Sắp xếp, xử lý lại nhà đất để đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy cán thép Thái Trung, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. (Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy cán thép Thái Trung, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. (Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý cần thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện phương án xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý, từ đó, đảm bảo triển khai có hiệu quả cơ cấu lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng đơn vị này cần chỉ đạo, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn đã bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả theo quy định và nội dung triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một giải pháp quan trọng khác được Bộ Tài chính chỉ rõ là phải nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng đó, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường; không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước như: Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 9/10/2020, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020, Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020…

Đặc biệt, sắp tới dự thảo đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sẽ là cơ sở để tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay kết thúc giai đoạn 2016-2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch; trong đó, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 2 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

Các doanh nghiệp này không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 202 tỷ đồng; trong đó, phần vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 119 tỷ đồng.

Các tin khác