Sau dưa hấu, thịt heo, sẽ giải cứu gì ?

(ĐTTCO)-ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) hỏi xoáy: Có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân phải tham gia giải cứu các sản phẩm nông nghiệp như đã từng làm với hành tím, dưa hấu, thịt heo...?
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của ĐB ngày 13.6
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của ĐB ngày 13.6
Kéo dài từ sáng đến đầu giờ chiều 13.6, các đại biểu liên tiếp chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về một loạt vấn đề bức xúc của ngành nông nghiệp, đặc biệt cuộc khủng hoảng dư thừa heo và nỗi lo được mùa mất giá.
“Giải cứu thịt heo" 3 khâu mới làm được 1
Mở đầu phiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) dẫn thực trạng nông dân khốn đốn vì tình trạng “vỡ trận” do dư thừa thịt heo thời gian qua, chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ. Còn ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nêu câu hỏi: “Đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết?”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dư thừa thịt heo. Thứ nhất, do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, chỉ trong hơn 10 năm qua thịt heo tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn... VN từ nước thấp nhất trong ASEAN, sau 10 năm heo nái từ 2 triệu con lên 4,2 triệu con.
Bên cạnh đó, trước kia bữa cơm người dân 75% là thịt heo, giờ đã thay đổi với nhiều thực phẩm khác, gây mất cân đối cung - cầu. Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt. “Trong 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường, chúng ta mới làm tốt khâu đầu, còn 2 khâu sau yếu kém, dẫn đến tình trạng dư thừa như vừa qua”, Bộ trưởng Cường thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Cường vừa ngồi xuống, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) giơ biển tranh luận lại: “Xuyên suốt các câu trả lời về quy hoạch, giải cứu heo, tôi thấy vắng bóng vai trò quản lý nhà nước...”.
ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) hỏi xoáy: “Trong lĩnh vực đồng chí làm tư lệnh, trong tầm nhìn của Bộ trưởng, dự báo thời gian tới có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân phải tham gia giải cứu các sản phẩm nông nghiệp như đã từng làm với hành tím, dưa hấu, thịt heo... Nếu có thì mặt hàng nông sản đó là gì để người dân còn biết mà chuẩn bị?”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục giải thích, khủng hoảng heo do việc chế biến tách lìa với sản xuất. Khâu liên kết giữa sản xuất và chế biến thịt heo chỉ có hơn 20%, còn chế biến sâu (giống, chăn nuôi, giết mổ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy 90% việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống (sử dụng thịt heo tươi). Khâu tổ chức trong chăn nuôi vẫn là khâu yếu nhất. Về ngoại thương chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chưa mở cửa được.
“Bộ trưởng có biết nông dân nghĩ gì về trách nhiệm của Bộ trưởng”
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định người nông dân không chỉ trông chờ mỗi Bộ trưởng, mà trông chờ cả hệ thống. "Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông Cường lý giải.
Không hài lòng với câu trả lời trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn: “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhưng hôm nay Quốc hội (QH) chất vấn Bộ trưởng, tôi muốn hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm của mình chứ không phải nói cả hệ thống chính trị”.
Bà Tâm chia sẻ, trong nhiều cuộc gặp gỡ bà con nông dân, bà nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. Cái dễ thì làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá. “Tôi xem truyền hình thấy có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời rằng sản phẩm dư thừa là do bà con nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm, bởi bà con thấy lợi là làm thì đúng rồi, còn trách nhiệm của Bộ ở đây như thế nào?”, bà Tâm đặt vấn đề.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tiếp tục hỏi về thực trạng được mùa mất giá là nỗi lo thường trực trong cuộc sống người nông dân. Để giải quyết vấn đề này có vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức, của nhà nước, và vai trò của nhà nước là rất lớn. “Nhưng vừa qua cứ xảy ra chuyện như dư thừa thịt heo, thì doanh nghiệp bỏ chạy. Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của nhà nước như thế nào để giữ chân doanh nghiệp trong những tình huống này?”, ĐB Bé chất vấn.
Được yêu cầu trả lời thêm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, trong thời gian qua rõ ràng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế ở nhiều sản phẩm và trong toàn ngành. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra và chưa có những giải pháp hữu hiệu.
Gần đây nhất là tình trạng dư thừa thịt heo làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Thực tế một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Chẳng hạn cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%...
Phó thủ tướng cũng thừa nhận, công tác quản lý nhà nước còn rất nhiều bất cập, cơ chế, chính sách chậm được điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tế, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, điều chỉnh định hướng quy hoạch...
Phó thủ tướng cho rằng, trước hết phải phát triển nông nghiệp để đạt các mục tiêu về chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phải sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn thì mới có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế...

Các tin khác