S Farm, mô hình trồng rau sạch thủy canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP Việt Úc… Nhiều DNNVV nhanh chóng chuyển đổi  mô hình sản xuất. Song song đó, làn sóng khởi nghiệp với NNCNC cũng được dấy lên. Làn sóng này không chỉ có sự góp mặt của giới sinh viên, thanh niên trong nước, mà còn có nhiều bạn trẻ có điều kiện đi học nước ngoài tiếp cận công nghệ trở lại Việt Nam bắt tay vào phát triển NNCNC. 
Trước sự chuyển động của giới DN trong lĩnh vực NNCNC, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước (NHNN) dành gói tín dụng riêng cho NNCNC, và năm 2017 gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển NNCNC, NN sạch đã được NHNN chính thức triển khai. Về phía địa phương, đầu năm nay, TPHCM cũng ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu NN đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Theo đó, TPHCM sẽ hỗ trợ 100% lãi suất cho vay sản xuất NNCNC.
Đồng thời, nhiều quỹ đầu tư như câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, câu lạc bộ NNCNC, đơn vị hỗ trợ kết nối khởi nghiệp Hatch!, quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures, 500 Startups, Amazon… cũng thông báo đã rót vốn vào các dự án khởi nghiệp NNCNC và đang tiếp tục tìm kiếm các dự án triển vọng để đầu tư.
Song ghi nhận từ làn sóng NNCNC cho thấy, chỉ mới có các DN, tập đoàn lớn có sự đầu tư bài bản từ đầu vào đến đầu ra do có nhiều lợi thế. Còn các DNNVV, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực NNCNC vẫn còn mang tính chất tự phát, chưa được cấp giấy chứng nhận và số này lại chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, tính hết quý II-2018, ước tính cả nước có hơn 49.600 DN đầu tư vào NN, chiếm khoảng 8% tổng số DN trên cả nước.
Các DN đầu tư vào NN chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%, tiếp đến là DN có quy mô lớn với gần 6% và DN có quy mô vừa chiếm trên 2%. Bộ NN và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến tháng 6-2018, cả nước đã có 35 khu NNCNC do Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành lập. Theo quy hoạch tại Quyết định 575/2015, phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng NNCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 8 khu NNCNC đang được thực hiện. 
Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp nhỏ còn lẻ loi ảnh 1 Các chuyên gia tham quan mô hình NNCNC. 
Tuy nhiên, trong hàng ngàn DN đang hoạt động trong lĩnh vực này, chỉ mới có 40 DN NNCNC được cấp giấy chứng nhận; trong đó 12 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt, 19 DN trong lĩnh vực thủy sản, 9 DN trong lĩnh vực chăn nuôi.
Các chuyên gia cho rằng, rất nhiều DNNVV hiện nay đang làm NNCNC nhưng rất khó được cấp chứng nhận, vì còn mang đặc thù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chủ yếu. Hơn nữa, tiềm lực khoa học, công nghệ như nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp.

DN nhỏ không lớn được vì lẻ loi
Theo chia sẻ ông Lê Trọng Kha, chủ Công ty LeKha Mart (quận 11, TPHCM) chuyên về NN sạch, phía công ty đang làm việc với một vài địa phương để định hướng nông dân ở vùng sâu vùng xa phát triển NN hữu cơ, vì đó là xu hướng của tương lai. Tuy nhiên, con đường phát triển NN sạch cũng đầy chông gai.
Ở những khu vực đó, để sản xuất được người nông dân phải cải thiện được đất, trong quá trình ban đầu phải trồng theo VietGap trước và phải đến 3 năm tới mới chuyển sang hữu cơ được. Tuy nhiên, muốn nông dân tuân thủ theo một quy trình sản xuất đúng chuẩn NN sạch cũng là một bài toán khó. 
Cụ thể, để quản lý, công ty cũng lên kế hoạch thành lập một hợp tác xã, khi nông dân tham gia vào hợp tác xã sẽ được cung cấp từ con giống, phân bón đến công nghệ. Nhưng trên thực tế, các quy định kiểm soát cũng không thể kiểm soát hết được, chẳng hạn khi vườn bị bệnh, theo quy định nông dân phải đến hợp tác xã để lấy thuốc về, nhưng họ lại âm thầm đi lấy thuốc ở nơi khác, dẫn đến các vi phạm về chỉ tiêu an toàn.
Lường trước điều này, hợp tác xã yêu cầu nông dân ký các cam kết, như nếu xét nghiệm cho thấy vườn đó vi phạm về thuốc an toàn sẽ phải bồi thường, đồng thời còn phải nhờ hàng xóm giám sát. Song ràng buộc này lại trở thành rào cản khiến người nông dân không muốn tham gia vào hợp tác xã. Ở Việt Nam, có một thực tế là nông dân và cả DN không trung thực, đó là điểm yếu và cũng là rào cản đối với sự nỗ lực của các DNNVV trong việc phát triển NNCNC. 
Ngoài ra, đặc thù manh mún, công nghệ chưa hiện đại của nhóm DN này còn xuất phát từ việc thiếu vốn. Điều mà các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực NNCNC rất quan tâm là làm thế nào để được hưởng ưu đãi vay vốn theo các chương trình. Ở Thái Lan, khi DN tham gia vào NNCNC được Chính phủ hỗ trợ với lãi suất 0% trong 2-3 năm. Với điều kiện như vậy, DN mới vực dậy nổi người nông dân để tăng quy mô.
Còn tại Việt Nam, dù có nhiều chính sách định hướng của nhà nước hỗ trợ, có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, nhưng thủ tục rất phức tạp, các DNNVV, DN siêu nhỏ rất khó tiếp cận được. Vay vốn NH thông thường lại gặp tình trạng “bẫy lãi suất”, vay năm đầu được ưu đãi hưởng lãi suất tốt, nhưng đến năm thứ 2, thứ 3, lãi vay tăng vọt lên gấp 2-3 lần, đẩy nhiều DN vào khó khăn. 
Ông Đỗ Thế Nguyên Vũ, người sáng lập mạng xã hội Vietnam Farm cũng cho biết, một thực trạng hiện nay là một hộ nông dân có mảnh vườn từ 3.000-5.000m2, do đó rất khó phát triển sản phẩm đồng đều, dẫn đến DN không có nguồn sản phẩm ổn định để bán vào siêu thị hay xuất khẩu. Để giải quyết bài toán đó cần mô hình kết hợp giữa DN, nông dân và NH. Thế nhưng, các NH chưa phối hợp, nên việc triển khai mô hình NNCNC của DN cũng gặp nhiều khó khăn.

Các tin khác