Tái cấu trúc tư duy sau Covid-19

(ĐTTCO)-Có thể nói đại dịch Covid-19 là nhân tố tác động mạnh nhất đến sự thay đổi mang tính toàn cầu trong toàn bộ lịch sử từ khi có con người đến nay. Dù thiệt hại về vật chất và nhân mạng không lớn so với các cuộc đại chiến thế giới, nhưng hệ quả của nó lại lan tỏa đến từng tế bào của xã hội ở mọi cấp độ và nguy cơ rất khôn lường. 
Tái cấu trúc tư duy sau Covid-19
Nhận thức lại cơ chế và vận hành các thể chế 
Điều đầu tiên các quốc gia phải nhận thức sâu sắc, là mọi thông tin liên quan đến vận mệnh nhân loại phải được minh bạch và phải chuyển đến địa chỉ tiếp nhận nhanh, càng sớm càng tốt.
Việc bệnh dịch xảy ra trong tình hình môi trường tự nhiên bị hủy hoại, hệ sinh thái bị mất cân bằng, con người sáng chế quá nhiều thứ phi tự nhiên, là điều hoàn toàn có thể. Nhưng việc giấu diếm dịch để nâng cao vị thế chính trị, để vị thế kinh tế quốc gia không bị suy giảm mà dẫn đến hệ quả nặng nề, là điều không chấp nhận được.
Việt Nam được đánh giá cao về tính minh bạch trong thông tin chống dịch, từng ca nhiễm, lịch sử  bệnh tình từng người, từng vùng đều được công bố từng ngày, khiến công tác phòng chống dịch thành công và thu nhận được lòng tin, sự ủng hộ của quốc tế và người dân.
Đại dịch Covid-19 khiến thế giới phải bình tĩnh để nhìn lại mình và phải thay đổi nhận thức, tư duy và hành động từ tầm vĩ mô đến vi mô, từ toàn cầu đến từng quốc gia và mỗi cá nhân, vì một thế giới an toàn hơn.
Điều tiếp theo phải thay đổi là cơ chế vận hành của các hệ thống chính trị trong lúc rủi ro mang tính toàn cầu. Như đã biết, hầu hết hệ thống chính trị các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ là phân quyền theo lãnh thổ.
Có nghĩa các bang của Mỹ, Canada, thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) là những thực thể độc lập, có quyền ra các quyết định trong lãnh thổ của mình. Chính điều này đã đưa đến hệ quả “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi đưa ra các quyết sách chống dịch. 
Thí dụ, Thống đốc bang New York và Thị trưởng thành phố New York luôn ra những quyết định tréo ngoe nhau, đã khiến dịch lan rộng. Tương tự, việc đóng cửa biên giới mỗi nước, việc ban hành các biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang, dãn cách nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn được ban hành vào những thời điểm rất khác nhau, mức độ khác nhau giữa 27 nước trong EU.
Sự không thống nhất đó đưa đến hệ quả mỗi nơi mỗi phách. Ngay thời điểm mở cửa lại nước Mỹ cũng không thống nhất giữa Tổng thống D. Trump và thống đốc các bang, khiến các cuộc tranh cãi diễn ra lên miên.
Trong bối cảnh này, những nước có thể chế chính trị tập trung hóa cao như Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Lào lại được đánh giá cao khi cần phải ra quyết định quan trọng nhất, huy động nguồn lực thống nhất (trong đó phải kể đến quân đội và công an), đặc biệt là thống nhất trong ý chí và hành động của toàn đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị. 
Mỗi thể chế chính trị có những đặc điểm khác nhau, qua dịch Covid này đã bộc lộ ra những điểm mạnh, yếu khác nhau.
Trong cuộc họp gần đây Hội đồng châu Âu (EC) đã đề cập đến việc cần thiết bổ xung những quyền hạn, để quá trình ra các quyết định quan trọng nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, không phải chờ đợi sự đồng thuận của tất cả thành viên.

