Taxi công nghệ: Cuộc chiến chưa hồi kết

(ĐTTCO) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, phương tiện taxi ở nước ta phát triển rất mạnh mẽ, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. 
Nhưng sự cạnh tranh mang tính khốc liệt nhất kể từ khi trên thị trường xuất hiện taxi công nghệ, điển hình như Grab, Uber. Liệu các hãng taxi truyền thống có đi vào ngõ cụt và taxi công nghệ có độc quyền khi Grab đã thâu tóm thị trường?
Taxi truyền thống lao đao
Năm 2014, taxi công nghệ xuất hiện ở Việt Nam với khoảng 200 chiếc. Nhưng chỉ 3 năm sau, năm 2017 con số này đã tăng vọt lên gần 50.000 xe, qua mặt con số 35.000 xe taxi truyền thống và làm cho tầm nhìn quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) các TP lớn như Hà Nội, TPHCM trở nên lạc hậu. Uber và Grab ra đời trên nền tảng các ứng dụng công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, như công nghệ thông tin, định vị vệ tinh, điện thoại di động thông minh…
 Thách thức lớn nhất của thị trường hiện tại khi Uber bán thị phần cho Grab là cơ quan chức năng phải giải quyết vấn đề độc quyền. Với 78.000 xe của Uber và Grab sáp nhập so với 20.000 taxi truyền thống, số lượng taxi công nghệ chiếm gần 80% thị phần, trong khi ngành nghề chiếm trên 30% được xem là độc quyền. Câu hỏi đặt ra lúc này là Nhà nước giải quyết như thế nào vấn đề này.
Ông TẠ LONG HỶ, 
Phó Tổng giám đốc Vinasun
Với ưu thế vượt trội này so với taxi truyền thống, Uber, Grab đã áp dụng đồng bộ và tích hợp nhiều giải pháp mới như: giá cước rẻ, biết trước và linh động, thái độ phục vụ tài xế nhã nhặn lịch sự, sử dụng App trên smartphone gọi xe nhanh hơn, đi bất kể đường ngắn đường dài, xe lại sạch đẹp…
Trước sự bành trướng của taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đã bị đẩy vào tình cảnh khốn đốn. Trong các cuộc họp đại hội cổ đông, Vinasun (hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất) đã đưa ra rất nhiều quyết sách mang tính chất sống còn đối với tương lai của mình trước sức ép của các đơn vị cung ứng dịch vụ gọi xe như Uber và Grab.
Năm 2017, Ban lãnh đạo Vinasun đưa ra những mục tiêu kinh doanh "khiêm tốn", giảm 11% doanh thu và 35% lợi nhuận so với năm 2016. Song thực tế tệ hại hơn nhiều, báo cáo hợp nhất năm 2017 ghi nhận doanh thu 2.937 tỷ đồng, giảm 35%; lợi nhuận sau thuế đạt 191,5 tỷ đồng, giảm 38,7%, đánh dấu năm đầu tiên doanh thu sụt giảm sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng.
Năm 2018,  Vinasun đề ra kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua, cùng với đó là đợt cắt giảm nhân sự kỷ lục nhất trong lịch sử công ty, gần 10.000 lao động chính thức được thanh lý hợp đồng và chuyển sang chính sách khoán xe, nhượng quyền thương mại. 
Xác định không thể cạnh tranh trực diện với các hãng taxi công nghệ đến từ nước ngoài, Vinasun bắt đầu tìm về địa bàn các tỉnh vùng xa như Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Cà Mau, Hậu Giang... tạm tránh khỏi điểm nóng tại những nơi mà Grab vẫn chưa thể vươn tới. Hãng Mai Linh cũng không khác tình cảnh của Vinasun là mấy.
Từ một hãng taxi đầu ngành ở miền Bắc, trong 4 năm qua là chuỗi ngày đầy sóng gió với Mai Linh. Trước áp lực cạnh tranh, nhiều lái xe đã nghỉ việc ở công ty để chuyển sang các hãng taxi công nghệ. Chỉ tính trong năm 2017, tổng số nhân viên của Mai Linh miền Bắc giảm hơn 3.200 người, từ 6.919 xuống còn 3.707. Cuối năm 2017, Mai Linh chính thức có những động thái thay đổi đầu tiên, bằng việc cho ra đời sản phẩm xe ôm công nghệ mang tên Mai Linh Bike. Song những cố gắng từ phía Vinasun và Mai Linh cũng chỉ để bám trụ thị trường dù thực lực đã tụt dốc không phanh.

