Quy hoạch TPHCM: Chồng chéo, đan xen, thiếu đồng bộ

(ĐTTCO) - ĐTTC số ra ngày 4-6, trên chuyên mục Thời luận có bài “Vấn nạn quy hoạch lạc hậu”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia và cơ quan quản lý. 
Thực tế tại TPHCM những năm qua, việc lập quy hoạch chồng chéo giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch giao thông, quy hoạch du lịch… đã tạo ra nhiều hệ lụy. Điều này đòi hỏi TPHCM phải có một quy hoạch dài hơi, đúng tầm, từ đó mới thể hiện “tròn vai” là đầu tàu kinh tế của đất nước.
Liên tục bị lạc hậu
Những năm qua, công tác quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch của TPHCM chưa phù hợp, đã tạo ra những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đơn cử,  việc quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) để đưa các cơ sở sản xuất về một mối, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và xây dựng nền công nghiệp tập trung. Thế nhưng, việc này thực chất đưa ô nhiễm từ nơi này qua nơi khác.
 Hạ tầng giao thông và các khu dân cư ở TPHCM hiện nay đang bị trộn lẫn vào nhau. Tư duy kinh tế mặt đường, kinh tế vỉa hè ăn theo các trục đường và quy hoạch đô thị chưa bài bản, công tác quản lý bảo vệ hành lang giao thông chưa chặt chẽ... là những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc xảy ra thường xuyên.
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, 
chuyên gia đô thị 
Tại địa bàn quận 12 có CCN Tân Thới Nhất và CCN Quang Trung. Theo quy hoạch, CCN Tân Thới Nhất rộng 50ha, tập trung các nhà máy, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề dệt, cơ khí. Đến nay CCN Tân Thới Nhất đã có 150 nhà máy, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động nhưng không tập trung, mà nằm đan xen trong khu dân cư, hàng ngày khói bụi, chất thải tác động đến cuộc sống cả một vùng dân cư đông đúc.
Còn CCN Quang Trung có diện tích 50ha với hơn 30 nhà máy, cơ sở sản xuất đang hoạt động, gây ô nhiễm nặng cho các khu dân cư nằm xen kẽ trong CCN. 
Khu vực phía Đông bao gồm các quận 2, 9, Thủ Đức đang được chính quyền tập trung đầu tư khá lớn về mọi mặt. Về sản xuất có khu công nghệ cao, giáo dục có làng đại học… Hạ tầng giao thông thông suốt đến rất nhiều khu vực vốn trước đây chỉ có dừa nước, kênh rạch…
Song đến thời điểm này, cả vùng phía Đông chỉ phát triển các dự án bất động sản, nhà ở, còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải trí ngoài khu công nghiệp, làng đại học... được xây dựng mới rất ít. Hệ quả, người dân sinh sống tại khu vực này vẫn phải vào khu vực nội thành để làm việc, vui chơi…
Chính vì thế, Xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn - tuyến giao thông huyết mạch nối các quận với trung tâm TP luôn trong tình trạng quá tải. Ngành giao thông TP đã phải mở rộng Xa lộ Hà Nội, xây thêm cầu Sài Gòn 2 và đưa vào sử dụng đường Phạm Văn Đồng để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.
Những ngày gần đây, chuyện thời sự nóng tại TPHCM là các cơn mưa đầu mùa gây ngập khắp nơi trên địa bàn TP. Hôm 19-5, trận mưa có vũ lượng gần 120mm, đã khiến 32 tuyến đường khắp các quận, huyện biến thành sông. Có nơi nước sâu gần 1m và kéo dài trong nhiều giờ. Trong khi đó TPHCM đã tập trung chống ngập từ 20 năm trước. TP là nơi đầu tiên và duy nhất trong cả nước có Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước - cơ quan chuyên trách việc chống ngập, TP đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng tình trạng ngập vẫn chưa cải thiện. 
Vùng TPHCM có vùng trũng thấp, rộng khoảng 255.000ha, trong đó 80.000ha của tỉnh Long An, nằm ở vùng cửa nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển. Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai TP có cao trình thấp dưới 2m, những vùng trũng thấp có cao trình từ 0-0,5m là những vùng ngập triều thường xuyên (đất hoang hóa và rừng ngập nước). Bởi vậy, yếu tố địa hình ảnh hưởng khá rõ đến khu vực TPHCM.
Mặc dù các dự án hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phần nào phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô, nhưng nếu mức nước triều lên cao theo từng năm sẽ lại là thách thức lớn đối với các dự án chống ngập của TP, nhất là khi hệ thống tiêu thoát thiết kế theo các thông số cũ đã lạc hậu.

