Phòng vệ thương mại, câu chuyện DN Việt cần lưu tâm

Chính sách bảo hộ gia tăng dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, trong đó có việc một số nước mở rộng biến thể của yêu cầu “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” đối với dệt may sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm… Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa Việt Nam rất dễ bị kết luận là đang “lẩn tránh” thuế, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Phòng vệ thương mại, câu chuyện DN Việt cần lưu tâm
Thông tin trên được ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp về công tác phòng vệ thương mại 7 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 9/8.

Xu thế gia tăng bảo hộ thương mại

Dẫn chứng rõ hơn, ông Lê Triệu Dũng cho biết, các vụ việc Hoa Kỳ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam (nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan) hay xem xét đơn kiện Công ty Minh Phú gian lận thuế với sản phẩm tôm (mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ 2005 và kiện trợ cấp năm 2013) là minh chứng rõ nét cho xu thế này.

Thêm vào đó, xung đột thương mại Mỹ-Trung căng thẳng leo thang sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc và chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

“Điều này đặt ra các thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Dũng nhận định.

Thách thức nêu trên dẫn tới việc hàng hóa của hai nước này khó tiêu thụ tại thị trường của nhau, dẫn tới tăng cường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đồng thời hai nước cũng sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa.

Theo con số được Cục Phòng vệ thương mại báo cáo, 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao, trung bình 1 vụ/1 tháng.

Trong bối cảnh diễn biến thương mại thế giới phức tạp như vậy, nhưng ông Lê Triệu Dũng cho biết, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại rất hạn chế và đang làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài.

“Sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đến việc toàn bộ các doanh nghiệp khác của Việt Nam bị áp mức thuế cao. Nhiều doanh nghiệp do lo ngại khi trả lời bản câu hỏi của nước ngoài nên đã bị áp thuế cao”, ông Dũng chỉ rõ.

Thực tế này cũng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu ra tại cuộc họp về việc nhận thức của doanh nghiệp và của người dân về phòng vệ thương mại chưa đúng mức.

“Ví dụ như trong vụ phân bón DAP, khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nhóm hàng này, có ý kiến cho rằng Bộ đang nâng đỡ doanh nghiệp do Bộ quản lý. Thế nhưng, doanh nghiệp không hiểu rằng nếu như chúng ta phụ thuộc 100% vào phân bón Trung Quốc có thể bây giờ giá rẻ, còn sắp tới không biết giá sẽ tăng thế nào. Mặt khác, ban hành biện pháp phòng vệ thương mại là yêu cầu của pháp luật Việt Nam, khi đủ bằng chứng, pháp luật yêu cầu Bộ Công Thương phải làm như vậy.

Chưa kể đến việc cứ bán hàng khó khăn hay doanh thu giảm là doanh nghiệp lại yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là lỗi do chúng ta tuyên truyền chưa tốt, người dân và doanh nghiệp chưa hiểu được bản chất vấn đề”, Thứ trưởng chia sẻ.

Gia tăng phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có sự hạn chế nhất định về nguồn lực, quy mô, điều kiện tiếp cận thông tin với quốc tế liên quan đến các vụ việc phòng vệ thương mại. Thậm chí, Bộ trưởng cho biết “lãnh đạo các địa phương và ngay cả Sở Công Thương cũng không nắm được tình hình phòng vệ thương mại”.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến các doanh nghiệp thuỷ sản từ lâu nhưng các vụ việc vẫn cứ “đến hẹn lại lên” rất thường xuyên. Đây không phải bài học riêng với ngành thuỷ sản mà với tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Do đó công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là rất cần thiết”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ về diễn biến của các cuộc tranh chấp thương mại, kịp thời cập nhật các vấn đề nóng và dự báo các vấn đề phát sinh.

“Sắp tới các hàng rào kĩ thuật sẽ siết chặt hơn nên chúng ta phải có đánh giá, phân tích và chủ động dự báo trước các vụ việc. Tăng cường hợp tác quốc tế phối hợp với các thị trường khác để thể chế hoá việc hợp tác, đảm bảo cân bằng lợi ích, đưa ra cho doanh nghiệp các định nghĩa mới, những thông tin mới để hướng dẫn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý Cục Phòng vệ thương mại đánh giá về những con số tăng đột biến về xuất khẩu trong 7 tháng vừa qua khi có tới 13/37 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam có lượng xuất khẩu tăng đột biến sang Hoa Kỳ (xơ, sợi dệt tăng 92%; sắt thép tăng 81%, thức ăn gia súc tăng 50%...)

“Nhập khẩu ở các nhóm hàng này cũng tăng đột biến. Đây là sự trùng khớp cần lưu ý, kể cả với các mặt hàng đang chịu thuế thương mại. Chúng ta chưa kết luận điều gì nhưng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại nhanh chóng rà soát, đánh giá, báo cáo về tình trạng này. Không chỉ có gian lận xuất xứ mà chúng ta phải sàng lọc để chống chuyển tải đầu tư, chống lẩn tránh thương mại”, Bộ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu sự thay đổi về các biện pháp phòng vệ thương mại trong việc chống lẩn tránh trong bối cảnh Hoa Kỳ đánh thuế một mặt hàng của Trung Quốc và họ áp mức thuế đó tương tự với Việt Nam.

“Ví dụ như với mặt hàng thép cán nóng của Việt Nam. Khi ta nhập thép cán nóng của Trung Quốc để sản xuất tôn bán cho Hoa Kỳ thì họ mặc định rằng ta lẩn tránh thương mại. Nếu như họ áp dụng cách tiếp cận này với mặt hàng dệt may hay da giày sẽ rất nguy hiểm bởi ta vẫn nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về sản xuất. Xu thế này Cục Phòng vệ thương mại phải nghiên cứu xem có phù hợp với quy định của WTO không và xác định xem nhóm hàng nào có nguy cơ bị áp biện pháp chống lẩn tránh này để đề xuất giải pháp”, Bộ trưởng lưu ý.

Các tin khác