Thao túng tiền tệ - Không chỉ thương mại và tiền tệ

(ĐTTCO) - Ngày 16-12-2020, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gỡ nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam và Thụy Sĩ  theo đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo GS. Eswar Prasad, Cornell University, trong báo cáo lần này có phân tích thấu đáo và ít chính trị lộ liễu hơn các báo cáo trước đây của chính quyền Trump. Song Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm, bởi không chỉ liên quan đến thương mại và tiền tệ mới tránh rủi ro bị dán nhãn thao túng tiền tệ trong tương lai.
Nhìn lại một quyết định chủ quan
Thực tế, việc Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ không phải là vấn đề mới mà đã được cảnh báo từ năm 2019. Vào quý III năm này, theo trang giám sát về tín hiệu thao túng tiền tệ Tracking Currency Manipulation, Việt Nam là một trong những nước “đầu bảng” về tín hiệu thao túng tiền tệ theo các tiêu chuẩn của Bộ Tài chính Mỹ. Với những người theo dõi vấn đề này, đây là chuyện “hên xui”. Vì sao lại nói như vậy? Trước tiên hãy nhìn về bộ tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đánh giá một nền kinh tế có thao túng tiền tệ hay không.
Bộ tiêu chí hiện tại của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm: thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD trong vòng 12 tháng; thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP trong vòng 12 tháng; chính phủ can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối, trong đó có 6 tháng có lượng mua vào ngoại tệ ròng (trong khoảng thời gian 12 tháng đánh giá), và lượng mua vào ròng này chiếm từ 2% GDP trở lên.
Đây là những tiêu chí có tính chủ quan và có phần ép các nước thiên về xuất khẩu như Việt Nam. Chẳng hạn, hầu hết các nước và lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu mạnh như Trung Quốc, Đức, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, chắc chắn sẽ vi phạm 2 tiêu chí đầu tiên. Chỉ có tiêu chí thứ 3 có thể tránh khỏi nếu can thiệp một cách giới hạn và không thường xuyên vào thị trường ngoại hối. Trước đây Đài Loan tỏ ra khôn ngoan bằng cách sử dụng một loạt công cụ phái sinh để mua vào ngoại hối, tìm cách cân bằng vị thế ngoại hối ở một số tháng để có vẻ cho thấy họ không mua ròng trong tháng đó. Thế nhưng trong báo cáo mới lần này, các giao dịch phái sinh đã bị Mỹ quan tâm và tính toán kỹ lưỡng.

Và phản hồi của Việt Nam
Đáp lại quan điểm của Mỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nhằm thực hiện nhiệm vụ của NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Về vấn đề can thiệp ngoại hối, NHNN cho biết mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Nói cách khác, ổn định vĩ mô và tăng cường dự trữ ngoại hối là lý do can thiệp của NHNN. Điều này là hợp lý trong bối cảnh của Việt Nam.
Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ dồi dào xuất phát từ thực tế nhận được nhiều vốn nước ngoài và cán cân thanh toán nói chung cải thiện - bao gồm sự hỗ trợ từ nguồn kiều hối và tăng trưởng xuất khẩu. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào mà không mua vào, đồng tiền nội tệ tăng giá sẽ trái với định hướng đồng nội tệ ổn định của Việt Nam. Vì vậy, chuyện mua vào ngoại tệ trong điều kiện Việt Nam là chuyện phải làm, nếu tiếp tục có quan điểm ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế với mô hình thiên về xuất khẩu. 
Thực ra mô hình kinh tế dựa vào thặng dư xuất khẩu và đầu tư nước ngoài này đem lại tăng trưởng GDP khả quan và nguồn cung ngoại tệ ổn định trong mấy năm qua, không còn tình trạng khan hiếm USD và chuyện găm giữ USD. Nhưng đổi lại, cái giá của nó là việc phải mua ngoại tệ thường xuyên để ổn định tỷ giá, tránh cho VNĐ lên giá mạnh, khi nguồn cung ngoại tệ đột ngột tăng mạnh trên thị trường theo mùa vụ. Thành công nào cũng có cái giá của nó. Và vô tình, nhu cầu ổn định tỷ giá này, vốn dễ bị hiểu lầm là cố tình hạ giá đồng tiền để hưởng lợi ích thương mại bất bình đẳng, lại tạo cho Mỹ cơ hội để cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.

Cần giải pháp ngoại giao “có đi, có lại”
Câu chuyện thương mại Mỹ-Việt và gán nhãn thao túng tiền tệ giống như chuyện ngụ ngôn Việt Nam “Bánh tao đâu” về ông thầy đồ tham ăn. Cậu học trò đi trước, đi sau hay đi ngang hàng đều bị ông thầy quở trách cho rằng đi như vậy là hỗn. Hóa ra vấn đề đúng lại nằm ở chỗ cậu học trò đang giữ cái bánh trong người mà không đưa cho ông thầy đồ. Một bằng chứng cho câu chuyện này là cách xử lý của Mỹ với chuyện gán nhãn thao túng tiền tệ ở Trung Quốc. Vào thời điểm cao trào nhất của thương chiến Mỹ-Trung năm 2019, chính quyền Trump dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ với lý do đồng nhân dân tệ vượt làn ranh đỏ 7 nhân dân tệ ăn 1USD. Nhưng chỉ vài tháng sau, vào tháng 1-2020, chính quyền Trump loại bỏ Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ, sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được thông qua, với việc Trung Quốc hứa hẹn mua thêm nhiều hàng hơn của Mỹ.
Điều này cung cấp một bằng chứng cho thấy chính quyền Trump sử dụng dán nhãn thao túng tiền tệ như một phần của ngoại giao trừng phạt để họ nhằm đạt được những lợi ích chiến lược.
Một điểm có thể nhận thấy là trong báo cáo này, Việt Nam cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, vẫn được cho hội đủ 3 tiêu chí để xác định một quốc gia có thể đang có duy trì những hoạt động ngoại hối không sòng phẳng hay cố duy trì một cán cân thanh toán không cân bằng với Mỹ. Nói cách khác, không phải cứ vì vi phạm đủ 3 tiêu chí sẽ bị xem thao túng tiền tệ. Vì thế, việc Mỹ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ, đồng thời không có quy kết Đài Loan thao túng tiền tệ trong dịp báo cáo này, cho thấy họ kỳ vọng nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác. 
Vì báo cáo này định kỳ xuất bản 1 năm 2 lần, Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm lúc này, nhưng phải tiếp tục thúc đẩy tốt mối quan hệ hợp tác với Mỹ, nhất là trên bình diện thương mại và ngoại giao để đạt được sự đảm bảo tốt hơn cho các đợt báo cáo tiếp theo, tránh việc phải nhận những kết luận không vui từ phía đối tác. Một trong những điểm quan trọng cần nhấn mạnh trong mối quan hệ này, là thực thi chính sách ngoại giao dựa trên lợi ích chiến lược “có đi, có lại”. 
 Đừng thở phào nhẹ nhõm khi Mỹ rút tên Việt Nam khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Vì đây không phải là vấn đề của tỷ giá hay thương mại, mà là vấn đề cạnh tranh chiến lược lớn hơn. Điều này đồng nghĩa chính sách tiền tệ năm nay không thể để VNĐ tăng giá cao. 
TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC

Các tin khác