Lỗi do đâu?
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt 4 năm trước, có quy hoạch nước mưa và nước bẩn nhưng chưa đồng bộ, vì không kết hợp với quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều. Nhưng đây cũng không phải là quy hoạch chuyên ngành nên còn sơ sài và hạn chế. 
 Trên thực tế, TPHCM không thể đề xuất thay đổi ranh giới quản lý hành chính của mình sang các tỉnh. Do vậy, khi nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng, hãy làm mờ đi ranh giới quản lý hành chính đang bó chặt và kìm hãm sự phát triển để hướng tới một vùng đô thị có khả năng phát triển năng động, khai thác hết thế mạnh, dựa trên những điều kiện đất đai, địa chất, thủy văn phù hợp cho phát triển đô thị.
Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA, 
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 (quy hoạch 752), do tổ chức JICA lập từ năm 1997-1998, duyệt năm 2001, là quy hoạch chuyên ngành đang chỉ đạo công tác thoát nước mưa và nước thải của TP. Tuy nhiên, hiện không còn phù hợp vì chỉ còn 3 năm là hết hạn, trong khi TP mới thực hiện được khoảng 28% khối lượng công việc. Các tài liệu, số liệu dùng để lập quy hoạch này đã thay đổi.
Bên cạnh đó, quy hoạch này cũng chưa đề cập đến vấn đề chống ngập do triều, biến đổi khí hậu, khiến nước biển dâng và sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư theo quy hoạch này quá lớn, khó hoàn thành. Quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều cho TPHCM (quy hoạch 1547) do Bộ NN-PTNT lập, Chính phủ phê duyệt năm 2008, chỉ chú trọng việc chống ngập do triều, chưa chú ý đến yếu tố mưa lớn và xả lũ.
Chi phí đầu tư cho dự án cũng quá lớn, khối lượng công trình nhiều, thời gian kéo dài nhưng phạm vi phục vụ lại hẹp…
Theo các chuyên gia đô thị, một vấn đề hạn chế trong quản lý quy hoạch ở TPHCM là quy hoạch thiếu tầm nhìn, hoặc tầm nhìn ngắn, xuất phát từ quy hoạch ban đầu lệch thực tế. Khi đó, các nhà quy hoạch cứ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại mà làm, không tính đến lúc tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư quay lưng hoặc rút khỏi dự án. Trong quá trình khảo sát, các dữ liệu đầu vào chưa đầy đủ, nhiều thông tin cần thiết khó tiếp cận do quy hoạch động tới nhiều vấn đề nhạy cảm, vấn đề kinh tế – xã hội. 
Thí dụ, quy hoạch phát triển TP được phê duyệt năm 2010, thời điểm Việt Nam vẫn chưa chính thức công bố kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia. Vì thế, quy hoạch này chưa tính đến tác động của nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu đến TP. Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia được Bộ Tài nguyên - Môi trường cập nhật và công bố năm 2016, nếu mực nước biển dâng thêm 100cm và TP không có biện pháp ứng phó, thích ứng phù hợp, 17,84% diện tích của TP có nguy cơ bị ngập. 
Quy hoạch không gian (các khu dân cư, khu công nghiệp...) và quy hoạch giao thông ở TPHCM thời gian qua thiếu đồng nhất, đã dẫn đến hậu quả xung đột về giao thông, vấn đề cư trú, dịch vụ...
Để quy hoạch giao thông gắn với phát triển đô thị bền vững, giao thông liên kết vùng, ngay từ bây giờ TPHCM cần thay đổi từ cơ chế quản lý, nghiên cứu phê duyệt dự án cho đến vấn đề quản lý về sau, không để quá nhiều đầu mối, dẫn đến tình trạng lộn xộn. 
Quy hoạch TPHCM: Chồng chéo, đan xen, thiếu đồng bộ ảnh 1 Quy hoạch thiếu đồng bộ nên những khu phát triển là các dự án bất động sản mọc lên dày đặc. 
Tầm nhìn dài hơi, giải pháp đồng bộ 
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, nhấn mạnh tình hình dân số phát triển nhanh, phương tiện giao thông gia tăng đáng kể, vấn đề phát triển hệ thống nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TPHCM, nếu không tổ chức và quy hoạch chặt chẽ sẽ khiến tình trạng giao thông rất phức tạp trong tương lai.
Những hạn chế giữa vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông thời gian vừa qua là bài học đắt giá cảnh tỉnh các nhà quản lý. Chúng ta cần xác định rõ những bất cập đó để tổ chức lại cho phù hợp nhất, tính toán hết sức cụ thể ở từng khu vực, từng tuyến đường kết nối sao cho bảo đảm hiệu quả nhất.
Trong khi đó, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thừa nhận ngoài việc TPHCM cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển chung để phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TPHCM và 7 tỉnh phía Nam (quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh), các tác động về biến đổi khí hậu cũng đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch phát triển TP.
Ngay trong năm 2018 này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ làm công tác đánh giá tổng thể những bất cập, điểm chưa phù hợp của quy hoạch năm 2010. Theo đó, sở sẽ tổ chức nhiều hội thảo, thu nhận góp ý mang tính khoa học từ các chuyên gia trong ngành để hoàn chỉnh dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM cho những năm tới trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Còn theo ông Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cấu trúc đô thị TPHCM cần phải thay đổi. Thay vì tập trung nhà cao tầng ở khu trung tâm, rồi thấp dần ra bên ngoài, thì trong tương lai cần tập trung nhà cao tầng ngoài đô thị với quy mô, diện tích đủ để tổ chức hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, thương mại, giải trí, thể dục thể thao nhằm giảm bớt sự đi lại của người dân. Còn trong đô thị tập trung đầu tư, phát triển công trình công cộng và nhà ở cao tầng tại các trạm metro. Khi đó, người dân chỉ vào trung tâm để thưởng ngoạn, giải trí hay mua sắm các vật dụng cao cấp hơn. 

Các tin khác