Nông nghiệp kẹt trong thế khó

(ĐTTCO) - Mới đây, CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã công bố báo cáo tài chính quý I-2022. Theo đó, doanh thu thuần đạt 213,9 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ 2021; ghi nhận khoản lỗ ròng 112,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 6,7 tỷ đồng. 
Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, kết quả thấp do 3 nguyên nhân. Đầu tiên, giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây tăng 15% so với đầu năm. Thứ hai, tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao, thời gian vận chuyển và thông quan tăng 12-35 ngày làm ứ hàng, tăng chi phí kho bãi và giảm chất lượng trái cây. Cuối cùng là do tỷ giá. 
Vấn đề giá mua phân bón và vật tư nông nghiệp không chỉ là nút thắt của riêng HAGL Agrico, mà đang gây đau đầu cho nhiều DN nông nghiệp và cả người nông dân. Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT nhận định, hiện giá phân bón đang tăng cao nhất trong 50 năm qua.
Dự báo giá phân tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là DAP và kali. Nguyên nhân của việc giá phân bón tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, cùng với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga cũng làm ảnh hưởng đến thị trường phân bón thế giới, gây suy giảm nguồn cung toàn cầu. Để hạ nhiệt giá phân bón, Bộ NN-PTNT đề nghị áp thuế xuất khẩu phân bón với urê, DAP, MAP, đồng thời kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón. 
Nếu trồng trọt phải đối mặt với giá phân bón tăng cao, DN và nông dân chăn nuôi cũng đang phải gồng mình, khi giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp lập đỉnh do giá nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao. Trong khi đó, theo tính toán giá thức ăn chiếm tới khoảng 70% giá thành trong chăn nuôi, vì thế nhiều DN và nông dân đang phải gồng mình với gánh nặng chi phí đầu vào. 
Chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán đầu ra của nhiều sản phẩm nông nghiệp lại đang ở mức thấp, thị trường xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Ngày 8-5 vừa qua Bộ NN-PTNT đã phải tổ chức họp khẩn trực tuyến để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh/thành Nam bộ.
Tại cuộc họp lãnh đạo Sở NN-PTNT một số tỉnh/thành, cho biết nhiều loại trái cây đang có mức giá rất thấp và tiêu thụ khó khăn. Ở mảng xuất khẩu theo thống kê trong tháng 3, tháng 4 sản lượng xuất khẩu rau củ quả đều giảm 18% so với năm 2021, vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Trong khi đó, EU kiểm tra thanh long rốt ráo nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài của Việt Nam vào thị trường này.
Việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản một lần nữa lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Cùng với những giải pháp trước mắt để làm sao tiêu thụ trái cây vào mùa vụ, những giải pháp lâu dài như nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị, giảm phụ thuộc vào một thị trường lại được nhắc đến, nhưng có làm được hay không mọi thứ vẫn ở trong “thì tương lai”. DN và nông dân thì vẫn đang mắc kẹt trong vòng xoáy đầu vào - đầu ra. 
Không ở mức rất thấp như giá nhiều mặt hàng nông sản, nhưng giá bán của heo hơi và gia cầm từ năm ngoái đến nay luôn thiếu ổn định, nhiều thời điểm giá bán thấp hơn giá thành chăn nuôi, người chăn nuôi càng làm càng lỗ, khiến nhiều hộ chăn nuôi đã không tái đàn. Điều này dẫn tới dự báo thời gian tới mặt hàng trứng gia cầm có thể thiếu hụt do người nuôi bỏ đàn vì không chịu nổi chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi. 
Giải pháp cho ngành chăn nuôi đang được nói đến, là phải chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước. Được biết, mỗi năm nước ta có khoảng 4,5 triệu tấn cám gạo, 43 triệu tấn rơm và hàng triệu tấn phế phụ phẩm khác từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa được tận dụng làm chế biến thức ăn chăn nuôi. Song cũng như lĩnh vực trồng trọt những giải pháp này có từng bước được đưa vào thực tế hay không vẫn phải chờ. Nông dân, DN vẫn phải bơi trong khó khăn.

Các tin khác