Sức mua giảm mạnh

(ĐTTCO) - Do tâm lý lo ngại dịch viêm phổi cấp Covid-19, suốt gần 2 tuần qua nhiều người dân chọn cách chỉ ra đường khi cần và hạn chế đến nơi đông người, nên các trung tâm thương mại, các điểm vui chơi, các khu mua sắm, ăn uống lượng khách giảm mạnh. Giới kinh doanh lo ngại chưa biết tình trạng này còn kéo dài đến khi nào. 

Trung tâm thương mại vắng khách
Kể từ năm 2014 khi AEON Tân Phú (TPHCM) chính thức khai trương, dường như chỉ có một cảnh quen thuộc là người dân đổ vào trung tâm này rất đông đúc. Đặc biệt những ngày cuối tuần từ khu ăn uống chung đến các quán ăn, quán cà phê, trà sữa, khu vui chơi trẻ em, khu mua sắm luôn rất đông người.
Với mô hình một điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu, Aeon Tân Phú đã khiến hình ảnh trung tâm thương mại trở nên gần gũi với mọi gia đình. Thế nhưng trong những ngày gần đây, nếu đến Aeon Tân Phú người ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi lượng khách ước chừng giảm tới hơn 50%. Tất cả cũng chỉ vì lo ngại dịch viêm phổi cấp đang bùng phát những ngày qua nên phải hạn chế đến những nơi đông người. 
Anh Hoàng Hải (Tân Phú) cho biết, vì gần nhà nên Aeon là điểm đến quen thuộc của 3 cha con, nhưng kể từ khi nhà trường cho con nghỉ học vì dịch anh cũng chưa cho con quay lại trung tâm này dù bọn trẻ nhiều lần năn nỉ xin đi. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh, nên khu vui chơi trẻ em trong trung tâm này nơi vốn phải xếp hàng mua vé vào nay trong cảnh nhân viên đứng chơi, phía trong chỉ lác đác một vài ông bố bà mẹ đưa con đến. 
Sức mua giảm mạnh ảnh 1 Mô hình một điểm đến đáp ứng mọi nhu cầu tại trung tâm Aeon được xem rất thành công nhưng nay cũng hạn chế mọi người đến mua sắm, vui chơi. Ảnh: Đ. MẠNH 
Cảnh rồng rắn xếp hàng mua đồ ăn ở những quầy bán đồ ăn Nhật cũng không còn. Khi lên các tầng trên quán xá vắng vẻ, thậm chí có những quầy hàng không có một bóng khách. Ăn uống nhất là ăn uống chung dường như đang là điều nhiều người cố gắng hạn chế nhất trong mùa dịch này. Ghé vào một quầy bán kem trước vốn rất đông khách, nhân viên ở đây cho biết lượng khách trong khoảng 2 tuần nay giảm mạnh, có nhiều ngày trong tuần vắng tanh. Quán ăn, uống vắng vẻ, các quầy hàng thời trang, tiêu dùng cũng không khá hơn dù vẫn tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Những người đến trung tâm trong khoảng thời gian này hơn 80% vẫn chọn đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. 
Thực ra không chỉ Aeon Tân Phú, mà nhiều trung tâm thương mại khác ở TPHCM cũng rơi vào cảnh vắng vẻ khi mùa dịch tới, như Gigamall (Thủ Đức). Là một trung tâm mới nằm giữa 2 quận với lượng dân cư khá đông là Gò Vấp và Thủ Đức, nên ngay từ khi mới khai trương Gigamall đã trở thành điểm hẹn của nhiều người. Song những ngày này khi đến Gigamall ngoài khu vực siêu thị khách vẫn ra vào để mua nhu yếu phẩm thì các khu vực khác từ vui chơi, ăn uống, mua sắm đều trong cảnh khá thưa vắng. Khách đến cũng cẩn thận đeo khẩu trang và nhìn qua gần như họ chỉ vào để mua những cái cần chứ không muốn lưu lại la cà, hỏi han, vui chơi như khi dịch chưa quét qua. 
Một nhân viên bán quần áo ở một gian hàng đùa vui, nhờ mùa dịch nên nhân viên được nghỉ ngơi thoải mái. Nói là thế, nhưng dịch đang khiến doanh thu của nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại giảm mạnh, chủ đau đầu, nhân viên cũng thấp thỏm. “Bọn em ngoài lương cơ bản còn có hoa hồng bán hàng, giờ không có bóng khách thế này thu nhập cũng không bao nhiêu” - một nhân viên bán hàng chia sẻ. 
Là khách hàng thân thiết của Cresent mall (quận 7), nhưng Khánh Linh những ngày gần đây chưa vào trung tâm này. Linh cho biết cả bạn bè và gia đình cô đều không có nhu cầu đến trung tâm mùa dịch. Đúng là Cresent mall mùa dịch cũng không khá hơn những trung tâm khác là bao nhiêu, lượng khách đến vui chơi mua sắm cũng giảm rất nhiều. 

