Phát triển hạ tầng đón Thành phố Thủ Đức

(ĐTTCO)-Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông (gọi tắt là Khu đô thị sáng tạo) gắn với thành lập TP Thủ Đức là một nhiệm vụ quan trọng đang được TPHCM tập trung thực hiện.
Hạ tầng giao thông tại khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức tiếp tục được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hạ tầng giao thông tại khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức tiếp tục được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Trong đó, nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải (GTVT) là đi trước mở đường nhằm hình thành “trục xương sống về hạ tầng giao thông” cho khu vực, tạo động lực vùng phát triển trong thời gian tới. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Phóng viên: Đảng bộ Sở GTVT TPHCM xác định những nhiệm vụ quan trọng nào để kiềm chế thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn?

Ông TRẦN QUANG LÂM: Nhiệm kỳ qua, tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 mặt, năm sau giảm hơn năm trước.

Số điểm đen từ 22 điểm (năm 2015) hiện còn 8 điểm. Khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông từ 37 giảm còn 22 điểm. Dù vậy, thực tế hiện nay đòi hỏi giao thông phải tiếp tục phát huy vai trò đi trước một bước, để làm tiền đề, tạo động lực cho TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

TPHCM là một thành phố lớn, siêu đô thị, nên đi cùng với phát triển hiệu quả hạ tầng giao thông thì cũng phải ưu tiên phát triển giao thông công cộng, kết hợp kiểm soát xe cá nhân. Đây là 2 giải pháp lớn, xuyên suốt, được Đảng bộ Sở GTVT TPHCM xác định sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.

-Vậy phương châm “giao thông đi trước một bước” được thể hiện ra sao trong định hướng hình thành Khu đô thị sáng tạo, gắn với đề xuất thành lập TP Thủ Đức?

-Một trong những điểm nhấn quan trọng trong 5 năm tới được Đảng bộ Sở GTVT TP xác định là đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng, bức thiết mang tính đột phá, đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể sẽ tập trung đầu tư, hoàn chỉnh các dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 50; đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Bên cạnh đầu tư các dự án giao thông làm tăng tính kết nối giữa TPHCM với các đô thị vệ tinh trong khu vực, TPHCM cũng sẽ tập trung đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông tại Khu đô thị sáng tạo.

Như vậy, các công trình hạ tầng giao thông sẽ được ưu tiên đầu tư theo quan điểm, định hướng phát triển và đồng bộ với quy hoạch của TPHCM trong thời kỳ mới. Việc này cũng nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông đi trước một bước, nhất là ở nơi đề xuất thành lập TP Thủ Đức, từ đó tạo tác dụng lan tỏa, làm động lực thúc đẩy phát triển bền vững đối với các khu vực này.

-Những dự án, công trình trọng điểm cụ thể nào sẽ được đầu tư tại nơi được đề xuất thành lập TP Thủ Đức, thưa ông?

-Tại khu vực này sẽ được ưu tiên phát triển mạng lưới đường cơ sở, đặc biệt là đường Vành đai 2, Vành đai 3, hoàn chỉnh trục đường Xa lộ Hà Nội, mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đầu tư nút giao thông An Phú cũng như mở rộng các trục đường chính ở quận 9 cùng các trục đường xương sống ở quận Thủ Đức...

Cùng với đó là di dời cảng Trường Thọ về phường Long Bình để xây dựng nơi đây thành đô thị tương lai - một trong những trọng điểm sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo.

-TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về vốn thì giải pháp nào đảm bảo giao thông tại các nơi vừa nêu sẽ “đi trước và tạo động lực thúc đẩy phát triển”?

-Trong quan điểm, mục tiêu phát triển, TPHCM vẫn xác định nhiệm vụ ưu tiên đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, các tuyến vành đai, hệ thống đường cao tốc, các tuyến giao thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh lân cận.

Điều này phù hợp với định hướng phát triển đô thị vệ tinh và cũng phù hợp với quy mô phát triển kinh tế của TPHCM.

Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, TPHCM phải đầu tư các dự án hạ tầng giao thông có trọng tâm, không dàn trải. Đặc biệt, việc lựa chọn dự án ưu tiên dựa trên quan điểm, định hướng phát triển đô thị và bằng công cụ đánh giá khoa học, minh bạch.

Cụ thể, giai đoạn tới, các dự án hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư theo thứ tự ưu tiên để phù hợp với khả năng và nguồn lực của TPHCM. Sở GTVT TP sẽ căn cứ vào quan điểm phát triển và kết quả mô phỏng dự báo tình hình giao thông (từ hoạt động của Trung tâm điều hành giao thông TP hiện nay) để xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo từng năm, trong 5 năm; từ đó tập trung đầu tư để mang lại hiệu quả cao nhất, cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM.

-Xin cảm ơn ông!

Bí thư Quận ủy quận 9 LÂM ĐÌNH THẮNG

Mở đường mới, kết nối các trọng điểm sáng tạo

Xây dựng quận 9 ngày càng văn minh, hiện đại và phát triển theo định hướng Khu đô thị sáng tạo là mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 9 nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra.

Đặc thù trong Khu đô thị sáng tạo là Khu Công nghệ cao (phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao) và Khu đô thị mới Tam Đa (phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần).

Từ đó, quận đã xác định 10 nhóm việc cụ thể trên tất cả các lĩnh vực liên quan để cụ thể hóa cho mục tiêu trên và triển khai các đặc thù. Cụ thể, quận chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh các quy hoạch 1/2000 trên địa bàn cho phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo.

Quận đề xuất chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở trên địa bàn, như ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, tái định cư, nhà ở cao tầng dọc Xa lộ Hà Nội, Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây...

Ngoài ra, quận 9 sẽ phối hợp với quận 2 và quận Thủ Đức nghiên cứu quy hoạch mới tuyến đường kết nối các khu vực trọng điểm sáng tạo, đường liên khu vực 3 quận, tuyến cầu đường kết nối liên vùng từ phía Đông TPHCM đi các đô thị của Đồng Nai và Bình Dương, như đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Dĩ An, Thuận An.

Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Phối hợp hình thành điểm nhấn của TP Thủ Đức

Đối với định hướng phát triển Khu đô thị sáng tạo, quận đã chủ động, chuẩn bị trong xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thủ Đức nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đó, đại hội thảo luận, thông qua nghị quyết thực hiện giai đoạn tới với nhiều giải pháp cụ thể.

Quận sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, hỗ trợ thủ tục đầu tư xây dựng Khu đô thị tương lai Trường Thọ và hình thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là 2 điểm nhấn của TP Thủ Đức, cũng là các trọng điểm sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo theo định hướng phát triển của TP.

TP Thủ Đức trong tương lai sẽ là điểm kết nối hạ tầng quan trọng. Do đó, bên cạnh các dự án trọng điểm mà TP triển khai trên địa bàn (Vành đai 2, metro số 1, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đầu tư mở rộng quốc lộ 13…), quận tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông trục chính, các tuyến đường có tính chất giao thông trên cả quận cùng nhiều tuyến hẻm.

Trong số này có dự án xây dựng đường và cầu Bà Cả, nâng cấp mở rộng đường và cầu Tám Táng, nâng cấp cải tạo đường Tô Ngọc Vân.

Trong phát triển hạ tầng, quận còn tập trung phát triển mảng xanh ở các khu dân cư, dự án nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đặc biệt, quận nỗ lực để trở thành một hình mẫu trong phát triển mảng xanh ở cửa ngõ phía Đông của TPHCM, thông qua việc phát triển các công viên lớn phục vụ cộng đồng dân cư, như đầu tư các công viên quy mô tại phường Bình Thọ, phường Linh Xuân và kiến nghị TP đầu tư công viên trung tâm đa chức năng kết hợp hồ điều tiết tại phường Tam Phú, Linh Đông và Hiệp Bình Chánh.

Các tin khác