Phải trao quyền tự chủ tập đoàn, tổng công ty

(ĐTTCO)-Những vướng mắc trong hoạt động thời gian qua của các tổng công ty (TCT) Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đường sắt Việt Nam… đã đặt ra những câu hỏi về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban). Bởi nắm trong tay 19 tập đoàn (TĐ), TCT lớn với tài sản lên tới hàng triệu tỷ đồng, nhưng sau 1 năm hoạt động của các doanh nghiệp (DN) này lại gặp nhiều khó khăn.
Quyết định dự án đầu tư là quyền kinh doanh của DN, như ACV đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải để cho họ có quyền quyết định.
Quyết định dự án đầu tư là quyền kinh doanh của DN, như ACV đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải để cho họ có quyền quyết định.
Lý giải điều này, ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng để xảy ra những khó khăn này do cách hiểu, vận hành của ủy ban đang vướng nhiều quy định.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận thế nào việc tách chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước các bộ đại diện về cho Ủy ban?
Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý phải tách ra vì đó là việc tất yếu phải làm khi cải cách, chuyển đổi. Việc này cũng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. 
Trong chức năng chủ sở hữu, quyền đầu tiên phải là chức năng đầu tư kinh doanh, phát triển. Đầu tư kinh doanh vừa phải dẫn dắt vừa phải phát triển. Nếu chỉ đại diện vốn bỏ đầu tư là không đúng, sai lệch.
Cử một người đại diện vốn ở DN không phải để hưởng lợi mà để người đó quyết các vấn đề của DN với một số vốn và quyền lực nhất định. Đó là những vấn đề về định hướng phát triển, kinh doanh, đầu tư, mục tiêu phát triển, cũng như toàn quyền giám sát, bổ nhiệm, đánh giá, thay thế người quản lý. Tóm lại, chức năng sở hữu không phải là chức năng quản lý nhà nước. 
Bên cạnh đó, phải tách chức năng của chủ sở hữu với chức năng của người đầu tư kinh doanh. Thí dụ, quyết định dự án đầu tư là quyền kinh doanh của DN (riêng DN vẫn vừa thực hiện quyền chủ sở hữu vừa thực hiện quyền kinh doanh), quyền tự chủ kinh doanh và không bị áp đặt hành chính. Nếu chủ sở hữu thẩm định dự án làm sao đủ năng lực quyết định hàng ngàn dự án bên dưới. Đó là việc của các CEO.
- Nhưng từ khi về thuộc Ủy ban, hoạt động của các TĐ, TCT gặp khó khăn do vướng cơ chế, thưa ông?
- Các dự án, kế hoạch kinh doanh TĐ, TCT phải trình Ủy ban duyệt, nhưng hình như Ủy ban còn hỏi ý kiến các bộ quản lý nhà nước. Tách khỏi các bộ, ngành để Ủy ban toàn quyền quyết định, vậy tại sao phải hỏi? Trong khi, quản lý nhà nước là quản lý môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… không phải là quyết định, cho ý kiến dự án đầu tư.
Với tư cách là đại diện chủ sở hữu cần hiểu Ủy ban theo hướng họ là chủ sở hữu cổ phần. Quyền lực của anh chỉ thông qua cổ phần, còn các tài sản như nhà máy A, B là sở hữu của công ty.
Tại sao chúng ta cứ đồng nhất vào sở hữu của Nhà nước. Nó sai từ những khái niệm cơ bản như thế. Do không phân biệt được nên cứ bảo đây là tài sản của Nhà nước, nhưng thực ra không phải. Về mặt pháp lý đấy là của DN, là tài sản của công ty, của các chủ sở hữu khác. 
Thí dụ, ACV đầu tư vào sân bay Tân Sơn Nhất, như vậy họ đang sở hữu sân bay này. Nếu mở rộng sân bay không cần đấu thầu, vì nó là của họ tại sao phải đi đấu thầu? Điều này cực kỳ nguy hiểm, tưởng như là đầu tư công nhưng không phải.
- Là một trong những thành viên trong ban soạn thảo đề án thành lập Ủy ban với Nghị định 131, ông thấy Ủy ban vận hành ra sao, cũng như tháo gỡ các vướng mắc như thế nào?
 Tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng đầu tư, sửa lại các nghị định về hoạt động của Nhà nước và ban hành nghị định về hoạt động của DNNN thay thế các nghị định hiện nay, nhằm đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh cho DNNN.
- Đây là tổ chức đầu tư kinh doanh dù bắt buộc thành lập dưới hình thức cơ quan nhà nước. Ngay từ đầu, khi lập đề án Ủy ban, chúng tôi tham khảo mô hình của Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thụy Điển… và kết luận là Việt Nam khác. Với DNNN, vấn đề cốt lõi là quyền tự chủ kinh doanh; quyền quyết định dự án đầu tư, đầu tư bao nhiêu, đầu tư như thế nào trong định hướng của chủ sở hữu.
Chủ sở hữu chỉ giám sát mục tiêu. Thí dụ, trong lĩnh vực này chủ sở hữu chỉ cần yêu cầu có DN, nhà máy có năng lực cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu được ra bên ngoài.
Về tháo gỡ vướng mắc, cần tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng đầu tư, sửa lại các nghị định về hoạt động của Nhà nước và ban hành nghị định về hoạt động của DNNN thay thế các nghị định hiện nay, nhằm đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh cho DNNN. Đây là bước căn bản đầu tiên. Khi đó, Ủy ban biết phải làm gì và sẽ làm tốt việc đó.
Thứ hai, có cơ chế tài chính riêng cho Ủy ban và nó hoạt động như một cơ quan, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Nhân sự tuyển dụng không phải là công chức nhà nước mà tuyển người chuyên trách, chuyên nghiệp, có kiến thức ngang với CEO của các TĐ lớn. Việt Nam không thiếu người để làm việc, chỉ thiếu cơ chế, thể chế để tận dụng và sử dụng.
- Ông có thể chia sẻ những băn khoăn về việc thoái vốn hiện nay?
- Đầu tiên phải suy nghĩ ở góc độ đầu tư là thoái để làm gì? Tôi cho rằng, chỉ thoái vốn khi làm một việc tốt hơn ta đang có. Hiện nay, chúng ta đang thiếu tư duy thoái vốn để làm gì? Tôi kịch liệt phản đối việc thoái vốn và bổ sung vào thu ngân sách, hòa vào quản lý chi tiêu ngân sách. Chỉ nên thoái vốn khi cần tiền để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, dự án cốt lõi của nền kinh tế.
Cổ phần hóa, thoái vốn cần phải coi như một thay đổi cơ cấu đầu tư, cơ cấu tài sản của mình để có cơ cấu tài sản và chất lượng tốt hơn. Ủy ban phải có định hướng phát triển, định hướng DNNN.
Anh đang có nhà máy, bán đi hay cổ phần của anh giảm xuống, anh chuyển sở hữu cổ phần thành sở hữu tiền mặt thì vẫn là của DN hay của nhà đầu tư, không phải của ngân sách. Đưa vào ngân sách nghĩa là anh lấy, giảm đi tài sản phía DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3, các chủ nợ và ảnh hưởng đến năng lực phát triển của DN.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác