Sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014: Phải nhìn từ nhu cầu thực tế

(ĐTTCO) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) là 2 đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng DN và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh. 
Các quy định của 2 đạo luật này đã thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách, tạo cảm hứng và dẫn dắt hệ thống pháp luật của Việt Nam đi theo. 
Tiên phong tư duy cải cách
Thành lập DN trước đây mất hàng tháng trời, giờ chỉ còn 1-2 ngày, có khi vài giờ đồng hồ. Như việc giấy phép kinh doanh, từ giai đoạn còn dè dặt, lo ngại và tư duy quản lý hàng chục giấy phép con mỗi DN phải gánh chịu, đến sự thông thoáng, thuận lợi và cắt giảm điều kiện kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Đặc biệt, Luật DN và Luật đầu tư 2014 đã mạnh mẽ trong việc thể chế Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này đã góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp. 
 Sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014: Phải nhìn từ nhu cầu thực tế ảnh 1 Việc đăng ký thành lập DN đã dễ dàng hơn, nhưng đi sâu vào chi tiết ngành,
nghề lại gặp nhiều vướng mắc.
Một số dấu mốc quan trọng của 2 đạo luật này như Luật DN 2014 bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đăng ký DN phải ghi các ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Các DN sẽ được kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm. Các thủ tục thành lập DN đơn giản hơn và thể hiện cách hiểu tiến bộ, việc thành lập DN không phải xin phép mà đăng ký, thể hiện sự thay đổi tư duy lớn.
Lần đầu tiên, Luật DN 2014 đã bỏ nhiều ràng buộc về con dấu, để DN có thể tự chủ, tự quyết định; người đại diện của DN cũng được mở rộng, không giới hạn tối thiểu 1 người như trước; bổ sung về DN xã hội để có những chế định thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ loại DN này phát triển… Đây là những thay đổi có tính bước ngoặt, giải quyết nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn, nhất là chú trọng hơn quyền tự do kinh doanh của DN. 
Với Luật Đầu tư, lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc khi xác định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó nhấn mạnh việc cấm kinh doanh một số ngành nghề, hay đặt điều kiện kinh doanh một số ngành nghề cụ thể nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, lợi ích công cộng… và phải quy định ở cấp nghị định trở lên.
Còn người dân được quyền tự do kinh doanh những ngành nghề còn lại, không ai được xâm phạm quyền quan trọng này. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử về pháp luật kinh doanh tại Việt Nam, có danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành. Đây là bước tiến lớn thể hiện sự minh bạch trong chính sách, là biện pháp kiểm soát việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. 
Có thể nói 2 đạo luật này không chỉ tạo ra đột phá trong lĩnh vực đầu tư, thành lập DN, còn là các văn bản dẫn đường cho pháp luật kinh doanh. Chính phủ sau đó đã có những chương trình cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… Môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi. Tốc độ thành lập DN mới trong 3 năm gần đây đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc.

Nhưng phải sửa đổi phù hợp với thực tiễn
Tuy nhiên, với những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, cũng như những mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới, các động lực phát triển tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải cải cách hơn nữa, bắt đầu từ việc nhìn lại 2 văn bản luật quan trọng này. Có rất nhiều việc cần phải làm, nhiều vướng mắc cần phải giải quyết và nhiều quy định cần phải sửa đổi từ 2 đạo luật này. 
Chẳng hạn, thủ tục đăng ký DN được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho DN. Đó là việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký DN trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh)… Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của Luật DN. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn là một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này vẫn rất thiếu, chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành DN dù Luật DN đã có những quy định về việc chuyển đổi này.
Dù liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (thuế, kế toán, đất đai, lao động…), nhưng với tư cách là đạo luật gốc về DN, Luật DN cần tiếp tục tạo động lực để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN chính thức, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành thế hệ DN tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
Về Luật Đầu tư, dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát, chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề.
Mỗi khi có đợt rà soát lớn, như năm 2018 vừa qua, với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ngành đều công bố hoàn thành mục tiêu đơn giản hóa điều kiện kinh doanh Chính phủ giao. Song vẫn còn nguyên câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. Đây là vấn đề Luật Đầu tư cần giải quyết, tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh như “đá ném ao bèo”.
Thủ tục đầu tư đã có nhiều tiến bộ, cởi mở, song vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản có liên quan. Thí dụ, thời điểm nào đánh giá tác động môi trường (trước hay sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư?); Thủ tục đầu tư của Luật Đầu tư có phải được áp dụng thống nhất, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có được quyền yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác trong hồ sơ?
Rồi những vấn đề liên quan đến đấu giá đất, đấu thầu đất của các dự án đầu tư có yêu cầu nhà nước giao đất… Mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành khác (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…) cần được bàn đến và phải được giải quyết trong Luật Đầu tư sửa đổi.  
 Bên cạnh những tiến bộ được ghi nhận ở Luật DN và Luật Đầu tư 2014, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải nhìn nhận lại và yêu cầu sửa đổi 2 đạo luật quan trọng bậc nhất của pháp luật kinh doanh.

Các tin khác