Phục hồi kinh tế: Linh hoạt điều hành, đừng cứng nhắc theo quy định

(ĐTTCO) - Trải qua nửa năm đầu tiên trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nền kinh tế lại tiếp tục đối mặt các bất ổn mới. Nóng nhất là lạm phát và có lẽ không bao giờ hết nóng cho đến khi điểm nghẽn giá xăng, dầu được hóa giải. 

Cần giải pháp điều hành linh hoạt cho giá xăng dầu mới kiềm chế lạm phát, không thể áp cứng nhắc theo quy định.
Cần giải pháp điều hành linh hoạt cho giá xăng dầu mới kiềm chế lạm phát, không thể áp cứng nhắc theo quy định.
Tìm cách hóa giải hỗ trợ nền kinh tế
Trong dự thảo Nghị quyết vừa được Bộ Tài chính soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm “kịch khung” mức Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, đã đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít thuế BVMT với xăng, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát.
Như vậy, Bộ Tài chính vẫn “cố thủ” giữ nguyên mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng. Trong khi 2 sắc thuế này được đánh theo giá trị tương đối, tức khi cơ sở tính thuế càng lớn thuế thu về càng nhiều, và đây là cấu phần lớn trong giá bán xăng hiện nay.
Trước đó, đã có nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc giảm 2 sắc thuế này. Thậm chí, có đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn đã hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng tuy thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội, nhưng quan điểm của Bộ thế nào.
Điều này có thể hiểu rằng vấn đề là Bộ có muốn hay không, không phải là có được hay không, bởi nhiều đại biểu Quốc hội đều tán thành các phương án giảm thuế, nên xin ý kiến Quốc hội có lẽ không quá khó.
 Tinh thần hỗ trợ là tìm cách hóa giải, không phải tìm quy định. Nếu cách giải quyết vượt ngoài quy định, kiến nghị điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Giờ đây quan điểm các đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được trình bày trong dự thảo. Theo Bộ này, không thể giảm thuế TTĐB vì trong Luật Thuế TTĐB không quy định việc giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế này. Quan trọng hơn, Bộ cho biết thuế TTĐB chỉ đánh lên xăng, không đánh lên dầu, và dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Đúng là có thể xăng không phải đầu vào chủ yếu cho sản xuất kinh doanh, nhưng nhiên liệu này là một trong những đối tượng tiêu dùng chính của người dân. Có thể giá xăng tăng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh, nhưng đây là nhân tố chủ yếu đang bào mòn tổng cầu hiện tại. Nếu không có cầu, cung sẽ phục hồi bằng cách nào, sản xuất kinh doanh nhưng sức mua giảm, doanh nghiệp sẽ bán hàng hóa ra sao?
Vả lại, câu chuyện không chỉ là chi phí đẩy hay cầu kéo, còn là lạm phát kỳ vọng. Suy nghĩ về lạm phát của người dân hiện đang “tát nước theo mưa” với giá xăng tăng, tức dù có thể chi phí sản xuất kinh doanh thực sự trong thị trường chưa tăng, nhưng họ tin rằng nó sẽ tăng trong tương lai, nên khi định giá các hàng hóa, dịch vụ, họ đã chiết khấu trước kỳ vọng này vào giá thành, dần dà sẽ tạo ra sự tăng giá chung toàn nền kinh tế. Lúc này không chỉ tổng cầu mà tổng cung cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Về thuế suất VAT, Bộ Tài chính cho biết pháp luật về VAT cũng không quy định giảm thuế. Cũng như trong Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội quyết định không giảm thuế đối với các mặt hàng đang chịu thuế TTĐB (trong đó có xăng), nên bộ cũng đành “bó tay”.
Có thể thấy, sự dẫn giải lý do của Bộ Tài chính là “đúng pháp luật, bám sát Nghị quyết”, nhưng cách đặt vấn đề như thế sẽ rất khó giải quyết được bất cập hiện nay. Do đó, dùng những văn bản này để làm nền tảng tư duy cho quy trình hoạch định chính sách, mọi kịch bản đều bế tắc.
Viện dẫn của Bộ Tài chính để từ chối đề xuất giảm thuế TTĐB và VAT, có thể khiến dư luận nghĩ Bộ đang muốn dùng chính những quan điểm trước đây của Quốc hội để “bó tay” Quốc hội. Chúng ta đang trong giai đoạn quyết liệt hỗ trợ nền kinh tế. Tinh thần hỗ trợ là tìm cách hóa giải, không phải tìm quy định. Nếu cách giải quyết vượt ngoài quy định, kiến nghị điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Hiện nay cách đã có, vấn đề là Bộ Tài chính - cơ quan quản lý chịu trách nhiệm soạn thảo, phải đề xuất những điều chỉnh thích hợp trước những hạn chế của không gian chính sách.

