Tập trung tổng lực bình ổn thị trường xăng dầu

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh khó khăn chung, để gỡ khó cho kinh doanh xăng dầu và bình ổn thị trường, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Tập trung tổng lực bình ổn thị trường xăng dầu

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công thương đã chủ trì nhiều cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối để nhận diện các vấn đề, vướng mắc nhằm kịp thời gỡ khó cho kinh doanh xăng dầu, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa trong mọi tình huống.

Mặt khác, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp và thực tế phát sinh thời gian qua, để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng hàng nhập và bảo đảm duy trì nguồn cung ổn định trên thị trường.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương. Và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng ngày 4/11, Bộ Công thương đã có loạt công văn gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương trong kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; yêu cầu các đơn vị hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.

Chung tay với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tối đa để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

Về nguồn cung trong nước, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đang hoạt động ổn định với công suất cao hơn công suất thiết kế, ở thời điểm hiện tại đạt 109% công suất. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đến nay cũng đang hoạt động 100% công suất, bảo đảm sản lượng sản xuất và giao hàng cho thương nhân đầu mối đủ hoặc cao hơn hợp đồng đã ký kết.

Ở khâu phân phối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết vẫn đang bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng cho khoảng 2.700 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu và 1.800 thương nhân nhượng quyền trong hệ thống phân phối của Petrolimex theo hợp đồng đã ký.

Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương để tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải được vận chuyển xăng dầu vào nội đô ban ngày, như Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 10 đã tăng gấp đôi lượt xe téc chở xăng mỗi ngày, hay Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cũng đã cấp phép cho 30 xe xitec được hoạt động ban ngày vào các khu vực nội đô của thành phố từ ngày 7/11/2022 để bổ sung nguồn kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

“Sau khi Bộ Công Thương phân giao kế hoạch tổng nguồn tối thiểu Quý IV/2022, Petrolimex đã chủ động có kế hoạch nhập hàng trong Quý IV bằng 1,4 lần so với kế hoạch được phân giao”, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khẳng định.

Trong khi đó, đến hết tháng 10/2022, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệum3/tấn xăng dầu các loại và ước tính hết năm 2022 sẽ đạt khoảng gần 4 triệ m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000m3/tấn nhằm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Hy vọng, những giải pháp đồng bộ này sẽ huy động được tổng lực để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, “bình thường hóa” thị trường xăng dầu trong nước giữa bối cảnh “dị biệt” của năng lượng và xăng dầu toàn cầu.

Các tin khác