Tăng “vốn ảo” và “thủ thuật” tăng vốn thật tiến hành ra sao?

(ĐTTCO) - Sự việc FLC bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vì có dấu hiệu tăng vốn ảo hàng ngàn tỷ đồng thực ra chỉ là “giọt nước tràn ly”. Bởi những chiêu này được rất nhiều doanh nghiệp (DN) chưa niêm yết tăng “vốn ảo”, thậm chí DN đã niêm yết vẫn có “thủ thuật” tăng vốn thật nhưng tiền thật đó không từ “hầu bao” của ông chủ mà lấy từ “túi” công ty và xoay chuyển lòng vòng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vậy các DN này đã làm đúng luật hay lách luật? Để nhận diện về những thủ thuật này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Đại học Kinh tế TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa TS, hiện nay nhiều DN niêm yết và chưa niêm yết đã tăng nhanh chóng vốn điều lệ, vậy chiếu theo Luật DN thì việc tăng vốn của một công ty được diễn ra như thế nào?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Luật DN Việt Nam không quy định DN phải minh chứng vốn góp khi thành lập công ty hoặc khi tăng vốn. Hoạt động này được ủy quyền cho công ty và công ty chỉ cần báo cáo hoàn tất việc tăng vốn để thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, đối với các công ty niêm yết hoạt động này đòi hỏi các đối tượng tham gia góp vốn phải nộp tiền góp vốn vào một tài khoản ngân hàng được phong tỏa của công ty. Sau khi kết thúc việc góp vốn, công ty sẽ in sao kê tài khoản và xác nhận số dư từ ngân hàng mà công ty mở tài khoản phong tỏa, để báo cáo cho sở giao dịch và thực hiện các bước thay đổi điều lệ công ty, cũng như niêm yết bổ sung số lượng cổ phiếu phát hành thêm.
Tóm lại, với một công ty chưa niêm yết việc tăng vốn điều lệ hoàn toàn được tiến hành dễ dàng, miễn là công ty xác nhận và chịu trách nhiệm cho phần vốn góp đó. Do đó, rất nhiều tình huống công ty tăng vốn điều lệ lên một cách thần tốc nhưng không cần thiết phải góp vốn bằng tiền mặt hay tài sản. Công ty sẽ thực hiện một số thủ tục kế toán đối ứng với việc góp vốn này để đảm bảo đúng nguyên tắc kế toán. 
Thí dụ: một công ty chưa niêm yết muốn tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng khá dễ dàng mà không cần thiết phải góp 90 tỷ đồng. Và 90 tỷ đồng vốn góp tăng thêm này được công ty hạch toán đối ứng phần “tài sản” không tồn tại, như phải thu khác, ủy thác đầu tư cho cá nhân/tổ chức, ứng tiền trước theo hợp đồng công việc ngụy tạo…
Sự việc FLC Faros của Trịnh Văn Quyết được cơ quan điều tra khởi tố vừa qua, là một minh chứng cho thấy các công ty tăng vốn một cách nhanh chóng diễn ra trước khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- Nói như vậy phải chăng DN niêm yết trên thị trường chứng khoán khi thực hiện việc tăng vốn điều lệ sẽ không có tình trạng phát sinh “vốn ảo”, bởi tiền góp vốn nộp vào tài khoản ngân hàng được phong tỏa?
- Về lý thuyết việc tăng vốn điều lệ của DN niêm yết thông qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu, bán cho cổ đông hiện hữu hay chào bán riêng lẻ, sau đó các bên tham gia góp vốn phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng được phong tỏa của công ty. Số tiền này sẽ được gỡ bỏ phong tỏa và DN sử dụng sau khi hoàn tất các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Song lưu ý đây chỉ là lý thuyết, nghĩa là tiền góp vốn được nộp vào tài khoản ngân hàng là tiền thực, nhưng tiền được nộp vào đó có phải là “tiền mới” hay nó có nguồn gốc từ tiền trong công ty lấy ra rồi góp trở vào công ty, sau đó dùng một số thủ thuật kế toán di chuyển lòng vòng bằng các chứng từ ngụy tạo.
Vấn đề được đặt ra là tiền đâu để một cổ đông lớn của DN niêm yết khi thực hiện việc góp vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu bán cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn góp? Đặc biệt là những kế hoạch tăng vốn khủng. Minh chứng là năm 2022 hàng loạt các công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn khủng và bán với giá cao hơn mệnh giá, càng cho thấy áp lực tiền mặt để góp vốn của cổ đông lớn sẽ rất lớn.
Chẳng hạn có một cá nhân (A) đang sở hữu 15% cổ phần của Công ty chứng khoán V., và Công ty V. đầu năm 2022 thực hiện kế hoạch tăng vốn từ 2.745 tỷ đồng lên 5.491 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu. Với phương thức này, cổ đông A trên sẽ cần có một số tiền mặt lên đến hơn 617 tỷ đồng phải góp vào V.
