Sự thật đằng sau giá dầu âm

(ĐTTCO) - Thị trường dầu mỏ tương lai của Mỹ hôm 20-4 đã chứng kiến biến động giá chưa từng có khi giá hợp đồng tương lai dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức âm. Cụ thể, các hợp đồng dầu giao tháng 5-2020 có lúc giảm xuống -40,32 USD/thùng và sau đó đóng cửa ngày ở mức -37,63 USD/thùng.

Giá dầu âm là điều cực kỳ khó hiểu với phần lớn người dân và được diễn giải là “người bán dầu” phải trả tiền cho “người mua dầu”. Điều này lạ đời như thể việc bạn đi xe ra tiệm xăng, đổ xăng đầy bình sau đó nhận tiền từ nhân viên bán xăng!

Vì sao giá dầu âm?
Sự thật không phải như vậy. Dầu là một loại hàng hóa phải tốn công sức để hút lên và luôn có giá trị nhất định ở mức dương. Việc cho rằng “người bán dầu” phải trả tiền cho “người mua dầu” đúng là có thể xảy ra nhưng phải hiểu trong trường hợp nào. Biến động giá dầu ở mức âm ngày 20-4 là biến động của giá hợp đồng tương lai dầu giao tháng 5, chứ không phải giá dầu thực tế (giá giao ngay).
Có hai loại thị trường dầu. Thứ nhất thị trường truyền thống là giao ngay (spot), tức là bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể lái xe téc đến điểm bán dầu và mua một thùng, trả tiền theo giá thị trường hiện tại.
Thứ hai là thị trường phái sinh, bao gồm hợp đồng tương lai (futures) và quyền chọn (options), nơi các hợp đồng mua bán dầu kỳ hạn được chuẩn hóa do một Sở giao dịch hàng hóa đứng ra tổ chức - ở đây là hợp đồng tương lai dầu WTI của Sở giao dịch hàng hóa Chicago CME.
Sự thật đằng sau giá dầu âm ảnh 1
Hợp đồng tương lai dầu là một cam kết mua bán một khối lượng dầu nhất định (được CME chuẩn hóa là 1.000 thùng (barrels)/hợp đồng) trong tương lai. Trên thị trường này có các đối tác thật sự muốn mua dầu như các nhà máy lọc dầu, các hãng hàng không... nhưng cũng có rất nhiều các nhà đầu cơ chỉ coi hợp đồng tương lai này như một công cụ để ăn chênh lệch giá.
Vì cách thức thanh toán của hợp đồng tương lai này là chuyển giao vật chất, theo đó dầu mỏ thật sự được bơm vào các đường ống và chảy đến kho chứa của người mua, nên không có nhà đầu cơ ăn chênh lệch nào muốn giữ hợp đồng đến hạn để phải chứa hàng ngàn thùng dầu ở “sân sau nhà mình”.
Cũng do bản chất là chuyển giao dầu thật nên phát sinh chi phí cất giữ. Trong trạng thái thị trường bình thường, việc tìm chỗ chứa dầu không phải là vấn đề lớn. Theo quy định, việc chuyển giao dầu được thực hiện bằng hệ thống vận chuyển và kho chứa tại Cushing, Bang Oklahoma với sức chứa khoảng 80 triệu thùng.
Nhưng khi thị trường dầu lao dốc (đây là yếu tố chính dẫn đến cú sốc giá dầu âm ngày 20-4 vừa qua), số lượng dầu tại một thời điểm có nguy cơ vượt quá khả năng chứa của hệ thống bể chứa. Thực ra tại ngày 20-4 cũng không phải hệ thống chứa ở Cushing đã hết sạch chỗ (đến ngày 10-4 mới đạt 72%, ngày 17-4 đạt 77%), mà chỉ là có nguy cơ quá tải nên dẫn tới hiện tượng ép giá cho thuê chỗ chứa, đẩy chi phí cất giữ lên rất cao, thậm chí còn vượt quá cả giá dầu.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư đang nắm giữ hợp đồng tương lai mua dầu sẽ rơi vào tình thế kẹt: Nếu không muốn nhận dầu bắt buộc phải bán hợp đồng đi. Nhưng kể cả khi cho không số dầu (hợp đồng) tương đương giá 0 USD cũng khó tìm được người mua, vì chẳng ai chịu chi phí cất giữ còn cao hơn cả giá trị dầu.
Trong khi việc thực hiện hợp đồng mua bán dầu là bắt buộc. Do đó người nào muốn thoát khỏi hợp đồng mua dầu phải chịu luôn cả chi phí cất giữ. Nói cách khác, muốn không nhận dầu, người bán hợp đồng không chỉ cho không hợp đồng đó mà còn phải trả thêm phí để thuê chỗ chứa. Do đó giá hợp đồng tương lai rơi xuống dưới cả mức 0 và thành âm.

Chỉ xảy ra chớp nhoáng cho các nhà đầu cơ
Theo số liệu thị trường giao dịch tạo mức giá âm nói trên trong ngày 20-4 rất nhỏ. Số liệu của Bloomberg cho thấy số lượng hợp đồng mở (open interest) của dầu kỳ hạn tháng 5 là 108.000, khối lượng giao dịch (VWAP) khoảng 150.000 hợp đồng, trong khi khối lượng giao dịch hợp đồng kỳ hạn tháng 6 tới trên 1 triệu.
Đồng thời giá bình quân theo VWAP ngày hôm đó vẫn là 8 USD/thùng. Như vậy biến động mạnh của giá dầu và mức giá âm ngày 20-4 mang tính thời điểm. Sát ngày đáo hạn, có nhà đầu tư nào đó không muốn nhận dầu nên đã tìm cách bán đi hợp đồng. Nhưng tại thời điểm đó có quá ít người sẵn sàng mua lại hợp đồng (để nhận dầu) nên cung cầu mất cân đối và bên bán phải hạ giá thật nhiều để tìm được người mua.
Việc giảm giá xuống mức âm có thể hiểu là bên bán phải trả tiền cho bên mua, nhưng điều đó không đồng nghĩa với nhà sản xuất dầu phải trả tiền cho người mua dầu. Các nhà sản xuất dầu không hiện diện trong giao dịch này, mà chỉ là các nhà đầu cơ trên thị trường tương lai phải chịu thiệt hại để được giải phóng khỏi nghĩa vụ (ban đầu là quyền) nhận dầu. Hợp đồng tương lai dầu WTI giao tháng 5 vẫn đáo hạn ở mức giá 10,01 USD/thùng, giá hợp đồng tương lai dầu WTI giao tháng 6 ở 10,85 USD/thùng và dầu Brent đứng mức 17 USD/thùng. 
Một trong những lý do khác mang tính thời điểm khiến tình trạng kho chứa tại Cushing hết chỗ, là tình trạng đóng băng trong vận chuyển dầu từ kho chứa trung tâm tới các nhà máy lọc dầu cũng như các kho chứa khác. Hệ thống logistics dừng hoạt động nên kho chứa không được giải phóng.
Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, trên thế giới vẫn còn tới công suất chứa khoảng 1 tỷ thùng dầu nhưng không thể sử dụng được do không có hệ thống vận tải để tiếp cận. Thị trường tương lai dầu Brent chưa bao giờ rơi vào tình trạng giá âm giống dầu WTI hôm 20-4 vừa qua, do được vận tải đường biển linh hoạt hơn rất nhiều.

Nhưng cũng đã cảnh báo…
Mặc dù hiện tượng giá dầu âm mới xảy ra chớp nhoáng trên thị trường giao dịch tương lai và giữa các tay giao dịch với nhau, nhưng điều này cũng phát đi cảnh báo hết sức rõ ràng về rủi ro đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Hệ thống vận tải toàn cầu gần như dừng lại vì dịch bệnh khiến nhu cầu xăng dầu giảm đột ngột.
Các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động, trong khi chi phí để tắt và tái khởi động hệ thống khoan hút dầu rất tốn kém nên các công ty khoan dầu vẫn bơm dầu lên và hệ thống kho chứa tại Mỹ được dự đoán sẽ hết chỗ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Nếu tình trạng thiếu cầu không được cải thiện, đến lúc nào đó các nhà sản xuất dầu sẽ thực sự phải trả tiền để người mua mang dầu đi vì chi phí đó còn rẻ hơn chi phí đóng mở hệ thống giếng dầu.
Việc giá dầu lao dốc cũng dẫn tới giá xăng giảm, và điều này có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng cuối. Tuy nhiên lợi ích này là không rõ ràng vì giá dầu giảm là do nhu cầu đi lại quá ít. Khi nhu cầu đi lại ít thì giá xăng thấp cũng không nhiều ý nghĩa do người dân không tiêu dùng xăng. Đây là tình huống không bên nào “thắng”.
Trong khi đó hệ lụy từ sự đổ vỡ của giá dầu lại lớn hơn nhiều, khi nguy cơ thua lỗ, phá sản có thể tàn phá ngành công nghiệp này, kéo theo hiện tượng thất nghiệp, gánh nặng nợ nần lên hệ thống tài chính, ảnh hưởng dây chuyền sang thị trường chứng khoán và nhấn chìm tài sản của rất nhiều người vốn chưa bao giờ quan tâm đến giá nguồn tài nguyên đen xì được hút lên từ lòng đất này. 

Các tin khác