Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020

Tập trung khai thác lợi thế sân nhà

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng khiến đại đa số các quốc gia phải đóng cửa biên giới. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xem thị trường nội địa là điểm tựa vững chắc để phát triển sản xuất kinh doanh. 
Doanh thu tăng 50% 
Kết thúc đợt kinh doanh cao điểm trong tháng 3 và 4 vừa qua, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết, doanh thu ở nhóm hàng thực phẩm chế biến tăng 30%-40%, đặc biệt là mặt hàng đồ hộp đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống lại giảm 15%-20% vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chủ yếu là nguồn cung nguyên liệu trong nước chưa đảm bảo cầu, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng khiến sức mua co lại.
Tương tự, đối với nhiều DN trong ngành lương thực, thực phẩm cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu khá tốt nhờ nhu cầu và sức mua từ thị trường nội địa trong mùa dịch bệnh tăng vọt. Nhiều DN của TP như Công ty Vinh Phát (chuyên cung cấp gạo), Vifon (sản xuất các loại thực phẩm ăn liền: mì gói, phở, hủ tiếu…) tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu như trước.
Tập trung khai thác lợi thế sân nhà ảnh 1 Pha lóc thịt heo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước tại Công ty Vissan
Ảnh: Cao Thăng
Nói cách khác, nếu dịch bệnh khiến nhiều DN trong các lĩnh vực phải ngưng kinh doanh, thậm chí phá sản thì với một số DN lại là cơ hội để tái cấu trúc, đa dạng hóa sản phẩm. Nhưng để nắm bắt tốt cơ hội, đạt hiệu quả kinh doanh cao, DN phải vào cuộc quyết liệt. 
Theo ông Phan Văn Dũng, trong đợt dịch Covid-19, Vissan xác định cần chuẩn bị nguồn lực cho cao điểm tết lần 2. Nhưng đi vào thực tế, nhu cầu còn tăng gấp đôi thời điểm mua sắm tết. Xác định dịch bệnh sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, Vissan không chọn giải pháp cho nhân viên nghỉ việc mà cơ cấu lại đội ngũ lao động, bố trí từ bộ phận này sang bộ phận khác để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.  
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 là thời điểm để Vissan phát triển thêm nhiều kênh bán hàng mới. Vissan đã chuyển 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm thành 55 trung tâm (hub), kho bán hàng. Dù công ty chưa triển khai bán hàng online nhưng tại các cửa hàng này đã áp dụng bán hàng qua điện thoại, qua fanpage www.fb.com/CuaHangVissan. Khi khách hàng gọi tới hotline từ các hub sẽ được chuyển tới tận nhà trong vòng 2 giờ. Từ ngày 25-4, Vissan đã chính thức mở gian hàng trên Sendo - một trong những trang thương mại điện tử lớn và uy tín tại Việt Nam.
Ông Phan Văn Dũng cho rằng, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, Vissan dường như “quên” hẳn mảng xuất khẩu, tập trung toàn lực cho nghiên cứu, sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước. Điều này có thể lý giải, mảng thực phẩm chế biến đạt mức tăng trưởng rất tốt ngay sau đợt kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Cần bệ đỡ từ các cơ chế, chính sách
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, trong hoàn cảnh khó khăn từ dịch Covid-19, các DN thực phẩm đã có những sáng kiến rất hay, tạo sức lan tỏa đến DN khác bắt đầu nghiên cứu đưa nguyên vật liệu mới vào sản xuất với nỗ lực giúp Việt Nam đứng vững, đồng thời gia tăng giá trị cho nông nghiệp địa phương.
Đơn cử như chuỗi cửa hàng ABC Bakery đã tận dụng hơn 30 tấn thanh long để sản xuất bánh mì thanh long. Từ ý tưởng này đã có nhiều DN phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như bún, phở và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu mới như sầu riêng, dưa hấu, mãng cầu...
Tuy vậy, để tạo đà cho DN tiếp tục phát triển sau dịch, đặc biệt là tận dụng tốt nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước thì cần thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN. Theo bà Chi, gói tín dụng hỗ trợ cho các DN chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 được Chính phủ quyết định là 300.000 tỷ đồng đã được triển khai và một số DN đã được tiếp cận, song con số đó chưa tương xứng với thực tế.
Hiện nhiều DN đang rất khó khăn cần được hỗ trợ nhưng vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này. Lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm đang là nơi rất cần hấp thụ được vốn để gia tăng sản xuất, trong khi đó vì dịch bệnh nên khách hàng muốn trả chậm, nông dân, nhà cung cấp muốn lấy tiền ngay; còn ngân hàng thì đang lúng túng triển khai các chính sách mới. 
Dịch bệnh đã thúc đẩy nhiều DN bắt đầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. DN biến “nguy thành cơ” bằng cách tăng chất lượng, mẫu mã, giảm giá để nâng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Song, bên cạnh sự chủ động của DN, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường ngay trên sân nhà, tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là tiền đề vững chắc giúp DN vươn ra thị trường quốc tế khi dịch Covid-19 qua đi.
 Nhiều DN mong muốn TP có kế hoạch hỗ trợ DN liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối, kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa TPHCM với các tỉnh, thành. Tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các DN có hệ thống phân phối lớn. Có cơ chế tác động đến các đơn vị bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các DN rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng; các ngân hàng cần nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp đang hiện hữu để giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tập trung vốn cho sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. 
 Bên cạnh đó, TP có cơ chế thu hút các nhà đầu tư phát triển kho lạnh bảo quản, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các DN nhỏ và vừa. Thời điểm này rất cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra mối liên kết giữa các DN, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Với những mặt hàng đang bị thiếu hụt về nguồn cung, điển hình như thịt heo, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN và người dân đẩy nhanh tái đàn, thực hiện tốt việc kiểm soát dịch tễ làm cơ sở để ổn định về thị trường, giá cả từ nay đến cuối năm.

Các tin khác