Đi đâu cũng ngán dịch
Thực ra không chỉ trung tâm thương mại rơi vào cảnh thưa vắng khách đến vui chơi, ăn uống, mua sắm mà rất nhiều nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến cao cấp cũng bị sụt giảm lượng khách nghiêm trọng. Dọc con phố ẩm thực trên đường Phạm Văn Đồng (nối từ Gò Vấp qua Thủ Đức) những ngày này nhiều chủ quán ngồi chơi. Từ cà phê đến quán ăn, quán nhậu lượng khách rất thưa thớt. Một chủ quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng cho biết từ khi có nghị định xử phạt vi phạm nồng độ cồn quán anh khách đã giảm hẳn, giờ thêm dịch viêm phổi thì cảnh “vắng như chùa bà đanh” không còn lạ ở phố ẩm thực này nữa. Người bán hàng cũng chỉ biết mong chờ dịch qua mau để công việc kinh doanh được ổn định trở lại vì giá thuê mặt bằng trên Phạm Văn Đồng cũng không hề rẻ. 
Không rơi vào cảnh quá vắng vẻ như Phạm Văn Đồng, nhưng con phố du lịch Bùi Viện những ngày này khách cũng giảm đáng kể. Một phần cũng vì lượng khách du lịch đang giảm từ nhiều thị trường, và lẽ đương nhiên phần lớn vì tâm lý ngại dịch. Cách không xa phố ẩm thực Bùi Viện là con đường mua sắm Nguyễn Trãi, những ngày này cũng chứng kiến lượng khách mua sắm ít hơn, đường thậm chí còn ít kẹt xe hơn (một điều ít thấy ở khu trung tâm TPHCM). 
Không chỉ nhà hàng, quán ăn, những điểm vui chơi giải trí như rạp phim lượng khách giảm mà ngay cả tại một số siêu thị, nơi người dân cần mua nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng không còn cảnh nhộn nhịp thường thấy. Có mặt ở MM Mega market vào khoảng 20 giờ, lúc này siêu thị không có nhiều khách, ngay cả ở những quầy hàng như nước rửa tay (thứ vốn bị rơi vào cảnh khan hiếm những ngày qua) cũng không có mấy khách dừng chân ghé lại dù hàng đang tràn ngập. 
Tại nhiều khu chợ truyền thống, người bán có vẻ không ngại dịch khi nhiều người bán hàng không hề đeo khẩu trang và tâm lý vẫn khá thoải mái. Nhưng người mua thì không như vậy, họ lo lắng thực sự. Khu chợ đêm Hạnh Thông Tây nơi vốn là điểm mua sắm bình dân nổi tiếng thường gây kẹt xe khu vực đường Quang Trung (Gò Vấp), từ ra tết đến nay thông thoáng hẳn, người mua đã ít hơn nhiều. 
 Một TPHCM nhộn nhịp với những điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống, giải trí đang bị bao phủ bởi một không khí vắng vẻ, lo ngại. Người dân ngại ra đường, ngại đến những nơi đông người nên sức mua vì thế cũng giảm mạnh. Người bán thì đứng ngồi không yên khi doanh thu sụt giảm, nhưng cũng chưa biết đến khi nào dịch mới qua đi, sức mua mới hồi phục trở lại.

Các tin khác