Phân nội xin được cởi trói

(ĐTTCO) - Ngày 28-10-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 159/NQ-CP thông qua hồ sơ trình Quốc hội Dự án nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón. 
Nếu được Quốc hội thông qua, phân bón sẽ từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế 5% như trước khi Luật 71/2014/QH13 (Luật số 71) sửa đổi có hiệu lực thi hành từ năm 2015.
Thông tin này đang mang lại niềm vui cho hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước. Bởi suốt từ năm 2015 đến nay, do nằm trong diện không chịu thuế giá trị gia tăng, các DN đã không được khấu trừ thuế, tạo thêm nấc cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu, đã khiến DN trong nước bị suy yếu ngay tại thị trường nội địa. 
Phân nội xin được cởi trói ảnh 1
Cụ thể, vì không chịu thuế giá trị gia tăng, DN không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi mua nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất tăng lên, buộc DN phải tính phần thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ vào giá thành sản phẩm (bởi đầu ra không được khấu trừ). Theo thống kê sơ bộ tại một số DN như Đạm Cà Mau, mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế buộc phải đưa vào giá bán. Tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, con số này là 3.646 tỷ đồng (trong đó năm 2015: 825 tỷ đồng; 2016: 588,8 tỷ đồng; 2017: 755,5 tỷ đồng; 2018: 767,7 tỷ đồng và 2019: 708,8 tỷ đồng). 
Điều nghịch lý nữa, trong khi phân bón sản xuất trong nước phải bán giá cao, phân bón nhập khẩu do không phải chịu thuế giá trị gia tăng nên giá bán thấp hơn. Bởi, theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của nhiều nước, thuế suất xuất khẩu phân bón 0%. Điều này giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá, kéo theo tình trạng nhập khẩu phân bón tăng, nhiều DN sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. 
Không ít DN sản xuất trong nước đã phải chua xót chia sẻ, lượng phân bón nhập khẩu mỗi năm tăng hàng trăm ngàn tấn là minh chứng cho tác động ngược của Luật số 71, vừa kìm hãm sự phát triển các DN sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân. Đối tượng duy nhất được hưởng lợi là các DN kinh doanh phân bón nhập khẩu. 
Lâu nay rất nhiều sản phẩm Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu, và phân bón cũng là một trong số đó, nhất là khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Thế nhưng, Luật số 71 lại khiến hàng nhập khẩu có cơ hội gia tăng mỗi năm. Đáng chú ý, việc loại bỏ thuế giá trị gia tăng đối với phân bón còn làm giảm đóng góp thuế của DN cho ngân sách nhà nước. Điều này có nghĩa trong khi chi phí của DN sản xuất tăng lên, nguồn thu của nhà nước lại giảm đi. Quá nhiều bất cập cùng tồn tại. 
Theo tính toán mới nhất của Bộ Tài chính, nếu phân bón nằm trong diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ mang đến nhiều tác động tích cực đối với ngân sách nhà nước, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, khuyến khích các DN đầu tư dây chuyền sản xuất có chất lượng cao. Có thể thấy lợi ích là điều đã được chỉ ra và DN cũng đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay mới được trình Quốc hội chờ thông qua. 
Trong bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn hiện nay, nhất là khi cánh cửa cho hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đang ngày càng mở rộng thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết, điều DN cần nhất vẫn chính là sự lắng nghe của các bộ ngành để có thể giúp những kiến nghị của DN sớm được thông qua, mang đến cơ hội sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước. 

Các tin khác