Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển

(ĐTTCO) - Chiều 3-11, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh tháng 10, 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ giải pháp tháng 11-2020. 

Cùng chủ trì có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm và các Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Võ Văn Hoan.

Nỗ lực thu ngân sách đạt 85% dự toán

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, trong tháng 10, tình hình kinh tế xã hội TPHCM vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù mức độ tác động không nặng nề như làn sóng thứ nhất, nhưng cũng khiến TPHCM gặp khó khăn.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 1Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhấn mạnh đến các số liệu về hơn 33.400 doanh nghiệp thành lập mới và hơn 7.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong 10 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định, việc này rất có ý nghĩa, tác động tích cực đến kinh tế TP, trước hết là giải quyết lao động thất nghiệp.

“Trong các giải pháp ở gói hỗ trợ Covid-19, chúng ta đã đề cập biện pháp ngăn chặn sự phá sản của các doanh nghiệp. Sự phục hồi này chứng tỏ sức sống của doanh nghiệp trong điều kiện tác động mạnh mẽ của dịch”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Về con số thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 290.700 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, trong hai tháng còn lại của năm 2020, TPHCM sẽ phải cố gắng để đạt cho được khoảng 85% so với dự toán thu ngân sách đã giao (giao 405.000 tỷ đồng). Theo đồng chí, trong điều kiện hiện nay, TP cần phải nỗ lực rất lớn mới đạt được con số này.

Nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do với EU là cơ hội lớn cho kinh tế TP, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý các cơ quan cần tích cực kết nối doanh nghiệp hai bên để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả hiệp định.

Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một điểm sáng của kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở KH-ĐT phân tích cụ thể kết quả giải ngân ở các đơn vị để rút kinh nghiệm. Tại TPHCM, đầu tư từ khu vực nhà nước chỉ chiếm 13% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Còn lại, 70% là vốn tư nhân và còn lại là vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặc biệt nhấn mạnh đến việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Từ đó TPHCM mới thu hút được nguồn lực đầu tư trong dân và nguồn lực đầu tư nước ngoài.

“Như vậy, 10 tháng đầu năm, tuy có gặp khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội TPHCM cũng đạt những kết quả đáng trân trọng”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, năm 2021 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, năm triển khai thực hiện cụ thể hóa kế hoạch 5 năm (2021-2026). Đông chí đề nghị, trong tháng 11 các ngành, địa phương phải có ngay kế hoạch kinh tế xã hội của ngành mình, địa phương mình.

Đồng thời, Sở KH-ĐT phối hợp các ngành đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết của HĐND TPHCM về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với đó, đánh giá xem chương trình phục hồi kinh tế của TP đề ra đã đạt những kết quả gì, phương hướng sắp tới ra sao.

Đồng chí cũng chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND TP tổ chức hội nghị phân tích, mổ xẻ nguyên nhân vì sao các chỉ số cải cách hành chính không đạt yêu cầu, tìm giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Sở Giao thông vận tải TP hoàn thành Đề án phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Thống kê, Sở Công thương gắn với đề tài chuyển đổi số; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra chỉ số rõ ràng về chuyển đổi số; đồng thời, triển khai các dự án của Đề án đô thị thông minh. Sở KH-ĐT được giao tham mưu đưa vào một số nội dung chương trình kích cầu ở một số lĩnh vực như chuyển đổi số, logistics.

Giữa khó khăn xuất hiện nhiều điểm sáng 

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong năm 2020, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và cả nước gặp nhiều khó khăn, dịch Covid-19 phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của TP.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 2Giám đốc Sở KHĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 2,1% so với cùng kỳ, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 37,5%; du lịch lữ hành giảm 74,3%. Tổng lượng khách quốc tế đến TP ước đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 81% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,74% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ước đạt hơn 10.400 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Tại Sở KH-ĐT có hơn 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,5% so với cùng kỳ; có hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 290.700 tỷ đồng, chỉ đạt 71,65% dự toán, giảm 12,83% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, kinh tế xã hội TP 10 tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có dấu hiệu phục hồi, tăng 3% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do đa dạng hóa các phương thức thanh toán, giao dịch, hiệu quả từ các sự kiện kích cầu tiêu dùng… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 77,65 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 36,71 tỷ USD, tăng 5,5% cùng kỳ.  

Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao 10 tháng đầu năm, ước đạt 16,2 tỷ USD tăng 19,82% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 10 đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Giải ngân đầu tư công đến 31-10 đạt hơn 24.300 tỷ đồng, đạt 57,9% so với tổng kế hoạch vốn TP. Nếu tính cả khối lượng đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện thủ tục giải ngân tại kho bạc thì đạt 64,2% so với kế hoạch vốn đã giao.

Về tình hình thành lập doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm, TPHCM có hơn 33.400 doanh nghiệp thành lập mới. Con số này mặc dù giảm so với cùng kỳ nhưng số vốn đăng ký lại tăng 41,6% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng có hơn 7.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 3,4 tỷ USD…

Thu ngân sách chuyển biến tích cực

Về kết quả thu ngân sách nhà nước trong tháng 10, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, thu ngân sách có đà chuyển biến tích cực, tăng 27% so với tháng 9. Kết quả thu ngân sách địa phương 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 290.783 tỷ đồng, đạt 71,65% dự toán (bằng 87,17% cùng kỳ).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 3Giám đốc Sở Tài Chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mức thu trung bình mỗi ngày làm việc trong 10 tháng đầu năm là 1.397 tỷ đồng, bằng 85,43% so với mức trung bình TP phải thu trong năm 2020 và bằng 85,5% so với mức trung bình cùng kỳ mỗi ngày trong 10 tháng của năm 2019.

Số thu ngân sách địa phương tới nay đạt 60.695 tỷ đồng, bằng 66,29% dự toán và bằng 87,68% cùng kỳ.

Dưới tác động của dịch Covid-19, với sự năng động vốn có của cộng đồng doanh nghiệp TP đã kịp thời điều chỉnh mô hình kinh tế, chuyển sang kinh doanh online các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử. Nhập khẩu hàng hóa có tín hiệu tích cực, các nhóm hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất có tăng trưởng khá so cùng kỳ.

Với sự chỉ đạo sát sao của UBND TP trong việc tìm kiếm, triển khai các giải pháp nuôi dưỡng, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách trên địa bàn TP; sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành liên quan… đã góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, làm nền tảng cho thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP trong quý III và đầu quý IV năm 2020 có sự tăng trưởng tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách đều vượt mức 70% so với dự toán. Dự kiến số thu ngân sách trên địa bàn TP phấn đấu đến hết năm 2020 là 355.813 tỷ đồng, đạt 87,7% dự toán (bằng 86,73% cùng kỳ).

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 56.796 tỷ đồng, đạt 55,66% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 20.161 tỷ đồng, đạt 55,84% dự toán HĐND TP giao (tăng 49,11% so cùng kỳ); chi thường xuyên 30.471 tỷ đồng, đạt 65,32% dự toán (tăng 6,51% cùng kỳ).

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, ngoài các giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, TPHCM cũng sẽ thực hiện công tác đấu tranh chống thất thu; hạn chế tình trạng nợ đọng thuế; đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất để tạo sự ổn định nguồn thu cho ngân sách TP trong những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.

Các tin khác