Tái cấu trúc nền tảng số để đi đường dài

(ĐTTCO) - Đợt dịch Covid lần thứ 4 đang làm tổn thương lớn các DN. Song nó cũng khiến DN nhận thức rõ ràng hơn, có các giải pháp lâu dài hơn để tồn tại, sống chung với dịch. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC trao đổi với ông ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG, chuyên gia tư vấn về marketing, chiến lược và thương hiệu. 

Chuyển đổi số cần nền tảng chung của Nhà nước, hành vi của người tiêu dùng và sự chuẩn bị của chính DN.
Chuyển đổi số cần nền tảng chung của Nhà nước, hành vi của người tiêu dùng và sự chuẩn bị của chính DN.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, DN cần làm gì để có thể sống cùng dịch, không phải đối phó trong vài tháng? 
Ông ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG: - Việc phải tìm cách sống chung với dịch, không phải đối phó trong thời gian ngắn, đã là thực tế quá rõ ràng. Trên thế giới những quốc gia đã được tiêm chủng vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vẫn có thể gặp rủi ro với những biến chủng mới của virus corona, nên chúng ta cũng không ngoại lệ.
Vì thế, chúng ta phải chấp nhận cuộc sống bình thường mới, DN cũng như vậy tức phải thích nghi, sống chung. Trong ngắn hạn DN vẫn phải phòng ngừa ở mức tối đa, đảm bảo 5K để giảm thiểu rủi ro.
Quan trọng nhất DN phải tiếp cận được nguồn vaccine. Hiện nay các DN đang chờ vào sự điều tiết của Nhà nước cho nguồn vaccine, trong khi một số DN nước ngoài chủ động trong việc tìm nguồn vaccine cho mình. 
Trong trung và dài hạn DN phải nghĩ đến tái cấu trúc trên nền tảng số để phòng ngừa những rủi ro như đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực tế, ở các đợt dịch trước đã có DN tiến hành các hoạt động chuyển đổi số, nhưng lần này số lượng DN phải nhiều và quyết tâm hơn.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số sẽ là thách thức lớn, nhất là với DNNVV. Đầu tiên cần có vốn vì việc đầu tư cấu trúc hạ tầng của số hóa cần khá nhiều chi phí. Những công ty làm được số hóa theo chuỗi lớn cần có khoản ngân sách lên tới cả triệu USD. Ngoài ra cần giải quyết bài toán con người.
Thí dụ, với ngành giáo dục, giáo viên là những người có trình độ nhưng khi chuyển sang dạy online một bộ phận đã không theo kịp. Điều đó cho thấy vai trò của con người trong vận hành nền tảng số là rất quan trọng.
- Theo ông khi dịch chuyển sang online các DN cần lưu ý những gì? 
- Về căn bản khi chuyển sang bán hàng online đã là một cách cấu trúc vận hành khác với mô hình truyền thống, buộc DN phải có những thay đổi, không thể duy trì theo cách làm truyền thống. Có thể thấy một số DN đã có chuẩn bị như ngành bán lẻ.
Các DN sản xuất chưa tự tổ chức mạng lưới phân phối cho mình phải tập làm quen, khi chuyển sang nền tảng số cần chú ý những yếu tố như xây dựng thương hiệu phải mang đặc trưng của nền tảng tương tác online, phải có những kỹ thuật truyền thông mới hơn, nhanh hơn, đặt trên vai trò của những người có tầm ảnh hưởng (KOL) để tương tác với khách hàng…
Hiện nay khi làm công tác tư vấn cho DN tôi nhận thấy nhiều DN đã có chuẩn bị, họ muốn xây dựng một website hoàn chỉnh hơn, hiệu quả hơn... Tất nhiên thời điểm này mới chuẩn bị hơi muộn song muộn còn hơn không. DN cần có sự chuẩn bị để cùng đi lâu dài với dịch, không phải làm để đối phó trong một vài tháng hay trong tình huống cụ thể nào đó. 
Thêm vào đó, khi kinh doanh online cũng cần nắm rõ chi phí dành cho mảng online cao không kém mảng offline. Có nhiều người suy nghĩ chuyển qua bán hàng online sẽ không tốn chi phí nuôi nhân sự nhiều, chi phí mặt bằng…
Nhưng thực tế bán online cũng mất nhiều chi phí để chạy hiệu quả trên các nền tảng. Đừng bao giờ suy nghĩ rằng khi dịch chuyển sang nền tảng online lợi nhuận sẽ tốt hơn, cần lường trước để có đầu tư cho phù hợp. 
Về câu hỏi chi phí bán online không rẻ, vậy khi thị trường ổn định trở lại, mảng offline lại khởi động được, liệu online có bị bỏ rơi hay không. Thực tế là không thể, online và offline hiện nay phải hiện diện song song. Đó cũng là lý do thuật ngữ bán hàng đa kênh hiện nay đang được nhắc đến rất nhiều.
Một trong những rào cản của hoạt động bán hàng truyền thống, là không đo lường được phản ứng của khách hàng. Nhưng với nền tảng đa kênh rào cản này lại được giải quyết. Ngoài ra kinh doanh online sẽ là công cụ đưa hàng hóa đi không biên giới, điều chỉ kinh doanh offline không làm được. 
Hiện nay không chỉ DN, các cá nhân cũng tận dụng nền tảng kinh doanh online rất tốt, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Thậm chí người nông dân cũng được hỗ trợ để bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy, mỗi cá nhân đều cần chủ động trong hành trình chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh bình thường mới. 
- Việc chuyển qua mô hình kinh doanh online trong bối cảnh giãn cách, dịch bệnh hiện nay bắt nguồn từ nhu cầu của người tiêu dùng. Liệu sau dịch, hành vi của người tiêu dùng có thay đổi ở mảng online, thưa ông? 
- Để hiểu rõ điều này, cần nhìn những nền tảng thương mại điện tử như tiki, lazada… cho đến giờ họ vẫn chưa có lợi nhuận, nhưng vẫn tiếp tục rót vốn và được rót vốn để nhằm mục đích tạo thói quen mua sắm cho người tiêu dùng.
Tương tự, các DN nếu chủ động trên nền tảng online nhiều hơn sẽ góp phần làm thay đổi hành vi, thói quen của người mua. Và khi thói quen đã hình thành, người tiêu dùng sẽ rất khó thay đổi.
Thực tế bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào trong nguy cũng có cơ. Với dịch cũng như vậy, nếu chúng ta nhìn bằng con mắt tích cực hơn, có thể thấy dịch đến làm DN, người tiêu dùng thích nghi tốt hơn, dịch chuyển tốt hơn. Tương lai chúng ta sẽ có những DN khỏe mạnh hơn và một nền kinh tế tốt hơn. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác