Sức mua hàng hóa tại TPHCM có xu hướng giảm

(ĐTTCO)-Tình hình mãi lực tại các hệ thống phân phối tại TPHCM trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay tăng trung bình 20%-25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 18, sức mua đã tăng cao hơn 40% so với ngày thường. 
Người dân đi siêu thị đang giảm khoảng 30% so với ngày bình thường
Người dân đi siêu thị đang giảm khoảng 30% so với ngày bình thường
Tuy nhiên, sức mua đến nay đã có xu hướng giảm và dần đi vào ổn định, không còn hiện tượng thu gom, tích trữ hàng hóa.

Ngày 12-11, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn trong đợt dịch lần thứ 4 năm 2021.

Theo đó, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 27-4) với những diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh trong cộng đồng, bên cạnh việc thành phố triển khai các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội thì việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để người dân yên tâm cùng cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch là vấn đề cấp bách.

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả của hệ thống phân phối hàng hóa hiện có, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đẩy mạnh sản xuất, tăng cường nguồn dự trữ hàng hóa, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp về cung ứng nguồn hàng, hình thành thêm các kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hàng hóa với chất lượng và giá cả hợp lý.

Đại diện UBND TPHCM cho biết, tính đến nay, hầu hết các hoạt động của hệ thống phân phối đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 10-11, có 167/234 chợ truyền thống, 2/3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền), riêng chợ đầu mối Thủ Đức tiếp tục duy trì hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời (dự kiến đến cuối tháng 11-2021); 237 siêu thị (106 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành); 46 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi. Lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường thành phố trung bình gần 7.400 tấn hàng hóa/ngày.

Hoạt động kinh doanh, dịch vụ bán lẻ trên địa bàn thành phố đảm bảo lưu thông, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa gây sốt giá. Tình hình mãi lực tại các hệ thống phân phối trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay tăng trung bình 20% - 25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND, sức mua đã tăng cao hơn 40% so với ngày thường. Tuy nhiên, sức mua đến nay đã có xu hướng giảm và dần đi vào ổn định, không còn hiện tượng thu gom, tích trữ hàng hóa.

Sức mua hàng hóa tại TPHCM có xu hướng giảm ảnh 1Quang cảnh hội nghị

Theo kế hoạch, thời gian tới UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung/cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố; Rà soát nhu cầu tiêm vaccine, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho người lao động từ các địa phương quay lại làm việc tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tổ chức phương án hoạt động trở lại đối với 3 chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch với lộ trình, cách thức và biện pháp tổ chức phù hợp; Kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm; Nghiên cứu, tổ chức hệ thống logistics nội bộ, áp dụng công nghệ tự động hóa nhằm giảm lực lượng lao động phục vụ trực tiếp tại chợ đầu mối.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 và đưa vào hoạt động trở lại đối với chợ truyền thống; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, khuyến khích các giải pháp bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại và ứng dụng các giải pháp công nghệ trong tổ chức hoạt động của chợ.

Tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố trong thời gian qua để đúc kết kinh nghiệm và xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn. Tùy theo tình hình diễn biến dịch Covid-19, thành phố triển khai một số sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Các tin khác