Siêu thị tăng thời gian phục vụ, giúp người dân yên tâm mua sắm

(ĐTTCO)-Để tăng sức mua của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều dịch vụ như bán hàng online, đi chợ hộ… cũng được nhiều doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ triển khai, giúp lượng hàng bán ra tăng mạnh.
Người dân mua sắm hàng hóa tại AEON. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Người dân mua sắm hàng hóa tại AEON. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sức mua những ngày cận Tết Nguyên đán đang tăng nhanh, vì vậy để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy mạnh việc cung ứng các loại hàng hóa.

Đặc biệt, tại các chợ hoa, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống, việc bố trí các quầy hàng cũng đảm bảo khoa học và thuận tiện hơn, qua đó đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chú trọng công tác phòng, chống dịch

Theo quan sát, tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, khách hàng và nhân viên bán hàng đều bắt buộc đeo khẩu trang. Bảo vệ thường xuyên nhắc nhở và hỗ trợ khách hàng rửa tay sát khuẩn. Cùng với đó, việc vệ sinh quầy, kệ, sàn nhà, xe đẩy hàng… được tăng cường.

Nhiều trung tâm thương mại còn lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên ở quầy thanh toán. Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch đã trở thành thói quen của hầu hết người dân.

Tương tự, tại hệ thống cửa hàng kinh doanh bánh, mứt, kẹo, thực phẩm, cũng như hệ thống cửa hàng tiện lợi..., ý thức phòng, chống dịch COVID-19 đã được nâng cao, ngoài việc sát khuẩn tay, nhân viên cửa hàng còn nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, các cửa hàng, điểm kinh doanh của Tổng công ty cũng tổ chức bán hàng online qua các kênh như website, Facebook, Zalo, Viber... xây dựng chính sách giao hàng tại nhà, tận nơi để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.

Đặc biệt, tại các chợ hoa, điểm mua bán hàng Tết, việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng được chính quyền địa phương chú trọng.

Ông Bùi Xuân Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, cho biết quận đã chỉ đạo các đơn vị công khai danh sách các địa điểm và kế hoạch tổ chức chợ hoa Xuân để nhân dân trên địa bàn quận được biết, tham quan, mua sắm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân quận đã xây dựng phương án triển khai, bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ, kiểm tra hoạt động chợ hoa bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

“Quận thường xuyên kiểm tra các điểm chợ hoa và yêu cầu các đơn vị quản lý chợ hoa Xuân khẩn trương khắc phục những bất cập, thiếu sót,” ông Bùi Xuân Hà cho hay.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm nay Hà Nội dự trữ 39.000 tỷ đồng đối với 17 mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân ở trên địa bàn. Các siêu thị cũng xây dựng lịch mở cửa trước, trong và sau tết rất hài hoà để bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân và công tác phòng chống dịch.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết nguồn cung hàng hóa dồi dào, bảo đảm chất lượng và đặc biệt hàng Việt Nam đang chiếm trên 90%, với giá cả ổn định. Sức mua của người dân cũng tương đương so với năm 2021.

Về nguồn cung, sẽ có gần 100.000 tấn gạo, gần 40.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, hơn 100.000 tấn rau củ, trái cây và hàng trăm nghìn tấn sản phẩm hàng hoá thuộc 17 nhóm hàng thiết yếu đã được thành phố Hà Nội chuẩn bị để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Đặc biệt, để tăng sức mua của người tiêu dùng trong dịp Tết này, nhiều dịch vụ như bán hàng online, đi chợ hộ… cũng được doanh nghiệp triển khai, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết Hà Nội đã giao cho các hệ thống phân phối chủ động kết nối với các nhà cung cấp cách đây khoảng 3 tháng, do đó tạo được nguồn hàng ổn định, không có sự tăng giá, dù trong dịp Tết nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị hệ thống siêu thị mở cửa trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kéo dài thời gian mở cửa

Để hỗ trợ người dân thuận tiện mua sắm trong những ngày nghỉ Tết, một số siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố như: Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông, Circle K, 24h Cheers hoạt động 24/7 trong các ngày Tết.

Cụ thể, Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon trên toàn quốc sẽ mở cửa hoạt động xuyên Tết, giữ truyền thống mở cửa 365 ngày để phục vụ khách hàng, từ 7h đến 20h hằng ngày. Từ mùng 2 Tết, các siêu thị Aeon tại Hà Nội hoạt động bình thường, mở cửa từ 8h00 đến 22h00.

Sieu thi tang thoi gian phuc vu, giup nguoi dan yen tam mua sam hinh anh 2
Nguồn hàng hóa Tết được doanh nghiệp chuẩn bị rất chu đáo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart tăng giờ mở cửa phục vụ Tết.

Cụ thể, từ ngày 25/1 đến ngày 27/1 (tức ngày 23-25 Tết), siêu thị Co.opmart tại Hà Nội phục vụ khách từ 7h đến 22h. Từ ngày 28/1 đến 30/1 (tức ngày 26-28 Tết), siêu thị phục vụ từ 6h đến 22h. Ngày 31/1 (tức 29 Tết), siêu thị phục vụ từ 6h đến 12h và đóng cửa trong ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, siêu thị chỉ hoạt động buổi sáng. Từ mùng 6 Tết, siêu thị hoạt động trở lại bình thường.

Trong khi đó, các cửa hàng của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) mở cửa phục vụ muộn nhất đến 18h ngày 29 Tết và mở cửa trở lại từ mùng 3 Tết (từ 7h đến 22h). Hệ thống siêu thị Hapromart tại huyện Gia Lâm mở cửa trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày 4 Tết (từ 9h đến 17h).

Siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) mở cửa hết 29 Tết, nghỉ ngày mùng 1 Tết, 8h sáng mùng 2 Tết, siêu thị mở cửa trở lại, hoạt động bình thường. Hệ thống WinCommerce mở cửa tới 12h ngày 29 Tết và mở cửa trở lại vào ngày mùng 4 Tết.

Các tin khác