Tăng tốc, tận dụng thời cơ để xuất khẩu

(ĐTTCO) - Năm 2021, vượt qua khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch gần 670 tỷ USD. 
Sau những tháng xuất khẩu giảm mạnh do có nhiều tỉnh, thành phố chủ lực về xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, kể từ quý 4-2021 đến nay, xuất khẩu đã phục hồi, bứt phá mạnh mẽ nhờ có Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ nhập siêu, cán cân thương mại hàng hóa đã đổi chiều sang xuất siêu với 4 tỷ USD. Kết quả này khẳng định nỗ lực lớn của cả hệ thống và nền kinh tế, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Theo Bộ Công thương, tiếp đà khởi sắc từ những tháng cuối năm 2021, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, các đơn hàng xuất khẩu đã tới tấp đến với các doanh nghiệp, báo hiệu một năm sản xuất kinh doanh sôi động, đồng thời cũng chứng tỏ sức hút lớn của hàng hóa Việt Nam với thị trường thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng đơn đặt hàng mới trong quý 1-2022 tiếp tục tăng so với quý 4-2021, khi 83,2% doanh nghiệp cho biết lượng đơn hàng tăng và giữ nguyên, chỉ có 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Nhiều công ty may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử… đang tổ chức cho công nhân làm hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành các đơn hàng đã ký trong quý 4-2021 và nhiều doanh nghiệp đã có được đơn hàng mới đến hết quý 1 năm nay. Việc tăng tốc này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động lường trước những khó khăn đột xuất có thể xảy ra trong năm 2022.
Bộ Công thương nhận định, năm 2022, dịch Covid-19 có thể vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu. Tình trạng thiếu container rỗng, cước phí tàu biển quá cao (gấp 4-5 lần) vẫn sẽ cản bước hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội vàng khi Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong năm 2021, xuất khẩu vào các thị trường mới, nhiều ưu đãi thuế quan này bắt đầu tăng trưởng vượt bậc. Chẳng hạn, sau 1 năm thực thi EVFTA, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt tới 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước, dù vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 22 tỷ USD. Cũng sau 1 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời và 7 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1-5-2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh lập “kỳ tích”, với tổng kim ngạch song phương tăng 17% (Việt Nam xuất siêu sang Anh đạt 4,46 tỷ USD trong 11 tháng). 
Năm 2022, các FTA sẽ tiếp tục mở ra ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất. Với tiềm năng còn rất lớn (ví dụ thị phần xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đến nay mới chỉ chiếm 2%), các FTA là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, đồng thời hình thành các chuỗi cung ứng mới, khắc phục được nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng từ các thị trường truyền thống. 
Trước mắt, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu 6%-8% năm 2022, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường mới (thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm…) nhằm gia tăng chất lượng hàng hóa, có được thêm nhiều hợp đồng từ các thị trường mới này.
Trong dài hạn, để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới quản trị, tái cơ cấu sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước. Bên cạnh đó là tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm gánh nặng nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như nguyên liệu nhập khẩu.

Các tin khác