Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư

(ĐTTCO) - Hiện đang tồn tại rất nhiều xung đột pháp luật giữa các bộ luật, thông tư. Việc chồng chéo trong các quy định của pháp luật dẫn đến hệ quả DN và NĐT phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ, chi phí giao dịch tốn kém...
GS.TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE):
Luật phải bảo vệ quyền lợi NĐT
Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư ảnh 1
Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (NĐT) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được NĐT nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào nước ta. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư. Nhưng quy định này mới dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó NĐT đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của họ ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.  
Tôi cho rằng trong luật sửa đổi lần này cần có chương riêng quy định đầy đủ nội dung có liên quan đến quyền lợi NĐT. Trong đó cần bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Thí dụ, trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện và ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư NĐT đang được hưởng, thì NĐT được hưởng điều kiện và ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. 

Ông QUÁCH NGỌC TUẤN,  Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế,Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Thanh lọc FDI, cam kết sâu rộng
Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư ảnh 2
Thực tế từ khi Luật Đầu tư và Luật DN 2014 có hiệu lực, đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đầu tư chui, núp bóng thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Luật Đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ cần thiết để bảo đảm, thu hút NĐT thật sự có năng lực để thực hiện dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và xử lý những bất cập nêu trên. 
Hiện nay, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi, mức độ cam kết cao hơn về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, thương mại. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Theo đó, Luật Đầu tư phải bảo đảm thực hiện cam kết hội nhập. Vì thế, sửa đổi luật sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và năng lực quản trị của DN Việt Nam nói riêng. 

Ông PHAN ĐỨC HIẾU,
Phó Viện trưởng  Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
Nâng cao năng lực quản trị
Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư ảnh 3
Luật DN và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 đã tăng 21 hạng, hiện xếp hạng 104/190 (từ hạng 125/190 năm 2014), tổng thời gian thực hiện thủ tục này giảm từ 34 ngày xuống chỉ còn 17 ngày. Quy định về bảo vệ cổ đông, NĐT có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (tăng 28 hạng so với năm 2014 và 90 hạng so với năm 2013). 
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật DN không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với quy định của luật mới ban hành. Do đó, Luật DN đang được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các khiếm khuyết này. 5 mục đích chính được hướng đến trong lần sửa đổi này là đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao khung khổ pháp luật bảo vệ NĐT, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động DN nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại DN.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Tránh chồng chéo trong luật
Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư ảnh 4
Hiện đang tồn tại rất nhiều xung đột pháp luật giữa các bộ luật, thông tư. Việc chồng chéo trong các quy định của pháp luật dẫn đến hệ quả DN và NĐT phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ, chi phí giao dịch tốn kém, tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, đình trệ hoạt động, rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật. 
Giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề, phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật, như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đối tác công - tư, tức dùng 1 luật để sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát lại. Bên cạnh đó, làm luật cần chuyên nghiệp, độc lập và tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép. Tôi hy vọng Luật Đầu tư sửa đổi lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo, sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế nước ta thời gian tới.

LS. NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:
Quy định rõ điều kiện ưu đãi 
Sửa luật cải thiện môi trường đầu tư ảnh 5
Cần phải xác định rõ số vốn đầu tư NĐT đã thực hiện giải ngân, từ đó làm cơ sở xác định ưu đãi thuế. Theo quy định tại Luật Đầu tư số 67 và Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư số 67, trường hợp dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân trong thời hạn 3 năm, được áp dụng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư hiện tại không nêu rõ cách xác định số vốn đầu tư đã thực hiện giải ngân làm cơ sở áp dụng ưu đãi thuế. Vì vậy, trên thực tế, trong quá trình thực hiện dự án, các DN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xác định tiêu chí này. Đồng thời, Luật Đầu tư cũng không đề cập cụ thể đến thời gian DN cần duy trì vốn này để được hưởng những ưu đãi đầu tư đã được phê duyệt. 
Tôi đề nghị cần có quy định rõ hơn về phương pháp xác định số vốn đầu tư thực tế hoàn thành giải ngân làm cơ sở hưởng ưu đãi đầu tư. Đồng thời, luật cũng nên quy định rõ khi DN phải hoàn thành việc đầu tư theo quy mô vốn cam kết có thể hưởng ưu đãi, và trong thời gian hưởng ưu đãi, nếu những năm DN không đạt mức vốn này sẽ không được hưởng mức ưu đãi theo quy định.  

Các tin khác