Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

(ĐTTCO) - Ngày 12-9, hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tổ chức. 
Đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật PPP
Hội nghị được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020 - 2030). Đây là thời gian quan trọng được coi là “nước rút” để Việt Nam hoàn thành chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV), bao gồm 115 chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Hội nghị đã thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và PTBV.
Với báo cáo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công tư hướng tới thập niên PTBV hơn”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam, nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa.
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững ảnh 1 Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. 
Đặc biệt, cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay. PPP là một cơ chế mới để cộng sinh hài hòa giữa khu vực kinh tế tư nhân và Nhà nước. Tư nhân chung tay với Nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và trong mọi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 
Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, ODA không còn, thì PPP và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng PPP không chỉ là sự chung tay giữa Nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt, bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế. VCCI đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật PPP và tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia…
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy đề xuất áp dụng mô hình PPP nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản
Một thách thức quan trọng là Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học; 80% - 85% doanh nghiệp phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nền kinh tế chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số mà chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản. Vì vậy, quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh PPP và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt.
Chia sẻ về chủ đề “tăng trưởng bao trùm: phát triển vốn nhân lực tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), cho rằng, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Việt Nam cần cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, PTBV vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển. Do đó, chủ trương PTBV đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững. Vì không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam. Nhưng phải khẳng định phát triển cần bền vững. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, các chỉ số về xóa đói giảm nghèo, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu… của Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, thành tựu này chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Chênh lệch giữa các nhóm dân cư, vùng miền còn lớn. Việc sử dụng tài nguyên còn chưa đảm bảo vấn đề môi trường.
Thủ tướng đề nghị thống nhất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về PTBV. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trung tâm của mục tiêu PTBV. Chúng ta đã có quá nhiều chiến lược phát triển, do đó chưa tập trung được nguồn lực. Đề nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đưa ra chương trình nghị sự PTBV 2030 với các nhiệm vụ cụ thể. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chính phủ khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng.
Thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, dự án nước. Nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được công nghệ. Xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu PTBV. 
“Toàn cầu hóa với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài”, Thủ tướng kết luận.
 5 sáng kiến cụ thể được đề xuất để thực hiện kinh tế tuần hoàn là: liên minh tái chế bao bì Việt Nam; sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam.

Các tin khác