Quản lý du lịch nhìn từ các nước

(ĐTTCO)-Với tư cách là ngành kinh tế, du lịch luôn cần được đặt dưới sự quản lý nhà nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi du lịch ở Việt Nam được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. TPHCM với tư cách là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước cũng không ngoại lệ.
Bangkok - Thái Lan luôn nằm trong top thành phố thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới.
Bangkok - Thái Lan luôn nằm trong top thành phố thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới.
Kinh nghiệm của Bangkok
Là thủ đô đồng thời là TP đông dân nhất của Thái Lan, có hệ thống hạ tầng phát triển, trong nhiều năm liên tiếp Bangkok luôn được xếp ở vị trí hàng đầu của top TP thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới. Để thu hút khách du lịch quốc tế, chính quyền Bangkok tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ chính: 
(1) Tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp nhằm thu hút du khách và tạo giá trị gia tăng. Điển hình là việc xây dựng các tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực và thế giới như Asiatique với hơn 2.000 gian hàng; hệ thống các nhà hàng sang trọng dọc bờ sông Chao Pharya; Siem Center - địa điểm mua sắm vui chơi và ăn uống lâu đời nhất tại Bangkok, nơi du khách có thể mua sắm các mặt hàng của hơn 200 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới với giá cả hợp lý… 
(2) Kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng. Thí dụ, tại những điểm tham quan như Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia, nếu muốn mua các loại thuốc được chiết xuất từ nọc rắn, du khách phải được bác sĩ khám bệnh cẩn thận… Chính quyền Bangkok nhận thức được, Bangkok không đơn thuần là điểm đến du lịch, nó còn là bộ mặt, là đại diện của đất nước Thái Lan trong con mắt du khách quốc tế. 
(3) Đảm bảo môi trường an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch. Bangkok là một trong những điểm đến đầu tiên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đây là lực lượng không chỉ có nhiệm vụ thực thi pháp luật, trực tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch, còn có nhiệm vụ hướng dẫn khách thực thi các nghĩa vụ theo quy định hiện hành của quốc gia nói chung và của Bangkok nói riêng.
(4) Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong nước hoạt động tại Bangkok phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh với việc cung cấp đầy đủ các thông tin và hướng dẫn các quy định pháp lý, thông qua các lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên. Cung cấp thông tin thị trường về những cơ hội và rủi ro trong kinh doanh du lịch trước những biến động về chính trị, xã hội trong khu vực và thế giới.

Kinh nghiệm của Singapore
 Cần có sự quan tâm đầy đủ hơn của UBND TPHCM, Bộ VHTT&DL để TP thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, khu vực và quốc tế. 
Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch của Singapore được triển khai thuận lợi, bởi đây là điểm đến mang tính chất của một quốc gia mà việc điều hành được lồng ghép trong chính quyền ở quy mô đô thị du lịch hiện đại. Quản lý nhà nước về du lịch của Singapore chú trọng vào các vấn đề:
(1) Đào tạo để có đội ngũ lao động du lịch có trình độ, kỹ năng nghề du lịch ở đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đây được xem là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu của điểm đến du lịch chất lượng cao, chính vì vậy Singapore luôn được xếp vị trí hàng đầu về chất lượng du lịch. 
(2) Chú trọng đối với việc hoạch định xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn. Với kế hoạch phát triển du lịch năm 1986, Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa như khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Littele India, Kampong Glam, sông Singapore. Với kế hoạch phát triển chiến lược (1993), Singapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch du thuyền, chữa bệnh, giáo dục, phát triển các thị trường du lịch mới, tổ chức các lễ hội mang tầm quốc tế. Từ năm 1996, Singapore triển khai chiến lược du lịch 21 tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển du lịch trong thế kỷ 21, với các chiến lược phát triển du lịch, liên kết khu vực… 
(3) Lồng ghép phát triển hạ tầng du lịch vào chiến lược/kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch tiếp cận các điểm tham quan du lịch, dịch vụ. Tạo sự khác biệt với nỗ lực xây dựng TP trong vườn với nhiều không gian xanh. Đi kèm với nỗ lực này là các chế tài nghiêm khắc xử phạt các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường bất kể là người dân hay khách du lịch.
 
Bài học cho TPHCM
Những kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nhà nước về du lịch chỉ thực sự trở thành bài học cho du lịch TPHCM nếu du lịch TP được đặt trong thể chế và điều kiện phát triển du lịch tương đồng, với một số bài học cụ thể như sau: 
Phải có chiến lược/quy hoạch/kế hoạch phát triển với tầm nhìn và các bước đi cụ thể phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược quy hoạch tổng thể của quốc gia. Phải có được sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với “cầu” của các thị trường du lịch trọng điểm đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch điểm đến, nhằm tạo sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. 
Đi kèm với chiến lược về sản phẩm du lịch là chiến lược xúc tiến quảng bá có tính chuyên nghiệp cao, với sự hỗ trợ từ chính quyền. Đây là bài học rút ra từ kinh nghiệm của nhiều điểm đến trong top 10 TP thu hút nhiều khách du lịch hàng đầu thế giới năm 2017, đặc biệt là Singapore. Theo đó, TPHCM cần sớm rà soát lại hệ thống sản phẩm du lịch và có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, tài nguyên của mình trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL nói riêng. 
Để thực hiện có hiệu quả những bài học kinh nghiệm quốc tế đối với quản lý nhà nước về du lịch, cần tạo được môi trường du lịch an toàn và thân thiện với du khách, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm pháp luật từ doanh nghiệp du lịch và du khách theo kinh nghiệm của Singapore và Bangkok. 

Các tin khác