Sửa 3 lần trong 10 năm, Luật Quản lý thuế vẫn nhiều bất cập

(ĐTTCO)-Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đã được các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại các tổ trong phiên họp sáng 12-11.
Các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công
Các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công
Xử lý nghiêm cán bộ thuế tư vấn trốn thuế
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ lo ngại về tình trạng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng, làm ảnh hưởng đến ngân sách. “Thậm chí không hiếm trường hợp chính cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế. Thỏa thuận kiểu này doanh nghiệp (DN) có lợi, đa số DN không kêu, không phản ánh, chỉ Nhà nước và người dân bị thiệt”, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Theo ĐB, cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ vào luật theo hướng nghiêm cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thỏa thuận với đối tượng nộp thuế để trốn thuế…
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng việc sửa Luật Quản lý thuế lần này tuy đã tương đối minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với pháp luật quốc tế, nhưng vẫn phải có sự đối chiếu, nghiên cứu để thiết kế các điều khoản đảm bảo được sự phối hợp, không có độ “vênh” với môi trường pháp lý chung, đồng thời nâng cao hiệu quả chống thất thu, gian lận thuế.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động chính sách, những yếu tố nền tảng để thực thi luật sửa đổi như biên chế trong ngành thuế đang có xu hướng giảm mạnh.
Đến 31-10, ngành thuế có 41.741 cán bộ công chức, trực tiếp làm công tác quản lý thuế, có 30.726 công chức thuế đang thực hiện công tác chuyên môn, trực tiếp làm công tác quản lý thuế. Như vậy trong tương lai số lượng cán bộ công chức sẽ tiếp tục giảm.
ĐB Đỗ Thị Thu Hằng cũng lưu ý, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngoài việc đưa các nội dung của thông tư và nghị định trước đây vào trong luật, có đến 36 điều trong dự thảo chưa được cụ thể hóa mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trong khi luật hiện hành chỉ có 20 điều.
“Như vậy có đúng tinh thần cắt giảm các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ hay không? Các điều khoản chưa được quy định cụ thể liệu có tạo nên những hệ lụy phát sinh, những biểu hiện đi ngược với mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Quốc hội và Chính phủ hay không”, ĐB Thu Hằng nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là một dự án luật chuyên ngành, “nhưng rất tổng hợp, có tác động xã hội sâu rộng”, do đó cần được quan tâm, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang đổi mới thể chế.
“Luật đã được sửa 3 lần trong 10 năm để phù hợp với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhưng đến nay nhìn lại vẫn còn bất cập, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thời đại kinh tế số và thương mại điện tử phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ và bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành cùng vào cuộc đồng bộ trong quản lý thuế…
Hoàn thiện thể chế đầu tư công
Bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công tại phiên họp tổ ĐB Quốc hội TPHCM ngày 12-11, nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND. Đó là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu rõ, từ thực tiễn, TPHCM thấy là không nên quy định nội dung nêu trên, cần phải hết sức cân nhắc vấn đề này.
“Thứ nhất là trách nhiệm thẩm tra giám sát của HĐND rất quan trọng. Chúng ta có quy chế họp HĐND và quy trình thẩm định của HĐND, bây giờ nếu giao cho thường trực thì theo quy chế nào? Quy chế để chuẩn bị dự án trình thường trực như thế nào?”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề. Theo người đứng đầu Thành ủy TPHCM, để đảm bảo vai trò giám sát của HĐND, thì cần giữ như quy định hiện hành. Với các dự án đầu tư công của địa phương, quy trình thực hiện thường tính bằng năm.
“Giữa 2 cuộc họp định kỳ 6 tháng của HĐND, chúng ta có thể tổ chức thêm 2 cuộc họp thường xuyên giữa kỳ nữa, như vậy 1 năm 4 cuộc, nghĩa là 3 tháng họp 1 lần, hoàn toàn đủ điều kiện thông qua bất cứ dự án nào chính quyền cần với đầu tư công trung hạn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói và khẳng định, không cần thiết thực hiện sự ủy quyền như vậy, 3 tháng cũng là khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị một dự án tốt.
Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cũng thể hiện quan điểm cho rằng nên giữ đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. “Chưa bao giờ ở TPHCM có chuyện vì HĐND không họp được mà gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị, cần hoàn thiện thể chế đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế, công khai minh bạch thông tin, tăng cường giám sát đặc biệt là xác định rõ trực tiếp của người đứng đầu cơ quan tổ chức đối với hiệu quả đầu tư.
“Khi đối chiếu với các quy định của dự thảo luật, bên cạnh những điểm mới, phần quy định về chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa đậm nét. Cần phải quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án đến khâu triển khai thực hiện và đánh giá kết quả. Ở mỗi khâu đều có trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.
Tăng tổng mức ODA
Trước đó, đầu phiên họp sáng 12-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn với gần 89,5% ĐB tán thành. Theo nghị quyết, Quốc hội thống nhất điều chỉnh tăng tổng mức vốn ODA từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, và giảm tương ứng vốn vay trong nước để không vượt trần nợ công. Vốn cho các dự án quan trọng quốc gia giảm còn 70.000 tỷ đồng.
Quốc hội cũng cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn (200.000 tỷ đồng), trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hàng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, trần nợ công; cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hàng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương.
Cũng theo Nghị quyết, Quốc hội cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...
Quốc hội cũng bố trí 1.766 tỷ đồng vốn còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phân bổ theo quy định và bổ sung gần 649 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn của chương trình này để hỗ trợ cho các địa phương có huyện thoát nghèo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình.

Các tin khác