Tăng sức mua hàng tết

(ĐTTCO) - Ngày 23-12, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã đi thực tế và làm việc với các doanh nghiệp (DN) chủ lực của TPHCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho Tết Tân Sửu 2021. 
Tại buổi làm việc, các DN cho biết, việc chuẩn bị hàng hóa có nhiều thuận lợi, theo đúng kế hoạch, tiến độ. Điều khiến các DN lo lắng là sức mua vào cao điểm tết năm nay nhiều khả năng không tăng như mong muốn do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Đa dạng nguồn hàng, giảm giá sâu
Ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, năm nay Saigon Co.op chuẩn bị hàng hóa tương ứng gần 4.922 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 40% nguồn vốn dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; 60% còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác. Saigon Co.op có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 đến 10 lần so với tháng thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tết. 
Tại thời điểm này, Saigon Co.op đồng loạt giảm giá hàng tết sớm để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm, những ngày cận tết chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn ở siêu thị, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm tết và 10 ngày cận tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tăng sức mua hàng tết ảnh 1 Chế biến trứng gia cầm tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG
Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, cũng đang tập trung chuẩn bị tốt đối với các nhóm mặt hàng chủ lực như gạo, thực phẩm chế biến, thịt gia súc… để bình ổn thị trường trong tháng tết là hơn 2.421 tấn, tăng 63% so tháng thường và tăng 43% so kế hoạch thành phố giao, tương ứng mức vốn 277 tỷ đồng, trong đó thịt heo đạt 2.142 tấn; các mặt hàng còn lại như gạo, thực phẩm chế biến, nước mắm đạt gần 300 tấn. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ của Satra cũng chuẩn bị kế hoạch tạo nguồn, dự trữ hàng hóa với giá trị khoảng 526 tỷ đồng, tăng 13%, đảm bảo an toàn cung ứng cho thị trường tết.
Tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra, cho biết, điểm mới trong công tác chuẩn bị hàng tết năm nay là Satra tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó tăng cường kiểm tra từ gốc và từ đầu vào, kể cả hàng đã đưa lên kệ. Ngoài ra, Satra cũng tăng cường dự trữ nhóm các mặt hàng dành cho phòng chống dịch Covid-19; tăng thời gian phục vụ thêm từ 3 - 4 giờ kể từ ngày 20 tháng Chạp.
 Đối với mặt hàng thịt heo, đến thời điểm này có thể coi là ổn định về giá vì công tác tái đàn trong nước thực hiện khá tốt và lượng thịt đông lạnh nhập khẩu đã về đầy đủ trong các kho lạnh của Satra. Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, giá thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ Nga trước đây lên tới 128.000 đồng/kg nhưng nay giảm rất mạnh, chỉ xoay quanh mức 70.000 đồng/kg.
Trong trường hợp hút hàng, Satra sẽ chủ động đưa thêm mặt hàng thịt heo đông lạnh đóng gói từ 2 - 3kg ra thị trường. Mặt khác, Satra và các DN thành viên sẽ tăng cường thêm khoảng 20 sản phẩm mới như thịt tẩm ướp gia vị các loại, chả giò… phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết. 
Tương tự, Saigon Co.op đã chuẩn bị 3.500 tấn thịt heo an toàn, giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp lớn như Vissan, CP, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam, Nam Phong, Feddy, do vậy người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về mặt hàng thịt heo. Ngoài ra, Saigon Co.op còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản và luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Liên quan đến sức mua, hầu hết DN lo lắng tại thời điểm này mãi lực không những chưa tăng mà còn giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngay cả đơn hàng đặt gói quà tết cũng chưa có dấu hiệu tích cực. Để kích cầu, DN sẽ triển khai liên tục các chương trình giảm giá bán đối với nhiều mặt hàng thiết yếu.
Phát triển thêm mạng lưới bán hàng tết, tăng cường liên kết với các đối tác như Grab, Baemin, Now, Sen Đỏ… để bán hàng online, tăng độ phủ hàng tết. Triển khai thêm nhiều tiện ích cho khách hàng như giao hàng tận nơi, cung cấp dịch vụ mâm cỗ gia tiên, mâm ngũ quả, gói quà miễn phí. Tăng cường các chuyến bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho bà con mua sắm hàng hóa tết.
 Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, đánh giá cao nỗ lực của DN trong công tác chuẩn bị hàng hóa, đồng thời chia sẻ lo ngại về tình hình sức mua còn rất yếu hiện nay. Tuy vậy, dù sức mua hàng tết diễn biến theo chiều hướng nào thì các DN cũng phải thực hiện tốt việc chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch dự phòng nếu dịch Covid-19 quay trở lại. Các DN cần đảm bảo ATTP không chỉ tại nguồn cung cấp, mà còn trong các phương thức đặt hàng, giao hàng cũng như trong không gian mua sắm. Có kế hoạch chăm lo tốt đời sống cán bộ nhân viên, tích cực tham gia công tác chăm lo người nghèo của TPHCM để đảm bảo người dân đón tết “vui tươi, an toàn, tiết kiệm và nghĩa tình”.

Các tin khác