Sản lượng đậu tương ảnh hưởng bởi La Nina

(ĐTTCO) - Kể từ đầu năm đến nay, đậu tương là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trên thị trường nông sản. Tính tới ngày 23-2, giá hợp đồng kỳ hạn đậu tương tháng 3 trên sàn CBOT đạt mức cao nhất 1.655 cent/giạ, tương ứng tăng khoảng 22,7% so với mức giá 1.349 cent/giạ mở cửa đầu năm 2022. 
Nếu tính từ mức đáy gần nhất thiết lập ngày 9-11-2021 là 1.193 cent/giạ, giá đậu tương đã tăng 38,7% chỉ trong vòng hơn 3 tháng. Nguyên nhân gây tăng giá do yếu tố thời tiết đã ảnh hưởng mạnh đến sản lượng đậu tương của Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Nguồn cung tại Nam Mỹ
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hành ngày 9-2, sản xuất đậu tương của Brazil ước tính giảm còn 134 triệu tấn, tương ứng giảm 3,6% so với con số 139 triệu tấn trong báo cáo phát hành hồi tháng 1. Không chỉ sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng, diễn biến thời tiết cũng tác động đáng kể đến sản lượng của các quốc gia Nam Mỹ khác như Argentina (quốc gia sản xuất lớn thứ 3 thế giới) và Paraguay. Cụ thể, sản lượng của Argentina dự báo giảm còn 45 triệu tấn, tương đương giảm 3,2% so với mức dự báo hồi tháng 1. Sản lượng của Paraguay thậm chí giảm 26%, ước tính chỉ đạt 6,3 triệu tấn so với mức 8,5 triệu tấn trong báo cáo trước đó 1 tháng.
Sản lượng đậu tương ảnh hưởng bởi La Nina ảnh 1
Về xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng liên tục cắt giảm lượng xuất khẩu đậu tương của Brazil do yếu tố hạn hán. Cụ thể, trong ước tính gần nhất, văn phòng USDA tại Brazil cho biết lượng xuất khẩu của Brazil dự kiến giảm xuống còn 86,7 triệu tấn, thấp hơn 4,2% so với con số 90,5 triệu tấn trong báo cáo phát hành ngày 9-2, và thấp hơn 7,8% so với ước tính hồi tháng 12-2021. Cơ quan này cũng cho biết nếu diễn biến thời tiết La Nina tiếp tục tác động tiêu cực, con số ước tính có thể giảm thấp hơn nữa so với hiện tại. Với việc sản lượng sụt giảm tập trung ở khu vực Nam Mỹ (chiếm tới 51% sản lượng đậu tương toàn cầu), báo cáo cung cầu ngày 9-2 của Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản xuất chỉ đạt 363,9 triệu tấn, tương ứng giảm 2,3% so với ước tính trước đó 1 tháng, và giảm 4,6% so với ước tính hồi tháng 12-2021. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của mùa vụ 2021-2022 ước tính khoảng 369,2 triệu tấn. Như vậy sản xuất thiếu hụt khoảng 5,3 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Điều này trái ngược với mùa vụ 2020-2021 khi ghi nhận dư thừa khoảng 3,5 triệu tấn. Do tình hình thiếu hụt trong mùa vụ hiện tại, ước tính tồn kho cuối vụ ở mức 92,8 triệu tấn, tương ứng giảm khoảng 7,5% so với mức tồn kho đầu vụ. Tỷ lệ tồn kho cuối vụ so với nhu cầu tiêu thụ 25,3%, mức thấp nhất trong vòng 6 mùa vụ gần nhất.
