RCEP - Tránh tâm lý quá tự tin

(ĐTTCO)-GS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC), cho rằng bên cạnh việc mở rộng thị trường với cơ chế mở, RCEP sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, thậm chí giảm lợi thế đầu vào của nguồn cung.
RCEP - Tránh tâm lý quá tự tin ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện cơ chế, nâng cao năng lực cho DN, từng bước tham gia chuỗi sản xuất mới của thế giới với kỳ vọng đem lại hàm lượng công nghệ và giá trị cao hơn. Với việc tham gia RCEP liệu có là động lực mới cho quá trình chuyển đổi nói trên?
GS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC: - Chúng ta đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), nay tham gia RCEP Việt Nam vẫn có lợi, vì RCEP là khối thị trường rộng lớn, chiếm đến 30% dân số và GDP, 28% giá trị thương mại toàn cầu.
Một khối thương mại tự do lớn như vậy không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta cũng nên tránh tâm lý quá tự tin, chủ quan hoặc chỉ nhìn nhận trên bề mặt, không đánh giá đúng bản chất hiệp định, từ đó dẫn đến thực thi và ứng xử không đạt mục tiêu như mong muốn.
Đối với RCEP, muốn biết hiệp định này có trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất ở Việt Nam hay không, tôi cho rằng có 4 điểm cần phải lưu ý.
Thứ nhất, trong RCEP quốc gia lớn nhất là Trung Quốc vì Ấn Độ không tham gia. Nền kinh tế lớn nhất khối RCEP này rất có khả năng sẽ chi phối cả khối. 
Thứ hai, việc thực thi theo các điều khoản của hiệp định về sau sẽ như thế nào. Bởi thực tế lâu nay cho thấy, một số quốc gia vẫn đi theo hướng ký cam kết, nhưng về sau cái gì có lợi cho mình thì họ thực thi, cái gì không có lợi họ không thực thi, nhất là trong bối cảnh các khung khổ định chế của RCEP lại tương đối lỏng lẻo.
Thứ ba, Trung Quốc tập hợp được 15 nền kinh tế trong khối RCEP, có thể xem là “đối trọng kinh tế” với Mỹ và EU, đây cũng là điều đáng để suy nghĩ. Trong những năm gần đây, Mỹ đã thực thi và duy trì chính sách bảo hộ thương mại, từ chối hết các FTA đa phương, chỉ thực hiện quan hệ song phương. Do đó khi RCEP được ký kết là “tiếng chuông” với Mỹ, nhất là khi Trung Quốc quyết định duy trì chính sách thương mại đa phương. 
Thứ tư, toàn cầu hóa hiện nay đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ. Nên vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày càng suy giảm. Thay vì đứng ra tạo lập lại sân chơi theo trật tự mới, các cường quốc lại chia rẽ về quan điểm thương mại. Hệ quả, các nước trong các khu vực phải ký kết các FTA với nhau. Đây cũng có thể xem là sự đối phó. 
Đặt RCEP trong bối cảnh này để thấy, đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đây là hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường. Bởi trước đó, ASEAN đều đã có FTA với các đối tác.
Thay vào đó, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các FTA ASEAN đã có, RCEP được coi là có giá trị trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.
RCEP - Tránh tâm lý quá tự tin ảnh 2 Ngành dệt may lâu nay được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và chúng ta có lợi thế, nhưng trong sân chơi RCEP sẽ khác. Ảnh: L.THANH
- Ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của DN Việt trong sân chơi khu vực RCEP?
- Khách quan nhìn nhận, dù thời gian qua đã được cải thiện, song chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu nước ta đều ở mức độ thấp. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh cao hơn chúng ta. Điều đó dẫn đến khi thực thi hiệp định này sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.
Thêm vào đó, cam kết trong RCEP sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc, buộc DN Việt Nam ngoài cạnh tranh với các thị trường khác, còn phải cạnh tranh với loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc ngay tại thị trường trong nước.
Điều đáng lưu ý, hiện DN Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc, và đây chính là áp lực lớn cho DN trong tương lai gần.
Tôi cũng nói thêm, với những hiệp định Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, hàm lượng công nghệ từ các đối tác trong khối rất lớn, trong đó có cả điều khoản quy định về chuyển giao công nghệ, nên có thể trở thành động lực để cải thiện chuỗi sản xuất.
Còn với RCEP chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc có trình độ công nghệ cao. Vì thế nước tham gia RCEP và thu được lợi ích nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Việt Nam và các nước ASEAN cũng có lợi, nhưng ở mức thấp hơn, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ cũng có nhiều hạn chế.
- Có ý kiến cho rằng nhiều ngành sản xuất với những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sẽ bị tác động ngược từ RCEP do không làm chủ được nguyên liệu đầu vào, thưa ông?
Chúng ta nên tránh tâm lý quá tự tin, chủ quan hoặc chỉ nhìn nhận trên bề mặt, không đánh giá đúng bản chất hiệp định, từ đó dẫn đến thực thi và ứng xử không đạt mục tiêu như mong muốn.
- Đây là điều đáng lo nhất cho DN Việt Nam. Bởi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, DN Việt rất dễ đuối sức vì phụ thuộc nguyên liệu đầu vào.
Thí dụ, ngành dệt may lâu nay được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và chúng ta có lợi thế, nhưng trong sân chơi RCEP sẽ khác. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là thị trường Mỹ và EU.
Trong khi đó, với RCEP có thêm Trung Quốc là nước có FTA mới với Việt Nam. Do đó, dù có ưu đãi về thuế quan khiến nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm, nhưng lại không được tính là nguyên liệu nội khối.
Đồng nghĩa, nguyên liệu mua từ Trung Quốc không được EU chấp nhận về quy tắc xuất xứ nguồn gốc, vì quốc gia này chưa có FTA với EU. Còn xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc càng khó hơn, vì nước này được biết đến là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới. 
Tóm lại, cũng giống như nhiều FTA khác, nâng cao khả năng cạnh tranh là yếu tố bắt buộc nếu DN Việt Nam muốn tận dụng tốt nhất các cơ hội khi RCEP có hiệu lực. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của chính DN, đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước về mặt cơ chế, chính sách.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác