Tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế

(ĐTTCO)- Trao đổi với ĐTTC, bà TRẦN THỊ LAN ANH (ảnh), Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám Đốc Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, cho rằng đề xuất quy định tăng giờ làm thêm cho người lao động (NLĐ) trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) đang thiếu lao động trầm trọng, rất cần phục hồi sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thiếu lao động dễ dẫn đến mất đơn hàng đối với những ngành cần nhiều lao động như dệt may.
Thiếu lao động dễ dẫn đến mất đơn hàng đối với những ngành cần nhiều lao động như dệt may.
PHÓNG VIÊN: - Ý kiến của bà như thế nào về dự thảo quy định tăng giờ làm thêm Bộ LĐ-TBXH gửi lên Chính phủ để trình UBTVQH?
Bà TRẦN THỊ LAN ANH:  - Trước hết, tôi đánh giá cao sự quyết liệt và kịp thời vào cuộc của Chính phủ trong thời gian vừa qua với những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, việc đề xuất chính sách nới trần khung giờ làm thêm trong 1 tháng  (từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ) và áp dụng số giờ làm thêm  trong 1 năm không quá 300 giờ đối với tất cả ngành, nghề, công việc, cũng thể hiện sự lắng nghe và đồng hành của Chính phủ và các bên với DN trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. 
Tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế ảnh 1
Việc gián đoạn sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua, đặc biệt việc ngưng trệ trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 năm 2021 do áp dụng các biện pháp cách ly, kiểm soát dịch bệnh, đã làm nhiều DN bị phá sản hoặc rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn do chi phí tăng cao và nhiều đơn hàng không sản xuất và giao theo đúng tiến độ cam kết. 
Với các DN sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, da giày thủy sản… gián đoạn sản xuất cũng dẫn đến nguy cơ khách hàng sẽ chuyển đơn hàng hoặc điều chỉnh chính sách mua hàng của họ từ Việt Nam sang các nước khác. Chính vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh thời giờ làm thêm là giải pháp hết sức cần thiết để hỗ trợ DN hiện nay. Chúng tôi dự đoán các ngành sẽ cần khoảng thời gian 1-2 năm để có thể hồi phục.
Tuy nhiên, việc tăng giới hạn giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm trước mắt chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời nhằm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch. Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao trong vài tuần vừa qua, sẽ có những tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các DN. Trên thực tế, nhiều DN sản xuất đang có số lượng lớn NLĐ là F0 phải nghỉ việc, DN buộc phải giãn ca, 1 lao động có thể phải bố trí làm việc ở vài vị trí khác nhau hoặc phải tạm dừng dây chuyền sản xuất. 
Việc điều chỉnh tăng khung giờ làm thêm nhằm giúp DN phần nào bù đắp được năng suất, sản lượng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh, kịp tiến độ đơn hàng, nhất là đối với các DN làm hàng xuất khẩu. Về phía NLĐ, làm thêm giờ cũng là cách hỗ trợ họ cải thiện được thu nhập, nhất là đối với những lao động đã phải nghỉ việc thời gian dài do dịch bệnh. Nếu đề xuất này được chấp thuận cũng không áp dụng lâu dài mà chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ DN trong ngắn hạn, có thể trong 2 năm 2022 và 2023, phù hợp Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022.
- Vấn đề NLĐ quan tâm là cùng với tăng giờ làm, lương có tăng lên tương ứng. Nếu tăng lương sẽ áp lực như thế nào cho các DN, thưa bà? 
- Về cơ bản làm thêm giờ không phải là giải pháp tối ưu cho DN. Khi tổ chức làm thêm giờ, DN đối mặt với những vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng. Đó là chi phí trả lương làm thêm giờ cao hơn so với thời giờ làm việc bình thường, năng suất lao động trong giờ làm thêm có thể giảm và có nguy cơ tai nạn lao động cao hơn. Trong 2 năm qua, các DN đã phải chịu những tổn thất do gián đoạn sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với việc DN chịu thêm gánh nặng về chi phí trả lương làm thêm giờ cho NLĐ (theo quy định của Bộ luật Lao động với mức 150%, 200% và 300% phụ thuộc vào thời điểm làm thêm). 
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc nới trần khung giờ làm thêm rất cần thiết để DN có thể linh hoạt bố trí lực lượng lao động, khi nguồn lao động vẫn còn nhiều biến động. Quan trọng hơn, DN phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ đó có chiến lược nhân sự, tuyển dụng phù hợp và có tính đến các phương án dự phòng. 
- Quy định tăng giờ làm thêm có tiệm cận với quy định về luật lao động của một số nước và phù hợp thông lệ quốc tế trong bối cảnh một số nước có xu hướng giảm dần giờ làm, thưa bà? 
- Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện ở 102 quốc gia trên thế giới vào năm 2012, có 13 quốc gia quy định số giờ làm thêm tối đa theo tháng từ 20-104 giờ, như Singapore quy định 72 giờ và Malaysia 104 giờ. Việc giới hạn làm thêm giờ theo tháng nhằm đảm bảo cho sức khỏe NLĐ, không làm thêm quá nhiều. Ở thời điểm hiện tại, mức trần 72 giờ làm thêm trong tháng là phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho DN có thể tận dụng để tổ chức sản xuất kịp các đơn hàng, đặc biệt trong những tháng cao điểm. 
Khi thực hiện làm thêm giờ, DN phải thông tin rõ ràng cho NLĐ, tổ chức công đoàn và cần phải có sự đồng thuận của NLĐ. Đặc biệt DN phải tính đến xu thế đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam ngày càng cải thiện. Vì vậy, khi đề xuất việc tăng thời giờ làm thêm, các DN cần phải tính đến lộ trình tăng trong ngắn hạn và giảm việc làm thêm giờ về lâu dài, có các giải pháp để tăng năng suất thông qua việc đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ và nâng cao tay nghề cho NLĐ. 
- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác