Tập trung hỗ trợ nhóm sản xuất

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt nền kinh tế trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các gói cứu trợ và chính sách đi kèm nhằm kích thích nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Nhưng làm thế nào để chính sách đó đạt được hiệu quả thực tế đang là vấn đề cần quan tâm.

Nguồn lực có hạn
Chính phủ các nước đã tung ra các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tùy mức độ “giàu nghèo” của mỗi quốc gia và đặc tính của từng nền kinh tế. Hầu hết quốc gia đều sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và hỗ trợ xã hội, với những đặc điểm như quyết định rất nhanh kể cả ở cấp cao nhất; quy mô chính sách rất lớn; phương pháp và cách thức triển khai chưa từng có tiền lệ; thực hiện các biện pháp hành chính như thời chiến; chấp nhận vượt quy định thông thường về kỷ luật tài chính, ngân sách…
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có một loạt chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch bệnh. Tổng giá trị quy đổi của các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa, theo ước tính của Bộ Kế hoạch - Đầu tư khoảng 330.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD), và mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo nâng lên mức 22 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, ngân sách nhà nước hiện đang rất căng thẳng do tác động kép của dịch Covid-19 cùng giá dầu xuống thấp và hạn mặn ở ĐBSCL. 
Tập trung hỗ trợ nhóm sản xuất ảnh 1 Phải ưu tiên hỗ trợ nhóm ngành nông nghiệp để tạo trụ đỡ cho GDP.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong kịch bản tích cực nhất - dịch Covid-19 kết thúc trong quý II-2020 - thu ngân sách năm nay sẽ giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Về phần chi ngân sách, hiện chúng ta cũng đang phải chịu gánh nặng chi thường xuyên khổng lồ (chiếm khoảng 71% tổng chi) và sẽ còn cao hơn trong việc chi trợ cấp xã hội trong đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, ngân sách còn phải chi trả lãi và gốc, mặc dù thủ thuật kế toán đã đưa khoản chi trả nợ gốc ra khỏi bảng cân đối ngân sách. 

Kích thích nhóm ngành nông nghiệp
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp cần có những ưu tiên và định hướng cụ thể, giúp họ vượt qua khó khăn, lấy đà phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Điều này có nghĩa cần phải nhìn nhận một cách khách quan về nền kinh tế thực của nước ta.
Thực chất, nền công nghiệp chế biến nước ta là gia công, cơ bản là dịch vụ công nghiệp. Do đó, việc tăng tổng cầu để kích thích phía cung đối với trường hợp này sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. Các nhóm ngành khác như vận tải, khách sạn nhà hàng, vui chơi giải trí… lại phụ thuộc cơ bản vào khách du lịch, tức phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh của thế giới.
Những khó khăn thời gian qua lại cho thấy nhóm ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong cơn hoang mang vì dịch bệnh, giữa sự sống và cái chết, người dân đua nhau đi mua các sản phẩm nông nghiệp như gạo và các loại thực phẩm khác. Từ ngàn xưa “dĩ nông vi bản” là tâm huyết của người dân Việt.
Điều này có thể mang hàm ý cho chính sách hậu Covid-19, rằng Chính phủ có cái nhìn khác về nhóm ngành này, không nên cho rằng tỷ trọng nông nghiệp trong GDP càng nhỏ là thành tích.
Về nguyên tắc, các gói tài chính cũng như chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần tập trung ưu tiên những ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị gia tăng (tổng giá trị gia tăng + thuế sản phẩm - trợ cấp = GDP), lao động cao…
Song nghiên cứu từ bảng cân đối liên ngành cho thấy, những ngành có tầm quan trọng tương đối với nền kinh tế là các nhóm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), thủy sản, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, dệt may và da giày, nhóm các ngành dịch vụ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng GDP quý I-2020 thấp nhất trong nhiều năm qua (chỉ đạt mức 3,82%). Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này trong lúc gần như cả thế giới đều tăng trưởng âm, là nỗ lực của cả nhân dân và Chính phủ, đây là một thành tích. 
Phải đúng trọng tâm
Nhìn nhận về cấu trúc giá trị tăng thêm theo thành phần kinh tế chiếm trong GDP 15 năm qua, có thể thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tư nhân tuy có tăng nhưng vẫn không quá 10% trong GDP (9,1%). Thành phần kinh tế có tỷ trọng giá trị tăng thêm lớn nhất trong GDP là khu vực kinh tế cá thể (dù tỷ trọng này giảm 2,9% từ 32,1% năm 2005 xuống còn 29,2% năm 2018, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP).
Trong vòng 15 năm (2005-2019) tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế tư nhân tăng 0,6%, khu vực kinh tế cá thể giảm 2,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 5,1% (từ 15,2% lên 20,3% tổng GDP). 
Như vậy, nếu chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ gây áp lực và khó khăn trong mục tiêu tăng trưởng GDP (theo kế hoạch năm 2020 phải đạt 5% GDP). Các tính toán cho thấy, nếu khu vực doanh nghiệp tư nhân có mức tăng trưởng đạt khoảng 10% trong năm 2020 (trong khi các thành phần kinh tế khác không đổi) cũng chỉ giúp GDP tăng trưởng chưa tới 0,86%. Nhưng nếu giá trị tăng thêm của khu vực kinh tế cá thể tăng thêm 10% sẽ làm GDP có thể tăng thêm 2,1%. 
Vấn đề ở đây, các gói cứu trợ và chính sách đi kèm nhằm kích thích nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay nhất thiết phải đúng trọng tâm. Theo đó, các gói tài chính cứu trợ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không nên để bị lợi dụng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đứng sau các bộ, ngành, siêu ủy ban… mà nó cần phải được đến đúng địa chỉ. 
Tháng 4, nền kinh tế đình trệ do cách ly xã hội trên toàn quốc. Từ đầu tháng 5, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang tái khởi động sau những ngày đình trệ vì cách ly. Và lúc này khu vực doanh nghiệp - nhóm ngành sản xuất - đang là tâm điểm để tập trung hỗ trợ, từ đó khôi phục nền kinh tế.  
 Những khó khăn thời gian qua cho thấy nhóm ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, không nên cho rằng tỷ trọng nông nghiệp trong GDP càng nhỏ là thành tích.

Các tin khác