Tháo gỡ vướng mắc khi dời cảng trên sông Sài Gòn

(ĐTTCO)-Chiều 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện Quyết định 46/2010/QĐ-TTg (về quy chế tài chính phục vụ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc triển khai di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son kéo dài, không dứt điểm; nhiều nội dung trong Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện, dẫn tới phát sinh các vướng mắc.

Trong khi đó, hiện nay, cơ chế chính sách đã có sự thay đổi, vì vậy, cần có biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quyết định 46 đã được ban hành 11 năm, nhiều vấn đề được quyết định trước đây, nay là vấn đề nhạy cảm. Sau 11 năm, quy định của pháp luật đã thay đổi với những luật mới ban hành. Do đó, tính pháp lý của Quyết định 46 phải được xem xét một cách đúng mức, đầy đủ.

Thường trực Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khảo sát, lên phương án.

Phương án này cần được thẩm định chặt chẽ, đúng pháp luật để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tinh thần là không để thất thoát tài sản nhà nước, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và đặc biệt là không làm trái pháp luật.

“Phương án này cần làm rõ cái nào làm tiếp, cái nào phải dừng, không được làm; đánh giá các hệ lụy liên quan, đề xuất biện pháp giải quyết; kiên quyết xử lý vi phạm nếu có”, Thủ tướng chỉ rõ và yêu cầu các cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng, TPHCM tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai và các tài sản trên đất cũng như các khoản tiền thu được theo quy định của pháp luật; báo cáo công khai, rõ ràng quá trình giải quyết, xử lý, quản lý đất đai ở khu vực này.

Cũng trong chiều 15-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. 

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2030, chúng ta có khoảng 5.000km đường cao tốc, do đó, cần đầu tư xây dựng thêm 3.000km nữa; hình thức đầu tư có thể là hợp tác công - tư (PPP) hay từ ngân sách nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo Chính phủ về chiến lược đầu tư này. Việc xem xét xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, bảo đảm mức thu phù hợp, đồng thời đồng bộ với các dự án BOT liền kề và khuyến khích các dự án đầu tư hạ tầng đường bộ.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Nhà nước đầu tư đường cao tốc không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận nên việc thu phí chỉ để bảo đảm bù đắp các chi phí cần thiết như: trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng…

Tại cuộc họp, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng, thời điểm hiện nay, khi đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm, tác động đến người dân và nền kinh tế cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã không còn đủ thời gian để họp cho ý kiến về dự thảo. Do đó, theo Thủ tướng, nên đưa nội dung đề xuất thu này vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện.

Các tin khác