Sửa Luật Giá: Tăng cường biện pháp kê khai giá, tránh lợi ích nhóm

(ĐTTCO)-Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chính sách về kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; bên cạnh đó, đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.
Theo dự thảo hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục do Chính phủ quy định (Ảnh minh họa: KT)
Theo dự thảo hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc danh mục do Chính phủ quy định (Ảnh minh họa: KT)

Luật Giá số 11/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước. Tại Luật Giá hiện hành, biện pháp kê khai giá thể hiện rất rõ chủ trương quản lý, điều hành giá gián tiếp, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Theo quy định, hàng hóa thuộc diện kê khai do doanh nghiệp tự quyết định và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thực hiện là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thực tế những quy định này chưa phát huy được hết hiệu quả đối với cả cơ quan quản lý và cả phía đơn vị thực hiện. Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc kê khai chỉ là cung cấp thông tin về giá để có ngay các giải pháp điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chính sách về kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; gắn với đó là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai và giao Chính phủ quy định cụ thể, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.

Căn cứ nội dung chính sách, dự thảo Luật đã quy định rõ kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, dự thảo Luật cũng quy định việc kê khai được tổ chức sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị thay vì phải thực hiện kê khai trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ như quy định hiện hành. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu sẽ phải thực hiện kê khai giá khi tổ chức, cá nhân tự quyết định giá thì một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác cũng sẽ phải thực hiện kê khai giá do Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và các bộ, cơ ban ngang bộ. Trên cơ sở đó, tại nghị định sẽ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, trong đó sẽ giảm bớt danh mục so với hiện hành để tập trung vào các mặt hàng thật sự quan trọng, thiết yết.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), việc tiếp nhận kê khai cũng được thể chế rõ ràng hơn, khuyến khích việc áp dụng cơ sở dữ liệu tích hợp hoặc các ứng dụng công nghệ thông tin để kê khai và tiếp nhận kê khai giá, đảm bảo phù hợp với định hướng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về giá.

Bên cạnh đó, với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được Luật hóa từ Nghị định nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Theo đó, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định hiện hành song cũng quy định chi tiết hơn đối với một số nội dung phải thực hiện niêm yết cũng như quyền, trách nhiệm của các bên mua, bán trên thị trường.

Các tin khác