Tháo gỡ vướng mắc khâu thực hiện

(ĐTTCO) - Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058 về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu tại các TCTD và  VAMC. 
Tháo gỡ vướng mắc khâu thực hiện
Tuy nhiên vẫn  cần môi trường pháp lý thống nhất để các tổ chức kinh tế tài chính có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường mua bán nợ xấu.
Thống nhất quy định mua bán nợ
Giai đoạn 5 năm 2012-2016, mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng mức độ xử lý nợ xấu của hệ thống chưa được như kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu thực chất vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân lớn do chưa có nhiều các nguồn lực tài chính thật sự và hữu hiệu. Trách nhiệm xử lý nợ xấu, nhất là trách nhiệm về tài chính thuộc về các chủ nợ và con nợ, trong khi họ đang sức cùng lực kiệt, cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
Do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, VAMC đã phải mua nợ từ các TCTD, nhưng chưa có thị trường để bán nợ cho các tổ chức khác. Khi VAMC tiến hành phát mãi các tài sản thế chấp đã gặp quá nhiều vướng mắc pháp lý không dễ vượt qua được.
Nghị quyết 42 kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều nút thắt trong hoạt động xử lý tài sản đảm bảo tiền vay thu hồi nợ này. Tuy nhiên, do Nghị quyết mới triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, cần có thời gian dài hơn để kiểm chứng, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm.
 Việc có được “tiền thật” từ nước ngoài để đẩy nhanh xử lý nợ xấu các TCTD Việt Nam là giải pháp hữu hiệu lúc này. Sở dĩ họ không vào được do chúng ta chưa có chính sách hoàn thiện, tính pháp lý về quyền chủ nợ, quyền xử lý tài sản chưa cao, còn nhiều tranh chấp. Nếu tình trạng này không được cải thiện, việc thu hút nguồn lực tài chính từ nước ngoài để xử lý nợ xấu các TCTD tại Việt Nam sẽ rất khó thực hiện.
Hiện các giải pháp về xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nêu tại Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ khá toàn diện. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các chủ thể tham gia hoạt động mua, bán nợ khác nhau đang chịu những quy định riêng về hoạt động mua, bán nợ. Hoạt động mua, bán nợ có sự tham gia của Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC)  đang được điều chỉnh trực tiếp bởi Thông tư 57/2015 của Bộ Tài chính.
Trong khi đó hoạt động mua, bán nợ có sự tham gia của TCTD đang được điều chỉnh trực tiếp bởi Thông tư 09/2015 của NHNN. Còn hoạt động mua, bán nợ có sự tham gia của VAMC đang được điều chỉnh trực tiếp bởi các Nghị định 53/2013, 34/2015 và 18/2016 của Chính phủ; Thông tư 19/2013 và các thông tư sửa đổi, bổ sung, Quyết định 618 của NHNN và gần đây là Nghị quyết 42 của Quốc hội. 
Khi có sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước, nếu lại có thêm các quy định riêng về hoạt động mua bán nợ cho các tổ chức này, sẽ rất khó cho việc triển khai thực hiện, cũng như khó có sự thống nhất, công bằng và thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán nợ. Bởi lẽ, trong quá trình mua bán nợ, một con nợ liên quan đến nhiều chủ nợ và ngược lại.
Thí dụ, khi DATC tham gia mua nợ, tái cấu trúc DNNN A, có thể sẽ liên quan đến nhiều TCTD, VAMC và các tổ chức tài chính khác là chủ nợ của DN A. Lúc đó, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không có sự thống nhất sẽ rất khó cho quá trình xử lý. Vì vậy, cần nghiên cứu để gom các quy định riêng lẻ này thành văn bản quy phạm pháp luật chung về hoạt động mua bán nợ.

Mở rộng chủ thể mua nợ
Một yêu cầu quan trọng nữa đặt ra, là cần tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế tài chính có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường mua bán nợ xấu. Đề án xử lý nợ xấu các TCTD ban hành kèm theo Quyết định 843 năm 2013 xác định nguyên tắc “huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xử lý nợ xấu các TCTD”, cho đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt. Với các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu như hiện nay (gồm các TCTD, DATC, VAMC và các công ty mua bán nợ của các TCTD), quá trình xử lý nợ xấu sẽ không nhanh như kỳ vọng. 
Với thực trạng trên và trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch để thu hút các nguồn lực tài chính cũng như năng lực, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các tổ chức tài chính nước ngoài trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Nếu các tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia mua bán nợ xấu, giá trị thực của các khoản nợ sẽ được đánh giá xác thực, tính minh bạch cao. Đây là điều cần thiết cho việc xác định chính xác mặt bằng giá nợ xấu của các TCTD. 
Bên cạnh khuyến khích các tổ chức tài chính, nhất là tổ chức tài chính nước ngoài tham gia hoạt động mua bán nợ xấu các TCTD Việt Nam, chính sách rõ ràng, minh bạch để các DN, các tập đoàn kinh tế tham gia hoạt động mua bán, sáp nhập DN cũng là giải pháp hữu hiệu cần chú trọng triển khai. Chủ DN mới sau mua bán, sáp nhập sẽ thực hiện trả nợ cho NH hoặc cùng NH thống nhất để tái cơ cấu khoản nợ xấu tại NH.
Lúc đó, khoản nợ xấu sẽ trở thành nợ tốt hơn do năng lực quản lý, tài chính của con nợ cũ đã được thay thế bởi con nợ mới tốt hơn. Tuy nhiên, cần có tiêu chí lựa chọn DN trong nước đủ điều kiện tham gia xử lý nợ xấu tại các TCTD, nếu không sẽ dễ dẫn đến tạo dư địa để biến tướng của tín dụng đen phát triển. Mặt khác phải hạn chế để đi đến triệt tiêu cơ chế xin-cho dự án bất động sản trên cơ sở phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch. 
Hiện VAMC vẫn là đơn vị chủ lực để xử lý nợ xấu của các TCTD thời gian tới. Theo đó, VAMC cần chuyển mạnh phương pháp xử lý nợ từ “nhốt nợ” sang “tiêu thụ nợ”, phối hợp chặt chẽ với TCTD trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, TSĐB đối với các khoản nợ xấu đã mua, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, TSĐB theo tinh thần của Nghị quyết 42.

Các tin khác