Sản xuất kinh doanh tháng 11: Điểm sáng công nghiệp chế biến, chế tạo

(ĐTTCO)- Hầu hết các chỉ số sản xuất kinh doanh tháng 11 đều góp phần phản ánh hiệu quả thiết thực và phù hợp của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Điểm sáng trong sản xuất kinh doanh tháng 11 vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo (Ảnh minh họa)
Điểm sáng trong sản xuất kinh doanh tháng 11 vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo (Ảnh minh họa)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới tăng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tăng; xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tốt; các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vận tải dần hồi phục… là những điểm đáng chú ý trong Báo cáo Tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm nay, vừa được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Hầu hết các chỉ số sản xuất kinh doanh tháng 11 đều góp phần phản ánh hiệu quả thiết thực và phù hợp của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng 10. 11 tháng, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2020. Điểm sáng vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính riêng tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động. Bên cạnh đó, 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở hoạt động đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công, nên vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng 14,7% so với tháng trước, tương đương 48.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam khi vốn FDI đăng ký mới và vốn tăng thêm giữ xu hướng tăng. Tính chung 11 tháng, tăng tương đương 26,46 tỷ USD so với cùng kỳ 2020.

Cũng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, nước ta đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD.

Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Việc cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã hỗ trợ khôi phục hoạt động vận tải, du lịch, dịch vụ, bán lẻ hàng hoá khi khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng hơn 42% so với tháng trước, tương đương hơn 15.000 lượt khách. 11 tháng, con số này là hơn 140.000.

Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, người dân sinh hoạt bình thường trở lại, là lí do giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng - chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,32%. Tính chung 11 tháng, tăng 1,84% so với năm trước - là mức tăng thấp nhất kể từ 2016.

Bên cạnh những kết quả trên, phải kể đến một số tín hiệu rất tích cực nữa của kinh tế, đó là: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Các tin khác