Một điều rất dễ biết khi Công ty V. được niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ dễ dàng giúp cổ đông A này sử dụng quyền quản trị DN với tư cách cổ đông lớn trong Công ty V. Và đương nhiên cổ đông A được quyền cầm cố cổ phiếu V. hiện đang có (khoảng 41,1 triệu) để có được một lượng tiền lớn góp vốn vào công ty mà không cần phải có tiền mặt như trên. Vậy số tiền góp vốn của cổ đông A này có thực sự góp hay không? Lý thuyết là có nhưng thực tế thì lại không.
Tình huống trên cũng được diễn ra với hàng loạt các công ty không phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, nhưng được các cổ đông lớn kiêm nhà quản trị công ty sử dụng thẩm quyền của mình để tạm ứng tiền công ty, thông qua nhiều bút toán được lập khống nhằm rút tiền của công ty như ủy thác đầu tư. Bởi lẽ ủy thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác kinh doanh là một hình thức dễ dàng nhất để rút tiền ra khỏi công ty mà những nhà quản trị sử dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Trước đây từ vụ án Huyền Như đã cho thấy hình thức này rất nổi bật. Đó là một ngân hàng thương mại đã bị những cổ đông lớn chiếm dụng tiền của ngân hàng để thực hiện ủy thác đầu tư, hậu quả là tất cả các cổ đông thiểu số ôm trọn khoản thiệt hại này. Hay một vụ án mới đây hiện đang điều tra tại SaiGon Coop, cũng đã cho thấy 1.000 tỷ đồng nhẹ nhàng ra khỏi công ty bằng hình thức ủy thác đầu tư với mức lãi suất tùy tiện, thậm chí là 0% và vụ việc chỉ bị phát hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc.
Hay sự kiện tại một công ty cổ phần niêm yết là ITA cũng đang cho thấy quyền lực của cổ đông lớn đã lấy đi gần 2.000 tỷ đồng tiền mặt của công ty cũng chỉ bằng những hợp đồng tự lập ủy thác đầu tư này. 
Như vậy, việc các cổ đông lớn thực sự góp vốn vào công ty hay không theo những quy định hiện nay chưa thể chứng minh được, và thường sẽ được sử dụng từ việc chiếm đoạt tài sản công ty bằng nhiều hình thức để thực hiện việc tăng vốn, nên đây được xem làm vốn ảo. Nghĩa là việc tăng vốn ảo cũng sẽ được thực hiện ngay chính các công ty đã niêm yết.
- Trước sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2021, nhiều công ty chứng khoán, các DN niêm yết lên kế hoạch tăng vốn khủng bằng việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá cao. Xin hỏi TS, vì sao các cổ đông lớn lại thông qua phương án tăng vốn điều lệ khủng này trong khi họ không thực sự có đủ tiền để góp?
- Vốn điều lệ của một công ty được dùng để chứng minh cho các mục đích trong kinh doanh khi đề cập đến năng lực tài chính như đấu thầu, nhận thực hiện dự án… Còn đối với một công ty cổ phần niêm yết là một công cụ huy động vốn cho những cổ đông lớn như tình huống ở FLC Faros.
Bằng việc tăng vốn ảo trong công ty trước khi niêm yết, ông Trịnh Văn Quyết đã sở hữu một lượng lớn cổ phần và sau đó đưa công ty lên niêm yết để bán ra những cổ phần này cho cổ đông khác. Qua đó ông Quyết thu về cho chính mình một lượng tiền mặt thực từ những cổ phần ảo đó và vẫn kiểm soát công ty. Trong khi đó những người mua cổ phần từ ông Quyết trở thành cổ đông của công ty nhưng không hề biết tình hình tài sản thực trong công ty thế nào, mãi cho đến khi sự việc bị khởi tố. 
Lấy thí dụ từ FLC Faros từ vốn 1,5 tỷ đồng tăng lên 4.300 tỷ đồng, nghĩa là có gần 4.300 tỷ đồng vốn ảo được đưa lên sàn chứng khoán và sau đó tạo cung cầu giả để bán ra khoảng 10% lượng cổ phần này thì ông Quyết đã thu về cho cá nhân mình vài trăm tỷ đồng một cách dễ dàng và vẫn còn 90% cổ phần để tiếp tục kiểm soát công ty, trong khi các nhà đầu tư không may mắn nắm giữ 10% cổ phần này không thể biết thực hư tài sản bên trong công ty mà mình mua.
