Tăng trưởng trong kỳ vọng tích cực

(ĐTTCO) - Năm 2018 xem như kết thúc với tất cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đều đạt và vượt.  Điểm ấn tượng nhất trong năm 2018 là Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh phải đối mặt nhiều thách thức từ nội tại đến ngoại lai như trần nợ công, giải ngân đầu tư, tỷ giá… 
Tăng trưởng trong kỳ vọng tích cực
Vậy nhưng tăng trưởng GDP đã đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm. Ổn định được kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, và việc giữ được lạm phát thấp 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao, đã ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, tạo tiền đề tốt cho Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, theo theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2018 ước đạt 482,23 tỷ USD, tăng 12,6% so cùng kỳ năm 2017, cán cân thương mại thặng dư 7,2 tỷ USD.
Đây là thành tích đáng kể, góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển tương đối ổn định. Như vậy liên tiếp mấy năm vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. 
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không được chủ quan, tăng trưởng nhanh nhưng phải giữ được sự ổn định và tâm lý kỳ vọng tích cực.
Định hướng điều hành trong năm 2019 của Chính phủ tăng trưởng kinh tế được coi là trọng tâm, song các chỉ tiêu giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”, thể hiện khát vọng dân tộc, phải bàn tiến chứ không bàn lùi.
Sau khi hoàn thành, dự thảo cần tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, nhân dân để kịp thời xử lý, giải quyết tốt hơn, giải quyết cả các bức xúc, điểm nghẽn trong xã hội.
Đối với dự thảo Nghị quyết 19 về tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 Thủ tướng quyết định đổi thành Nghị quyết 02, ngay sau Nghị quyết 01, nhằm thể hiện rõ quyết tâm của Thủ tướng.
Cần tính toán kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu với quyết tâm phấn đấu cao nhất, rõ ràng, minh bạch hơn và dễ giám sát, đánh giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể. Công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Về chính sách tài khóa và đầu tư công, phải tiếp tục tái cơ cấu ngân sách để bảo đảm đầu tư, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên một cách thực sự. Bộ Tài chính cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng lãng phí. Phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, tiến độ dự án đầu tư; thúc đẩy một số công trình quan trọng; xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập về BOT, BT theo Nghị quyết của Quốc hội. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sứ mệnh của năm 2018 hoàn thành, kinh tế 2019 vẫn trên đà phát triển tích cực, vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, nhưng các động lực, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng có thể thay đổi, vì các yếu tố này trước đây chưa bền vững. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số tồn tại, khó khăn của kinh tế 2018 để có thay đổi: Vẫn phụ thuộc lớn vào FDI (xuất khẩu FDI chiếm 72% tổng kim ngạch, FDI trong công nghiệp chế biến chế tạo chiếm trên 90%...).
Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng có tiến bộ nhưng chưa phải là bức tranh hoàn hảo khi vẫn phụ thuộc vào FDI. Tái cấu trúc, phát triển doanh nghiệp (DN), đặc biệt cổ phần hóa DNNN rất chậm, các DNNN hiện nay hoạt động hiệu quả thấp, cồng kềnh, quản trị không năng động, trong lúc đó các DN tư nhân, DNNVV chưa được chú ý...
Phải thừa nhận rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên áp lực ngoại lai ảnh hưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 là lẽ đương nhiên. Chẳng hạn như giá cả những vật liệu chính có thể tăng, đặc biệt là dầu mỏ.
Bởi xuất phát từ những xung đột của các nước lớn có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, điều này có thể gây áp lực lớn lên tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó, các đồng tiền nội tệ của các nước có thể giảm giá, trong đó có đồng NDT của Trung Quốc (năm 2018 NDT giảm đến 10% trong 10 tháng), gây áp lực lớn lên giá cả, tỷ giá trong nước; đặc biệt là vấn đề tài chính khi các nước này phải tung tiền ra khôi phục lại tỷ giá, và việc khôi phục trị giá đồng tiền của nước họ sẽ làm ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt và hợp lý.
Về chỉ tiêu lạm phát, CPI khoảng 4% cho 2019 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình là bảo đảm thận trọng trước sức ép lạm phát ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ lo ngại về lạm phát trong năm 2019 và các năm sau, bởi giá dầu thô đang trong xu hướng tăng; tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước.
Trên thế giới, khi lạm phát tăng nhanh bên cạnh việc đồng USD và dầu thô tăng giá, cũng như căng thẳng thương mại leo thang và đồng NDT giảm, tại nhiều quốc gia sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa và bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành, nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Trong nước, lạm phát gia tăng tạo sức ép lớn lên lãi suất là điều khó tránh. 
Việc giữ được lạm phát ở mức 4% trong năm 2018 đã có thể xem là rất thành công. Trong quá khứ, yếu tố cốt lõi và sâu xa đã đẩy lạm phát của Việt Nam lên trên hai con số là cung tiền. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc triển khai các dự án đầu tư công, không triển khai các dự án có tính lan tỏa thấp, tập trung vào các dự án có quy mô lớn và rút ngắn tối đa thời gian triển khai.
Các DN cần tiết kiệm chi phí sản xuất và cần tính đến việc huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thay vì từ các ngân hàng, để tránh nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. 

Các tin khác