Phấn đấu đạt chuẩn nghề nghiệp tầm quốc tế

(ĐTTCO) - TPHCM hiện có gần 500 cơ sở dạy nghề thuộc công lập lẫn ngoài công lập do Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH quản lý. 
Phấn đấu đạt chuẩn nghề nghiệp tầm quốc tế
Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề của TP đã góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Song nhìn chung chất lượng chưa cao, chưa gắn với thị trường lao động. Các chuyên gia giáo dục, kinh tế đã có những góp ý:
NGUYỄN THỊ HẰNG, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM:

Đổi mới chương trình theo hướng hội nhập

Công tác đào tạo nghề ở nước ta hiện nay còn một số hạn chế như quy mô đào tạo nhỏ, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng dạy nghề còn thấp, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được quá trình đào tạo, người học có tư tưởng thích học để có bằng hơn là học để thích ứng vị trí việc làm. Lãnh đạo nhiều trường còn cho rằng cần phải có chính sách định hướng cho người học rõ ràng hơn.
Nước ta đã hội nhập thị trường lao động ASEAN, điều này đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo phải được chú trọng. Để thu hút người học cũng như đào tạo nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với lao động khu vực, đòi hỏi ngành dạy nghề và các trường phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó phải sớm đổi mới chương trình theo hướng hội nhập quốc tế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cùng doanh nghiệp gắn kết đào tạo.
Giải pháp chủ đạo trong tuyển sinh nghề là việc làm, các trường phải luôn đón đầu xu thế, cả dự báo nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội để đào tạo nghề gắn với việc làm. Người lao động đã qua học nghề không có vị trí trong thang bảng lương sẽ khó thu hút người học.
Th.S NGUYỄN HOÀNG DŨNG,  Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM:

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi về trình độ tay nghề và kỹ năng của người lao động cũng cao hơn. Khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, những tiêu chuẩn về lao động cũng phải cao hơn, tức phải đạt chuẩn nghề nghiệp mang tầm quốc tế để có thể dễ dàng dịch chuyển và đủ sức cạnh tranh với lao động các nước.
Đối với trong nước, khách quan mà nói từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay nguồn nhân lực đã có sự tiến bộ rất rõ rệt. Tuy nhiên, nếu xét trên bản đồ nhân lực thế giới chúng ta đang bị đánh giá là một trong những quốc gia có chất lượng lao động thấp. Điều này là sự cảnh báo nhất định, nhất là khi đất nước đang hội nhập sâu với thế giới. 
Công tác đào tạo ở nước ta hiện nay vẫn chưa đi vào chiều sâu để đảm bảo có một nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, cần có sự đồng bộ từ chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở đào tạo, cho đến người học. Làm sao để có một nguồn nhân lực chất lượng cao có thể thích nghi với những quốc gia Việt Nam có sự hợp tác mạnh mẽ, để nhân lực trở thành một loại hàng hóa đặc biệt có thể xuất khẩu đi các thị trường lao động quốc tế và cạnh tranh được với nhân lực nước ngoài vào Việt Nam.
Các cơ sở đào tạo cần có sự tái cấu trúc toàn bộ về hệ thống đào tạo, với 3 yếu tố: Người thầy; Hệ thống giáo trình cập nhật mới có sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, phòng vệ thương mại; Người học phải gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông NGUYỄN ĐĂNG LÝ, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM:

Tăng cường liên kết đáp ứng yêu cầu thực tế

Trong nền kinh tế nước ta, nhu cầu lao động cho bậc CĐ, trung cấp luôn lớn hơn bậc ĐH. Nhưng thực tế hiện nay chỉ tiêu của các trường ĐH lại chiếm hơn 50% so với lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm, từ đó gây ra sự mất cân đối trong lực lượng lao động. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT phải siết chặt công tác tuyển sinh, số chỉ tiêu của các trường ĐH theo đúng nhu cầu của xã hội. Thêm nữa, chính sách của Bộ Nội vụ lâu nay quy định việc xét tuyển nhân sự chủ yếu dựa vào bằng cấp, như vậy không khuyến khích các bạn trẻ học nghề.
Trong nhiều năm qua, Trường CĐ Quốc tế TPHCM đã triển khai mô hình liên kết 3 bên giữa nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên. Thí dụ, nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp về việc tham gia đào tạo cùng trường cũng như tuyển dụng sinh viên ngay khi tốt nghiệp. Mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, ngành công nghệ thông tin có lương cao hơn.
Đặc biệt, trong quá trình ký kết với doanh nghiệp, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho sinh viên được quyền lựa chọn doanh nghiệp và doanh nghiệp phải cạnh tranh để giữ được sinh viên giỏi. Điểm hay nhất của mô hình này là sinh viên có nhiều quyền lợi, từ việc được tiếp cận với công nghệ, máy móc mới do doanh nghiệp cập nhật đến quyền lựa chọn nơi làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành quản trị nhà hàng khách sạn, bếp ẩm thực, du lịch lữ hành, kinh doanh, kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp và công nghệ thông tin của trường đều được cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi vào trường, sinh viên sẽ được phổ biến ngay cam kết này. 
Với tay nghề của sinh viên do trường chúng tôi đào tạo, tôi tin tưởng các em dư sức đi làm bất cứ công việc nào xã hội đang cần. Và thực tế đã chứng minh điều này: Chỉ 2 tháng sau khi tốt nghiệp, một nửa lớp sinh viên ngành nấu ăn tốt nghiệp khóa 2016 đã lên vị trí tổ trưởng.

Các tin khác