Quyết giảm kẹt xe

(ĐTTCO) - Ngay những ngày đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký ban hành Quyết định 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018 – 2020. Kế hoạch này được thực thi sớm sẽ phần nào giảm áp lực kẹt xe trong suốt nhiều năm nay ở TPHCM.

Quyết giảm kẹt xe
Đầu tư tổng lực
Triển khai Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018 – 2020, trong năm nay, TP làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu, mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị, tăng khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu đi lại của người dân.
 Việc xây dựng các tuyến metro cần đến hàng chục tỷ USD, chưa kể thời gian thi công rất lâu, trong khi đó số lượng xe cá nhân ở TPHCM rất lớn, cơ sở hạ tầng yếu kém và còn nhiều bất cập. Những thách thức này như vòng luẩn quẩn kéo dài, không thoát ra được, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn với tắc đường, tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Nếu TP trông chờ vào các tuyến metro thì còn lâu, còn phát triển xe buýt mãi rồi đến một lúc cũng phải quá tải. Điều cấp thiết lúc này là phải phát triển xe buýt nhanh. 
TS. Phạm Xuân Mai,
Trường ĐH Bách khoa TPHCM 
Đến năm 2020, 81km đường bộ và 18 cây cầu sẽ được làm mới và đưa vào sử dụng, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2%, đất xây dựng đô thị và mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km2. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị lúc này sẽ đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị.
Như vậy, theo kế hoạch mới đặt ra, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm gần 190km đường bộ và 46 cây cầu.
Song song với việc mở thêm cầu, đường, TP cũng yêu cầu tập trung nguồn lực từ ngân sách để đầu tư đổi mới xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện môi trường. Theo đó, ngành GTVT sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh; tổ chức các tuyến buýt kết nối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, TP sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phát triển các bến bãi trung chuyển xe buýt gần các khu vực giao cắt giữa trục đường chính với tuyến vành đai 2 nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào TP.
Một thông tin vui cho ngành GTVT TPHCM, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trước dự án thành phần 1, đường Vành đai 3 - TPHCM. Lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án đường Vành đai 3, cho biết việc triển khai dự án nhằm rút ngắn hành trình từ TPHCM đến TP mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Bình Dương.
Đặc biệt, tuyến đường này giúp phân luồng xe lưu thông từ xa, không đi xuyên qua trung tâm TP, góp phần giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TPHCM. Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 97,7km. Trong giai đoạn 1, đề xuất quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp ở hai bên, là đường cao tốc đô thị cho xe lưu thông với vận tốc 100km/giờ.

Quy hoạch lại hạ tầng giao thông 
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng kẹt xe triền miên ở TP  là do quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến đường của TP là khoảng 4.205km, đạt mật độ 2km/km2, trong khi đó theo quy hoạch là 10- 13,3km/km2. Diện tích đất dành cho giao thông khoảng 7.987ha (theo quy hoạch là 22.305ha).
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, năng lực giao thông TP đã quá tải. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán họp chợ, số lượng phương tiện tham gia giao thông vào các giờ cao điểm quá đông, đã vậy sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông đã khiến tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn.
Thống kê của Sở GTVT TPHCM, tính đến đầu năm 2019, TP đang quản lý khoảng 8 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô, chưa tính khoảng 1 triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn.
Mỗi ngày TP có thêm khoảng 1.000 ô tô và xe máy đăng ký mới. Tính trung bình TP có gần 100 xe máy trên 1.000 dân – tỷ lệ cao nhất thế giới. Con số này ở Hà Nội là gần 700, Băng Cốc (Thái Lan) 265, Jakarta (Indonesia) 160, New Deli (Ấn Độ) 175... 
Trong các cuộc trao đổi với ĐTTC, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông phân tích, ở TPHCM hiện có khoảng 80 – 90% người dân đi lại bằng xe máy. Khi phương tiện giao thông công cộng ở TP chưa đủ, nếu cấm xe máy người dân sẽ không biết đi lại bằng phương tiện gì. Thêm nữa, nếu cấm xe máy người có điều kiện sẽ mua ô tô, từ đó sẽ dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này sang một rối loạn khác.
Như vậy, ngành chức năng cần nên xem lại cấm xe máy hay hạn chế sẽ phù hợp thực tế, vì nhu cầu đi lại làm việc, học hành của người dân bằng phương tiện xe máy vẫn còn rất lớn. 
Ở một góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng tình trạng kẹt xe ở TPHCM ngày một trầm trọng thêm là do sai lầm về quy hoạch. Những năm qua, việc phát triển các khu đô thị ở TP, người ta chỉ xây dựng chung cư, chú trọng phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại mà không dành diện tích đất nhất định để hình thành các dịch vụ hạ tầng, xã hội như khu làm việc, bệnh viện, trường học. Con cái đi học một nơi, phụ huynh đi làm một nơi thì tất yếu xảy ra kẹt xe.
Phía ngoại ô TP, nếu có được hệ thống đường vành đai khép kín, hệ thống đường sắt hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, hạn chế xe container di chuyển, thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm đi nhiều.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách An toàn giao thông TPHCM nhìn nhận, trước thực trạng dân số TP phát triển nhanh, phương tiện giao thông tăng đáng kể, vấn đề phát triển hệ thống nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP nếu không tổ chức và quy hoạch chặt chẽ, trong tương lai tình trạng giao thông sẽ hết sức phức tạp.
Những hạn chế giữa vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua là bài học đắt giá, cảnh tỉnh các nhà quản lý. Cơ quan chức năng TP cần xác định rõ những bất cập đó để tổ chức lại cho phù hợp nhất.

Các tin khác