Nhận thức lại quan điểm phát triển
Sau đại dịch, các nhà lãnh đạo cao cấp mới nhận thấy khả năng thích ứng trong việc chuyển đổi sản phẩm trong trường hợp khẩn cấp của hệ thống công nghiệp quá chậm. Điển hình là sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ, và nhất là máy thở. Trong điều kiện bình thường khẩu trang là mặt hàng không cần sản xuất nhiều, nhưng khi cần với số lượng lớn các nhà máy của Bắc Mỹ và châu Âu không sao xoay chuyển kịp. Tương tự, khi dịch bùng phát, nước Anh chỉ có 8.000 máy thở, Mỹ chưa đến 100.000 máy, trong khi người bệnh cần trợ giúp bằng máy thở lên đến hàng trăm ngàn người. Chính vì lý do này, số lượng bệnh nhân chết ở Mỹ, Tây Ban Nha, Italia rất cao. 
Trong đại dịch này, những quốc gia và thành phố bị tổn thương nặng nề nhất lại là những nước, thành phố thuộc loại thịnh vượng nhất. Điều gì khiến các nước này bị tổn thương và khả năng phục hồi chậm, thậm chí tăng trưởng kinh tế là âm rất sâu.
Từ trường hợp của Singapore, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc, cho thấy một nhận thức cực kỳ quan trọng là những nước nào, thành phố nào phát triển thiên về dịch vụ, thương mại, không có nông nghiệp, hay nếu có nông nghiệp lại ít chú trọng đến lương thực mà chủ yếu là trồng hoa tươi, trái cây làm rượu, chế biến tinh dầu thơm, bị tổn thương nặng nhất trong dịch Covid. 
Còn những nước có nông nghiệp, đặc biệt là chú trọng đến lương thực như gạo, ngô hay cá tôm như Thái lan, Việt Nam, Malaysia, Lào, Campuchia, mức độ rủi ro thấp và biến động xã hội tiêu cực ít hơn. Và khi giao thông quốc tế bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ bị đóng lại, khách du lịch không còn, toàn bộ thu nhập quốc dân của Singapore từ dịch vụ du lịch, chữa bệnh, giáo dục, vận tải cảng biển, hàng không gần như bằng không.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng sau dịch Covid các nước như Singapore, Tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất, nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo những hình thái mới.
Từ đau thương của đại dịch, một loạt nhận thức lại về phát triển đô thị cũng được đặt ra. Đó là, khả năng chống đỡ với rủi ro của các thành phố cực lớn với dân số hàng triệu, hàng chục triệu người rất kém so với các thành phố nhỏ.
Như New York, Madrid, Seoul, Tokyo, Vũ Hán, Bắc Kinh rất dễ bị virus xâm nhập, tốc độ lây lan nhanh và khống chế dập dịch rất khó khăn. Các thành phố nhỏ dưới 500.000 dân ít bị dịch tấn công, còn khi bị xâm nhập việc dập dịch nhanh, hiệu quả hơn. Do vậy trong tương lai các quốc gia không nên đầu tư phát triển các thành phố cực lớn, mà nên phát triển các thành phố vừa và nhỏ. 
Tương tự, việc khống chế dịch ở các khu chung cư cao tầng hiệu quả hơn khu dân cư phát triển trên mặt bằng rộng lớn. Do cấu trúc của chung cư là hình thái nén trên diện tích hẹp, phát triển theo chiều thẳng đứng bao gồm các khối hộp chồng lên nhau, mỗi đơn nguyên chỉ có vài đường thoát, việc khống chế dịch theo từng tầng, kiểm soát tình hình theo từng khối rất hiệu quả.
Trong khi đó dân cư trải rộng trên bề mặt hàng trăm km2 với hàng chục ngàn căn nhà, hàng trăm con đường đan nhau, việc cách ly, kiểm soát từng nhà, từng ngõ theo địa bàn rất khó khăn, tốn kém, mất thời gian, hiệu quả thấp. Do vậy, nếu có điều kiện nên phát triển hình thái nhà chung cư, giảm bớt nhà trệt, dành đất cho cây xanh. Bởi các dải phân cách cây xanh, vành đai xanh rộng lớn góp phần rất tốt làm giảm tốc độ lây lan, phát tán của dịch bệnh.
Từ trước tới nay, ở các nước châu Á, nhất là Đông Nam Á phát triển nhiều loại nhà shophouse (nhà ở kết hợp cửa hàng), tạo thành dãy chạy dài theo trục đường. Loại nhà này rất nhiều ở Bangkok, TPHCM, Jakarta, Kuala Lumpur, Phnom-penh, Manila…
Qua đại dịch này, rất có thể loại nhà này sẽ giảm đi, thậm chí không còn trong “giỏ hàng” các nhà kinh doanh, xây dựng bất động sản nữa. Thực tế 8 tháng qua cho thấy, các loại cửa hàng thứ cấp đóng vai trò bán lẻ không còn tác dụng, các dãy phố xầm uất ở Hà Nội, TPHCM phải đóng cửa hàng loạt.
Như vậy trong thời gian tới hàng hóa sẽ đi thẳng từ nhà máy sản xuất đến người tiêu dùng không phải qua các khâu trung gian. Các nhà máy chỉ cần có kho hàng lớn, bán hàng online và liên kết với các công ty giao hàng uy tín, là hoàn thành quy trình sản xuất-tiêu dùng. Có thể sau đại dịch này dẫn đến những thay đổi lớn trong thiết kế đô thị và hình thái nhà ở, nhà xưởng.     
Dịch chưa hết, những cụm từ “thống nhất, minh bạch, linh hoạt, bền vững” đã bắt đầu được nhắc đến trên các diễn đàn quốc tế. Nói không quá lời, Covid-19 như tác nhân quan trọng nhất khiến toàn bộ nhân loại tái cấu trúc tư duy và các cách thức hoạt động sống.

Các tin khác