Sao lại ôm cái ô nhiễm?

(ĐTTCO) - Việc lãnh đạo tỉnh Long An kiến nghị sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) thay vì nguyên liệu than để chạy máy phát điện, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, nhưng không được Bộ Công thương chấp thuận, đã khiến dư luận chú ý. 
Sao lại ôm cái ô nhiễm?
Theo lý giải của Bộ Công Thương, Trung tâm điện lực (TTĐL) Long An được lập theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD sử dụng nguyên liệu than. Do vậy việc thay thế từ than sang LNG không phù hợp quy hoạch, không có đủ cơ sở để phê duyệt điều chỉnh như kiến nghị của tỉnh.
Thực ra uu điểm của nhiệt điện than là giá thành sản xuất thấp, chỉ 0,7USD/KWh; vốn đầu tư không quá cao với khoảng 1.500USD/KWh, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân. Nhiệt điện than còn có khả năng huy động công suất lớn, nên sản lượng điện phát ra lớn và không lệ thuộc vào yếu tố tự nhiên như các nguồn điện sạch khác. Vì thế, trong khi các nước bỏ nhiệt điện than, Việt Nam dự định phát triển 80 nhà máy vào năm 2030.
Thế nhưng, ai cũng biết than là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và ô nhiễm nhất. Khi đốt than để sản xuất điện, nhiều loại khí độc, kim loại nặng sẽ thoát ra, gây ô nhiễm cho nguồn nước và đất nông nghiệp ở xung quanh các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời gây hiện tượng nóng lên toàn cầu, tạo ra những cơn mưa axít. Quá trình đốt than để sản xuất điện sẽ sản sinh ra nhiều chất khí ô nhiễm gồm sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2), các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ.
Ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện than còn gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch cho đến các bệnh mạch não.
Các nghiên cứu ước tính, cứ 4 tấn than được đốt sản sinh ra 1 tấn tro bay trên phạm vi 150.000km2. Tro bay có thể bay với tốc độ 40-50km nếu thuận chiều gió. Sau khi lắng xuống, nó sẽ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng, cũng như các bệnh ở cây trồng, động vật và cả con người.
Chưa kể các chất ô nhiễm độc hại trong xỉ than bao gồm thạch tín và chì sẽ gây ra các bệnh về da, ung thư phổi và ung thư bàng quang, gây tổn thương cho hệ thần kinh ở những người bị phơi nhiễm thạch tín. Hệ thủy sinh của địa phương nằm gần khu vực chôn xỉ than cũng sẽ bị phá hủy. Đặc biệt, khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than được xem là tòng phạm gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển ngày càng tăng.
Đúng là xét về phương diện kinh tế, với mức giá thấp hơn hẳn so với chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo khác, phát triển nhiệt điện than được ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu đánh giá 1 dự án nhiệt điện than tồn tại hơn 30 năm từ khi đưa vào vận hành đến khi kết thúc đời dự án giá thành lại không hề thấp. Bởi nguồn than khai thác trong nước ngày càng hạn chế, để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy phải tính đến việc nhập khẩu than.
Dù việc nhập khẩu than đã được Nhà nước tính đến, nhưng nếu cứ phụ thuộc mãi nguồn này, bài toán về kinh tế lại không còn rẻ nữa. Bởi lẽ, giá than sẽ ngày càng tăng cao, kéo theo chi phí về nhiên liệu trong giá thành mỗi kWh sẽ tăng lên, không thể dưới 10 cent/kWh cho nhiệt điện than như hiện nay. 
Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quy hoạch ngành Công nghiệp Khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó yêu cầu “nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận khí LNG. Nếu nhập khẩu LNG chủ yếu cho sản xuất điện, nhằm giảm thiểu nhiệt điện than trong mục tiêu giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí nhà kính CO2”.
Hiện chúng ta đã có 2 nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 2 sử dụng khí LNG từ mỏ các mỏ thuộc bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Theo báo cáo, lượng khí thải của 2 nhà máy rất thấp so với nhiệt điện than, và hầu như không có chất thải khác gây ô nhiễm môi trường.
Hồi cuối tháng 7, trong buổi tiếp các nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất điện khí LNG có công suất 3.200MW tại Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn để đầu tư các dự án điện khí. Vì thế, việc lãnh đạo tỉnh Long An chỉ chấp nhận nguồn nguyên liệu khí LNG, không chấp nhận nhiệt điện than, là nhất quán với quan điểm “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” của Chính phủ.

Các tin khác