Sản lượng đậu tương ảnh hưởng bởi La Nina ảnh 2
 Bên cạnh nỗi lo về sản lượng của mùa vụ 2021-2022, thị trường giao dịch cũng đang quan tâm về dự báo sản lượng của mùa vụ 2022-2023 sắp tới (diễn ra từ cuối tháng 4 tới). Các hãng phân tích đa số nhận định với mức giá phân bón rất cao như hiện tại sẽ làm hạn chế khả năng mở rộng hoặc giữ nguyên diện tích gieo trồng của vụ mới, thậm chí có khả năng giảm diện tích. Vì vậy, chính phủ Brazil đã lên kế hoạch để có giải pháp đảm bảo nguồn cung phân bón, bởi Brazil phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu với tỷ trọng 80% nhu cầu tiêu thụ phân bón. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là giá phân bón ở mức cao sẽ tác động đến bài toán cân đối lợi nhuận của nông dân trồng đậu tương.Nhu cầu của Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới với tỷ trọng chiếm gần 60% thị trường nhập khẩu. Theo tin từ Bloomberg, trong tuần từ 14-2 đến 21-2, Trung Quốc đã hủy đơn hàng khoảng 10 tàu chở đậu tương từ Brazil. Nguyên nhân bởi lo ngại sự sụt giảm chất lượng đậu tương ở khu vực Nam Mỹ do vấn đề thời tiết ảnh hưởng đến cả Brazil và Argentina. Trong khi đó, Trung Quốc đang vội vã tích trữ kho đậu tương của mình trong bối cảnh sụt giảm sản lượng đậu tương toàn cầu. 
Trong cùng thời gian, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng báo cáo có 132.000 tấn đơn hàng đậu tương tư nhân lô lớn (hàng của vụ 2022-2023) sang Trung Quốc. Ngoài ra còn có 186.000 tấn đơn hàng đậu tương tư nhân lô lớn vụ 2021-2022 và 132.000 tấn đơn hàng đậu tương tư nhân lô lớn khác của vụ 2022-2023 đến một quốc gia giấu tên. Theo các chuyên gia trên sàn hàng hóa, quốc gia giấu tên thông thường là Trung Quốc. Như vậy tổng cộng trong cùng thời gian có 450.000 tấn đậu tương (cả hàng vụ cũ và hàng vụ mới) được Trung Quốc thu mua. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc mùa vụ hiện tại ước tính khoảng 116,7 triệu tấn, tương ứng tăng khoảng 4,6% so với mức 111,6 triệu tấn của mùa vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương của nước này ước tính chỉ đạt 16,4 triệu tấn, giảm so với mức 19,6 triệu tấn của vụ trước. Hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc cũng gặp khó khăn do chính sách zero Covid, nên giá đậu trương nội địa của nước này tăng cao. Cụ thể, hợp đồng đậu tương No.1 kỳ hạn tháng 3 giao dịch trên sàn Đại Liên có lúc đã lên mức 6.428NDT/tấn vào ngày 11-2, tương ứng tăng khoảng 13,7% so với mức đáy 5.652NDT/tấn hồi đầu năm.Diễn biến giá đậu tương thời gian tới?
Với cán cân cung - cầu nghiêng rõ về bên thiếu hụt, giá đậu tương dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Một xu hướng đảo chiều giảm giá rõ rệt chỉ xảy ra khi có yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới, như việc tăng tốc độ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể diễn ra quá nhanh, làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ của mùa vụ tiếp theo 2022-2023. Hoặc sự tham gia việc thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có tác động tương tự đến nhu cầu tiêu thụ của mùa vụ mới. Với mùa vụ hiện tại chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là kết thúc, thị trường sẽ có xu hướng chờ đợi cho đến khi các hãng phân tích bắt đầu đưa ra các con số dự báo về cán cân cung - cầu của mùa vụ 2022-2023. Khi đó, xu hướng đảo chiều giảm giá nếu có sẽ trở nên rõ ràng hơn so với hiện tại.
 Diễn biến thời tiết La Nina đã tác động tiêu cực đến nguồn cung đậu tương Nam Mỹ, kéo theo sự sụt giảm sản lượng đậu tương toàn cầu.

Các tin khác