Tăng động lực cho khu vực công

(ĐTTCO) - Góp ý cho TPHCM trong quá trình xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, TPHCM cần lưu tâm đến các chính sách giúp tăng động lực cho khu vực công, từ đó thúc đẩy, hỗ trợ, truyền cảm hứng cho khu vực tư phát triển. 

Chi đoàn Chi cục Thuế quận 4 trong ngày thứ bảy tình nguyện (7-5). Ảnh: THU HƯỜNG

Chi đoàn Chi cục Thuế quận 4 trong ngày thứ bảy tình nguyện (7-5). Ảnh: THU HƯỜNG

Đánh giá cán bộ thực chất

Theo GS-TS Trần Ngọc Anh, giảng viên về chính sách công tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ), con người là yếu tố quyết định để phát triển, và một trong những nguồn lực con người quan trọng là cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay động lực làm việc ở khu vực công còn rất hạn chế. 

Để tạo động lực trong khu vực công, theo GS-TS Trần Ngọc Anh, cần phải đảm bảo thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức và việc đánh giá cán bộ phải thực chất. Về thu nhập, với Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 54), TPHCM đã tiên phong cả nước trong việc trả lương theo năng suất lao động. Đây là bước tiến cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức thu nhập tăng thêm dù đến 1,8 lần so với ngạch bậc, nhưng vẫn còn quá thấp để có thể thu hút người tài về làm việc trong khu vực công. 

Tăng thu nhập tương xứng với hiệu quả công việc và đánh giá cán bộ thực chất cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia khi góp ý cho TPHCM liên quan đến Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

GS-TS Trần Ngọc Anh gợi mở cho TPHCM về hệ thống quản trị thực thi, đánh giá kết quả công việc đến từng sở ngành, đơn vị, từng chuyên viên. Hiện nhóm Sáng kiến Việt Nam đang hợp tác với Chính phủ và một số địa phương để xây dựng hệ thống này. Bản chất của hệ thống quản trị thực thi là hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, trong đó có các chỉ số về kết quả. 

Theo nghị quyết, chương trình hành động, một đơn vị phải được giao nhiệm vụ cụ thể. Những nhiệm vụ này cần được định lượng rõ ràng và đơn vị này phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. “Với hệ thống này, những người thực sự có năng lực, làm việc tốt không bị đánh đồng với những người chỉ dành thời gian phát triển quan hệ. Khi đó, việc phân bổ biên chế, tinh giản biên chế cũng sẽ rõ ràng hơn”, GS-TS Trần Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chính sách đặc thù về thu nhập

 TPHCM là địa phương có tỷ lệ người dân trên số công chức vào loại cao nhất cả nước. Nếu so sánh với Hà Nội chỉ có 38 người dân/cán bộ thì con số này ở TPHCM là 118 người dân/cán bộ. Đây là con số trung bình, còn nếu tính ở những xã phường đông dân thì áp lực công việc với cán bộ, công chức còn lớn gấp nhiều lần. 

Để có cơ sở chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết 54, TPHCM đã thực hiện đánh giá, phân loại hàng quý đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện được hưởng chính sách này. Kết quả, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trung bình hàng quý đạt 97,82%.

Trong đó, 64,39% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 33,43% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính sách này được đánh giá đã nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,93%, tỷ lệ hài lòng chung của người dân, doanh nghiệp đạt hơn 80% theo khảo sát độc lập của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Dù vậy, TPHCM đánh giá vẫn còn sự nể nang, cào bằng tại nhiều đơn vị khi thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. 

“Tới đây, đánh giá phân loại hàng quý không chỉ để chi thu nhập tăng thêm, mà còn là cơ sở để sàng lọc đội ngũ, sắp xếp tổ chức, bộ máy hợp lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả công vụ”, lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho biết. Các cơ quan, đơn vị sẽ rà soát tình hình và mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực mình để xây dựng các tiêu chí thành phần trong quy định đánh giá, phân loại hàng quý. Việc đánh giá phân loại, gắn với chi thu nhập tăng thêm được coi là một trong những đột phá của TPHCM về cải cách chế độ công vụ, công chức. 

Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cũng cho biết thêm, khi xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM đề xuất Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng được hưởng chính sách thu nhập, như người làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người lao động theo hợp đồng 68… TPHCM nhận định, chi thu nhập tăng thêm là một trong những giải pháp căn cơ để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường giữ chân nhân lực trình độ cao, tạo động lực, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mức độ hoàn thành nhiệm vụ phải có sự phân hóa

Qua nghiên cứu về chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TPHCM theo Nghị quyết 54, Th.S Ngô Văn Huấn, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, cần nghiên cứu, thay đổi phương thức chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở hiệu quả công việc trong thực tế. Theo ông, cấp có thẩm quyền cần rà soát kỹ lưỡng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ này cần có sự phân hóa hợp lý, phản ánh trung thực kết quả lao động sáng tạo và nỗ lực học hỏi, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các tin khác