Phân cấp, phân quyền cho TPHCM: Chưa thật sự mạnh dạn

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc gần đây với TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi trong Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM chính là phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho TPHCM. 
Từ thực tế thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và đòi hỏi từ thực tiễn cũng minh chứng đây là điều kiện quan trọng quyết định đến sự phát triển của TPHCM.

Vẫn còn hạn chế, bất cập

Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội đã phân cấp cho TPHCM một số công việc quan trọng. Chẳng hạn, đặc thù trong quản lý đất đai trao quyền cho TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, thay vì xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, HĐND TPHCM đã thông qua 32 dự án, trong khi cả 3 năm trước đó, TPHCM trình Thủ tướng 76 dự án nhưng chỉ được duyệt 21 dự án.

Các chuyên gia đánh giá đây là sự phân cấp có tính đột phá nhằm giúp TPHCM quản lý có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, TPHCM cũng được ban hành quyết định chủ trương đầu tư với 5 dự án nhóm A, điều chỉnh chủ trương đầu tư một dự án từ nhóm B sang nhóm A - những việc mà trước đây thuộc thẩm quyền trung ương.

Ngoài ra, Nghị quyết 54 cũng phân cấp, phân quyền cho TPHCM trong các lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; thu nhập cán bộ công chức, viên chức; tổ chức bộ máy ở các mức độ khác nhau.

 Phân cấp, phân quyền cho TPHCM: Chưa thật sự mạnh dạn ảnh 1TP Thủ Đức cần có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để phát triển. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy vậy, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, có thể thấy việc thực hiện các cơ chế phân cấp, phân quyền chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Phân tích cụ thể, ThS Nguyễn Đặng Phương Truyền, Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TPHCM, cho rằng, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho TPHCM vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM, thực tế là chưa có sự đột phá, vẫn phải theo quy định chung.

Ngoài ra, hiện TPHCM vẫn chưa thực sự được trao quyền chủ động về biên chế, chính sách ưu đãi trong tuyển dụng cán bộ, công chức. TP Thủ Đức được thành lập với nhiều kỳ vọng, song cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để thực hiện sứ mệnh của mình.

Trong nhiều trường hợp, như việc bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM để bổ sung nguồn thu, TPHCM cũng chưa thực hiện được do phải xin ý kiến bộ ngành trung ương. Có những trường hợp xin ý kiến bộ ngành trung ương suốt nhiều tháng, thậm chí một năm không được trả lời, hoặc sau đó lại hướng dẫn “làm theo quy định của pháp luật”.

Trao quyền kèm cơ chế thực hiện

Nhận xét chung, TS Nguyễn Đức Kha, Tạp chí Cộng sản, cho rằng, quá trình thực hiện phân cấp, phân quyền từ trung ương đến các địa phương còn chậm và thiếu kiên quyết. Nhiều bộ ngành chưa thực sự mạnh dạn phân cấp.

Một số nội dung đã phân cấp nhưng bộ ngành vẫn can thiệp sâu, dẫn đến địa phương bị động trong thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn tài chính cho phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt, việc phân cấp chưa đi cùng với việc tạo điều kiện, thẩm quyền để chính quyền địa phương chủ động thực hiện.

Theo TS Nguyễn Ngọc Chung, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, các lĩnh vực cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM là tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ sử dụng mức tăng thu ngân sách nhà nước của TPHCM, tỷ lệ chi ngân sách; quyết định định mức thi đua khen thưởng và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, trong Nghị quyết mới về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trung ương cần có cơ chế để TPHCM chủ động thực hiện các công việc đã được phân cấp, phân quyền này.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, nguyên đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, trong quá trình xây dựng Nghị quyết mới trình trung ương, muốn xin thêm cơ chế phân cấp phân quyền thì phải đảm bảo năng lực thực thi những quyền này. Theo ông, cần có sự minh bạch về thẩm quyền, nội dung nào do trung ương quyết, nội dung nào do TPHCM quyết.

Góp ý cụ thể trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng, Nghị quyết mới cần cho phép HĐND TPHCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền của TPHCM, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, cho phép HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp.

Phân cấp mạnh giải quyết được nhiều vấn đề

Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của trung ương cho TPHCM ngoài các quy định chung và Nghị quyết 54, còn có Nghị định 93/2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Sau hơn 20 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ những mặt hạn chế.

Do vậy, TPHCM đã xây dựng đề án để Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ ban hành một nghị định mới thay thế. Các kiến nghị của TPHCM chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực về kinh tế, tài chính ngân sách, đô thị và tài nguyên môi trường, nội vụ, khoa học công nghệ và an sinh xã hội.

Các tin khác