Nông sản các tỉnh phía Bắc dư thừa, giá giảm sâu, kiến nghị tháo gỡ khó khăn

(ĐTTCO) - Chiều 30-8, văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại các tỉnh phía Bắc (gọi tắt là Tổ công tác 3430, phụ trách khu vực từ Thừa Thiên – Huế trở ra) đã ký công văn số 03 báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp; đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phía Bắc. 

Nông sản các tỉnh phía Bắc dư thừa, giá giảm sâu, kiến nghị tháo gỡ khó khăn ảnh 1Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội nhưng nguồn lương thực - thực phẩm ở khu vực phía Bắc vẫn rất dồi dào, không lo thiếu

Nguồn cung dồi dào, không lo thiếu

Công văn được ký vào ngày 30-8 cho biết, về lương thực, hiện nay, Hà Nội tự sản xuất được 65,6% nhu cầu (56.338 tấn/tháng) nên cần cung ứng từ các địa phương khác là 36.632 tấn/tháng; Khả năng cung ứng của các tỉnh còn lại ở phía Bắc đều đáp ứng đủ nhu cầu của chính địa phương mình và dư để cung cấp cho các địa phương khác.  

Về rau củ quả, một số tỉnh ở phía Bắc đang chuẩn bị gieo trồng vụ đông. Nhìn chung sản lượng rau, quả sản xuất của các địa phương đủ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh và dư để cung cấp cho các tỉnh, thành phố khác và xuất khẩu. 

Ví dụ, tại Lào Cai, 80% sản lượng rau quả tiêu thụ nội tỉnh, số còn lại tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tại Sơn La, sản lượng rau sản xuất được khoảng 5.556 tấn, trong đó tiêu thụ trong tỉnh khoảng 3.334 tấn, còn lại được đưa đi tiêu thụ ngoại tỉnh; sản lượng một số loại trái cây chủ lực (chuối, bơ, nhãn) đạt hơn 57.000 tấn, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 31.000 tấn, còn lại được xuất bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu. 

Riêng Hà Nội, nhu cầu rau củ phục vụ tiêu dùng khoảng 103.300 tấn/tháng, nhưng khả năng đáp ứng ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 60.000 tấn/tháng (đạt 58% nhu cầu) nên cần cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 43.300 tấn (42%). 

Về thủy sản, Hà Nội cần trung bình mỗi tháng 19.250 tấn/tháng, nhưng khả năng tự đáp ứng chỉ đạt 10.150 tấn/tháng, nhu cầu cần cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 9.100 tấn/tháng (47,3%).

Tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, sản xuất thủy sản chủ yếu là nuôi cá nước ngọt với sản lượng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, lượng tiêu thụ tại các tỉnh ngoài không đáng kể. Nhưng tại các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… ngoài sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, còn dư để cung ứng cho Hà Nội.

Ví dụ tại Nam Định có sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng gần 11.000 tấn/tháng (trong đó tiêu thụ trong tỉnh chỉ 5.500 tấn, còn lại là đưa ra ngoại tỉnh và đang tồn đọng khoảng 800 tấn.  

Hoạt động sản xuất chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc hiện nay phát triển ổn định, nhưng có một số địa phương thiếu hụt thịt heo (nhưng không nhiều) như Hà Nội có tổng nhu cầu là 19.260 tấn/tháng, khả năng đáp ứng là 19.000 tấn/tháng (đạt 98,6%); Hải Phòng có khả năng cung ứng thịt tại chỗ là 7.800 tấn/tháng (thịt gà đủ, thịt heo thiếu 40%).

Ngược lại, nhiều địa phương lân cận đang dư heo để cung ứng như Phú Thọ (khoảng 1.100 tấn/tháng), Bắc Giang (6.535 tấn/tháng), Sơn La (332 tấn/tháng), Nam Định (243 tấn/tháng), Hà Tĩnh (2.520 tấn/tháng)…

Giá nhiều mặt hàng đang giảm

Theo Tổ công tác của Bộ NN-PTNT tại khu vực phía Bắc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm.

Tại Lào Cai, giá rau xanh giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm hơn so với mọi năm. Mặt hàng chuối tiêu xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung vào tháng 9 – 11 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên sẽ khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9 thu hoạch 2.000 tấn cần tìm thị trường trong nước để tiêu thụ. 

Tại Lai Châu, do Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng hiện nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng 9 là 4.000 tấn. Mặt hàng chè khô tồn kho 2.400 tấn, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn hạn chế. 

Tại Thái Nguyên, giá chè qua chế biến giảm khoảng 10%-15%; giá thịt heo hơi giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg; việc cung ứng, tiêu thụ rau của một số HTX sản xuất rau an toàn gặp khó khăn (lượng cung cấp cho các bếp ăn tập thể, siêu thị, nhà hàng giảm). Hiện nay một số loại nông sản đang trong vụ thu hoạch như: na (6.500 tấn), nhãn (5.500 tấn) có sản lượng lớn tập trung tại Võ Nhai, Đồng Hỷ... cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cho người dân. 

Tại Nghệ An đang có khoảng 600.000 con heo trọng lượng từ 75kg trở lên. Giá thịt heo hơi xuống thấp, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi chỉ có 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất. 

Trong khi giá thu mua các loại nông sản giảm thì giá vật tư sản xuất lại tăng (10-40% so với đầu năm 2021, tùy địa phương) và đang có xu hướng tiếp tục tăng, gây rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất. 

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Do đó, Tổ công tác 3430 đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ cùng các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, như: đàm phám mở lại cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu; sớm xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 và 2 mũi vaccine sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 70% dân số (từ 18 tuổi trở lên); xem xét giảm thuế thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…

Các tin khác