Grab có độc quyền?
4 năm vào Việt Nam, không thể phủ nhận loại hình taxi công nghệ đã đem đến cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ thông qua ứng dụng gọi xe tiện lợi với chi phí rẻ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của loại hình mới này cũng đã bùng lên cuộc chiến gay gắt với các hãng taxi truyền thống. Mới đây, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh khác.
 Điểm khác biệt ứng dụng gọi xe Vato cho phép người dùng mặc cả với lái xe với giá tối thiểu Vato đưa ra, nếu đồng ý có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Chẳng hạn, khi khách đặt xe nhìn thấy mức giá hiển thị 100.000 đồng cho quãng đường đi, người đặt nếu chê đắt có thể trả giá còn 80.000 đồng, nếu tài xế đồng ý chuyến xe xuất phát.
Ông TRẦN THÀNH NAM
sáng lập ứng dụng gọi xe Vivu
Một báo cáo của đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nhận định, cùng với những lỗ hổng pháp lý và chiêu trò kinh doanh của Uber, Grab có thể khiến hệ thống taxi tan rã. Hiện nay chỉ riêng ở TPHCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở TPHCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. 
Từ cuối năm 2017, có lẽ do cạnh tranh khốc liệt và các khó khăn nội bộ, Uber đã có chiến lược rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, nhượng lại thị phần của mình cho Grab. Và tháng 3-2018, Uber chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam, nhường lại cho Grab. Ngay sau khi sáp nhập Uber, nhiều khách hàng của Grab đã cảm nhận ngay giá cước mỗi chuyến đi của họ đã tăng hơn so với mọi khi, ít nhất 20-30%, thậm chí có quãng đường tăng tới 40% so với trước đây, dù không phải vào giờ cao điểm.
Nhiều khách hàng cũng nhận ra giá GrabCar đã tăng hơn so với trước đây. Thậm chí, cùng một quãng đường đi vừa được báo giá 50.000 đồng, nhưng khi hủy và khách đặt lại cùng quãng đường đó mức giá lại tăng thêm 10.000-15.000 đồng. Câu chuyện định giá các cuốc xe không theo nguyên tắc nào của Grab vẫn đang là dấu hỏi lớn và khiến không ít khách hàng bức xúc khi sử dụng dịch vụ này.
Theo thông báo chính thức vừa được Grab Việt Nam phát đi, công ty sẽ áp dụng chính sách hủy chuyến dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ di chuyển của Grab gồm GrabCar, GrabTaxi, GrabBike. Cụ thể, phí hủy chuyến được áp dụng khi khách hàng đã hủy từ 7 chuyến Grab trở lên trong vòng 7 ngày. Khi hủy từ 6 chuyến trở lên trong vòng 7 ngày, khách hàng sẽ nhận được yêu cầu liên kết thẻ tín dụng với GrabPay mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ. Phí hủy chuyến từ lần hủy tiếp theo (lần thứ 7) sẽ được trừ tự động vào tài khoản GrabPay/GrabPay Credits của khách hàng.
Mỗi lần hủy chuyến vượt quá mức quy định, hệ thống sẽ tự động trừ phí hủy chuyến 10.000 đồng. Như vậy, không đi khách hàng cũng bị trừ tiền nếu hủy từ chuyến thứ 7 trở lên trong vòng 7 ngày. Trong thông báo của Grab yêu cầu liên kết thẻ tín dụng để tiếp tục sử dụng dịch vụ, nếu khách hàng không thực hiện liên kết (hoặc không nạp phí vào GrabPay Credits) sẽ không thể đặt xe với ứng dụng Grab.
Taxi công nghệ: Cuộc chiến chưa hồi kết ảnh 1 Dàn xe taxi công nghệ VATO của Công ty Phương Trang với nhiều tính năng nỗi trội để cạnh tranh. 
Nhiều doanh nghiệp Việt nhảy vào
Tuy nhiên, sau thương vụ Uber “bán mình” cho Grab, trật tự thị trường đã được định vị lại. Taxi truyền thống đã bớt đi một “đối thủ” đáng gờm, “cuộc chiến” giờ chỉ còn Grab. Ngược lại các taxi truyền thống cũng đã nhìn lại sự chậm chân của mình so với thời đại 4.0. Các doanh nghiệp mới cũng nhìn nhận đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và nhảy vào đầu tư kinh doanh với những kinh nghiệm hơn.
Một ứng dụng gọi xe Việt đang thu hút được sự quan tâm trong thời gian gần đây là Vato. Ứng dụng này được đầu tư bởi Công ty vận tải Phương Trang với số vốn 100 triệu USD, khi mua lại ứng dụng Vivu sau 2 năm không hiệu quả và được đổi tên thành Vato để trở lại đường đua với nhiều tham vọng chinh phục thị trường. Với số lượng xe ô tô đăng ký hiện tại 2.000 xe, giá tiền khách hàng phải trả 8.500 đồng/km tương tự như GrabCar, nhưng tỷ lệ chiết khấu tài xế phải nộp là 20%, vẫn thấp hơn 5% so với Grab đang thu hiện tại. 
Ngày 12-6, ứng dụng gọi xe trực tuyến FastGo đã chính thức ra mắt tại Hà Nội, với mục tiêu sẽ có 20.000 tài xế trong 2 năm tới nhằm cạnh tranh với Grab. FastGo được phát triển bởi Tập đoàn NextTech, một DN thuần Việt, với 3 dịch vụ cốt lõi: Fast Car (dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập); Fast Taxi (dịch vụ liên kết với các hãng taxi) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Dự kiến tháng 7, FastGo sẽ có mặt ở TPHCM và mở rộng ra 8 tỉnh, TP lớn trong vòng 2 năm. 
Trước FastGo, ứng dụng gọi xe Aber cũng chính thức ra mắt người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM. Các dịch vụ Aber mang đến là Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe doanh nhân), Aber Express (dịch vụ giao hàng).
Đặc biệt, nền tảng bản đồ của phần mềm Aber được chính đội ngũ này tự xây dựng, không phụ thuộc vào bản đồ của Google, nên sẽ phù hợp, chính xác hơn với các tỉnh ở Việt Nam.
Cũng trong ngày 12-6, các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho ra mắt nền tảng điều hành vận xe trực tuyến EMDDI - hệ thống đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều đơn vị vận tải trên cùng hệ thống nhưng không làm mất tính chủ động của các đơn vị vận tải. Điểm khác biệt của EMDDI so với các hệ thống khác hiện nay là được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất.
Trong khi đó, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, cho biết số lượng đối tác là tài xế ô tô và xe máy của Uber đăng ký đầu quân về Mai Linh gấp nhiều lần so với trước đây. Nhằm tạo khác biệt với Grab, Mai Linh Bike cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, Mai Linh mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi hoạt động được 6 tháng. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng 11.000 đồng/2km đầu, 3.700 đồng/km tiếp theo và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. 

Các tin khác