Quay lại thí dụ trên của Công ty V. Trong đợt lấy ý kiến tăng vốn trên chỉ có 479/29.526 cổ đông tham gia biểu quyết đại diện cho 51,6% cổ phần công ty, và đã có 51,38% đồng ý kế hoạch tăng vốn. Vì việc thực hiện hình thức góp vốn theo quyền mua nên các cổ đông đều phải góp vốn vào công ty. Do vậy công ty hoàn thành 100% việc góp vốn, cho dù các cổ đông không đồng ý phương án tăng vốn cũng buộc góp vốn, nếu không sẽ bị thiệt hại từ việc điều chỉnh giá cổ phiếu.
Và khi các cổ đông thiểu số này phải dùng tiền mặt để góp vào công ty, nghĩa là những cổ đông lớn như ông A sẽ có thêm quyền từ việc tiêu dùng số tiền góp của các cổ đông thiểu số này. Nếu cho rằng 48,62% cổ phần không tham gia biểu quyết và từ chối phương án tăng vốn là những cổ đông thiểu số thì số tiền góp của họ đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Đây là lợi ích lớn nhất mà hầu như các công ty niêm yết đang thực hiện, bởi mức độ đại chúng càng lớn, càng nhiều cổ đông thiểu số sở hữu công ty, thì cổ đông lớn sẽ sử dụng hình thức tăng vốn này để huy động vốn từ các cổ đông nhỏ phục vụ lợi ích của chính mình.
Thị trường chứng khoán càng phát triển, thanh khoản thị trường càng lớn, sẽ có nhiều và rất nhiều công ty mà cổ đông lớn chỉ cần sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ đã kiểm soát công ty, và hàng năm cứ thực hiện hình thức tăng vốn bằng cách trên để chiếm dụng vốn các cổ đông thiểu số.
- Vậy điều này sẽ đưa đến những hệ lụy gì cho thị trường chứng khoán, và theo TS cơ quan quản lý cần làm gì để bảo vệ cổ đông thiểu số cũng như nhà đầu tư?
- Hệ lụy đầu tiên chính là hệ thống tài chính đang nắm giữ những tài sản không có thực này. Những ông chủ giới tài chính ngân hàng cũng đã tham gia trò chơi này, cũng nắm giữ lấy những tài sản vốn ảo này để đảm bảo cho những khoản vay từ ngân hàng, cầm cố thế chấp tại các công ty chứng khoán và thậm chí làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu khủng thời gian qua được phát hành. Hệ lụy này chỉ có thể giải quyết từ cấp độ quản lý nhà nước.
Hệ lụy thứ hai là vấn đề về quản trị công ty. Các công ty sẽ khó thu hút các nhà đầu tư “đàng hoàng” đồng hành lâu dài. Những chiêu trò trên dần dần khiến các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư cũng nhận ra và họ sẽ từ bỏ lựa chọn đầu tư vào công ty đó.
Trên thị trường cũng đã có nhiều công ty niêm yết đã lâu nhưng không cải thiện được vấn đề quản trị công ty, mà vẫn phụ thuộc vào ý chí của cá nhân cổ đông lớn, dẫn đến những tổn thất cho lợi ích cổ đông nhỏ và đã bị thị trường trừng phạt, như thanh khoản giao dịch quá kém vì nhà đầu tư không mặn mà nắm giữ cổ phần của công ty đó. Nói cách khác, đây là một trò chơi của cổ đông lớn, nên cổ đông thiểu số phải tự bảo vệ mình, cần nâng cao năng lực đầu tư của mình.
Cơ quan quản lý nhà nước trên thị trường chứng khoán vốn sinh ra để bảo vệ những kẻ yếu, những cổ đông thiểu số, những nhà đầu tư nhỏ. Và để các cơ quan quản lý làm tròn trách nhiệm đó cần thiết phải có những hành lang pháp lý. Nhưng trước tiên chúng ta phải đặt câu hỏi vai trò của ban kiểm soát công ty, trách nhiệm của thành viên hội đồng quản trị, và thậm chí trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong báo cáo thuế nộp cho cơ quan thuế đến đâu? Nên nhớ, trách nhiệm của những bên có liên quan còn treo lơ lửng chừng nào thì hồ sơ thuế chưa được quyết toán.
Nếu như cơ quan thuế tạo điều kiện cho DN trong kinh doanh để rồi cho phép DN tự khai báo thuế, vậy thì khi cơ quan thuế phát hiện ra việc góp vốn ảo để xuất toán lãi vay trong việc khấu trừ thuế và phạt DN, thì trách nhiệm của các bên như thế nào trước các cổ đông? Nêu ra những câu hỏi này để các cơ quan quản lý cân nhắc nếu thực sự bảo vệ nhà đầu tư cần có những hành lang quy định các bên có liên quan này.
- Xin cảm ơn TS. 

Các tin khác