Không thể có kịch bản lý tưởng
Dựa vào 2 yếu tố là khả năng giải ngân gói hỗ trợ để kích cầu và khả năng kiềm chế lạm phát, nửa năm còn lại có thể có nhiều kịch bản. Kịch bản lý tưởng nhất là lạm phát được kiềm chế tốt nhờ vào chi phí năng lượng, lương thực và sản xuất đầu vào hạ nhiệt, xung đột Nga-Ukraine lắng dịu, chuỗi cung ứng được giải tỏa phần nào, cùng với gói kích cầu trong nước được giải ngân bảo đảm tiến độ.
Điều này giúp tổng cung và tổng cầu dịch chuyển tăng đồng bộ, vừa đảm bảo tăng trưởng cao và lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trước những gì đang diễn ra khó có kết cục này.
Bởi lẽ tình hình lạm phát hiện nay bắt nguồn từ những xung đột chính trị và chính sách cô lập của các nước lớn, hơn là các trục trặc kinh tế đơn thuần. Hiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số NHTW đang phản ứng lại bằng cách tăng lãi suất mạnh. Ở Việt Nam, NHNN đang siết room tín dụng và đã quyết định bán ngoại tệ. Tuy chưa có bước đi tăng lãi suất như các NHTW khác, nhưng biểu hiện chính sách hiện nay của NHNN cho thấy những điểm tương tự và có thể phải đối mặt với sức ép tăng lãi suất trong tương lai gần. Nếu việc tăng lãi suất xảy ra có lẽ “lợi bất cập hại”. 
Việt Nam mới bước ra từ vòng xoáy dịch bệnh đầu năm nay, trong khi các nước khác đã tăng trưởng quá nóng. Tăng lãi suất sẽ khiến các khoản vay trở nên đắt hơn, điều kiện tài chính thắt chặt, sản xuất sẽ khó khăn do đói vốn và kết quả tổng cung chưa được phục hồi lại bị hạn chế, góp phần tăng thêm lạm phát. Bản thân lạm phát cũng là một loại “thuế”, và nó đánh lên toàn dân.
Do đó, cân nhắc giảm thuế xăng dầu hiện nay chính là để xoa dịu phần nào mức “thuế” này, cũng như hỗ trợ cho cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Vì không thể có kịch bản lý tưởng nên phải cân nhắc kịch bản tối ưu nhất, đó là hy sinh vài điểm tăng trưởng để bảo đảm kiềm chế lạm phát, bảo toàn nội lực cho nền kinh tế. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới hiện đang tăng cao, nguồn thu từ xuất khẩu xăng dầu cũng sẽ tăng hơn so với dự toán.
Do vậy cơ quan quản lý có thể tận dụng nguồn chênh lệch này để bổ sung vào các quỹ bình ổn nhằm hạ nhiệt giá xăng trong nước. Vì đây là nguồn thu vượt dự toán, điều tiết như vậy sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách năm. 

Các tin khác