Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025: Cần gói tài khóa - tiền tệ đủ mạnh, quy mô đủ lớn

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Quốc hội đã nghe, thảo luận ở tổ và trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Những điểm yếu được bộc lộ khi ứng phó với dịch Covid-19, là liên kết vùng đã được đưa ra mổ xẻ, và tái cơ cấu phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch cũng được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

Tăng liên kết vùng
Thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ cấu lại không gian kinh tế phải bao hàm được nội dung về phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế bao trùm nhưng phải tính đến đặc thù của từng địa phương, từng vùng kinh tế để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn; xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; lựa chọn một số địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, tạo vai trò dẫn dắt tăng trưởng.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), hiện nay việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên  kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Dịch Covid-19 cho thấy việc liên kết vùng, kết nối vùng rất quan trọng. Do đó, cần nghiên cứu thể chế cho hoạt động liên kết vùng, bộ máy hoạt động vận hành vùng, nhằm đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng hiệu quả nhất.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhận xét, liên kết kinh tế vùng để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nhằm tạo tính cạnh tranh cao hơn về kinh tế trong vùng. Tuy vậy, thời gian qua vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành đều muốn được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả. Nhằm đẩy nhanh quá trình liên kết vùng giữa các địa phương, ĐB Cảnh đề nghị cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực.
Cùng mối quan tâm về liên kết vùng trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), cho rằng cần lấy liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm. Theo đó, xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế, nhất là các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá. Cùng với đó, tăng trưởng dựa vào tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường trong nước, quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân…

Giải pháp đột phá và gói kích thích kinh tế
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài, có những yếu tố bất định, từ đó có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế, không để lỡ nhịp với kinh tế thế giới… ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói tác động của dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi việc tái cơ cấu lại nền kinh tế cần thực chất trên các lĩnh vực, cần cơ chế đột phá, không phải giải pháp thông thường. Đặc biệt, cần quan tâm những vấn đề liên quan đến phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối, như việc vốn trong doanh nghiệp nhà nước chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi tư nhân lại khó tiếp cận. Nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như ĐBSCL hay vùng ven biển… “Muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột là các tập đoàn mạnh, không chỉ làm chủ trong nước còn vươn ra thế giới” - ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân, việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. ĐB đề nghị, quá trình cơ cấu nền kinh tế phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với tình hình dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải tạo các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu nền kinh tế tăng lên, từ đó bước sang giai đoạn mới để phục hồi tăng trưởng. Bộ Tài chính đang tham mưu Thủ tướng để có một số gói kích thích, như gói hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng gói hỗ trợ lãi suất. Gói này lấy từ nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển (du lịch, dịch vụ, các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các công trình quan trọng…).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn cùng thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, theo Chủ tịch Quốc hội phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… Đây là những lĩnh vực có dư địa để phát triển, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa tận dụng cơ hội để cải cách mạnh mẽ hơn.
 Một số chỉ tiêu  quan trọng 
- Tốc độ tăng năng suất lao động 6,5-7%. Mục tiêu đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng chiếm khoảng 45-50% tốc độ tăng trưởng cả nước.
- Củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giảm thâm hụt ngân sách bình quân giai đoạn 2021-2025 xuống dưới 3,7%; nợ công không vượt quá 60%; nợ Chính phủ không quá 50%.
- Hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Đến năm 2025 có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên quốc tế.
- 50% số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ khu vực chế tạo tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia
- Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Các tin khác