Thay chất quản trị doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Tính đến hết năm 2016 đã có hơn 3.650 DN và hơn 450 bộ phận DNNN hoàn tất CPH. Ngoài ra còn có hàng ngàn DNNN được sáp nhập, sắp xếp lại, bị giải thể hoặc phá sản.
Thay chất quản trị doanh nghiệp
Tuy nhiên, chất lượng tại nhiều DNNN sau CPH chưa có chuyển biến rõ rệt. 
Hậu CPH không nhiều thay đổi

 Từ năm 2010 đến nay tốc độ CPH chậm, khó dần và đặc biệt vướng phải những khó khăn mới do số DNNN còn lại đều là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò chủ lực, chủ đạo. Việc CPH các DN này đã vấp phải những thách thức rất lớn, đó là các xung đột lợi ích, gánh nặng chằng chịt về sở hữu chéo với ngân hàng, với tư nhân, với nước ngoài và với DNNN khác không cùng nghề; nợ nần vòng quanh… 
Tình trạng chậm chuyển biến của DNNN sau CPH xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lãnh đạo DN nhận thức chưa đúng, thậm chí sai lệch về chất lượng DN. Lẽ ra phải áp dụng các nguyên tắc quản trị DN hiện đại theo thông lệ kinh tế thị trường, không ít DN đánh đồng cải thiện chất lượng DN với cải thiện quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh như cải thiện quản lý về tài chính, nhân sự, tiền lương, sản xuất, thương mại...
Thứ hai, Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến các DN sau CPH. Bởi CPH không phải chỉ để chuyển DNNN thành CTCP mà là cả quá trình tiếp diễn sau đó, bao gồm cả thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị DN, hiện đại hóa CTCP. Trong khi đó, mọi nỗ lực đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu DN trong hơn 20 năm qua dường như chỉ tập trung vào DN 100% vốn nhà nước, mà chưa được coi trọng đúng mức tại DN sau CPH, nhất là DNNN còn nắm cổ phần chi phối.

Lấy đơn cử những DNNN đã CPH trước đây cơ bản thuộc cấp bộ, địa phương và là DN nhỏ, vừa, các cửa hàng mậu dịch bán hàng phân phối đã hết thời tồn tại... Việc CPH ở những DN này chủ yếu là phương pháp “chia” cổ phần cho người lao động và Nhà nước. CPH đơn giản là “biến hóa” DNNN thành CTCP để Nhà nước cùng người lao động thu “tiền” về bằng cổ phần, không cần lên sàn. Vốn kinh doanh vẫn dựa vào ngân hàng và hầu như không ai mất chức, mất việc. Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước. Chính vì thế, sau CPH tư duy xin - cho vẫn bao trùm. 

Điểm hạn chế nữa là năng suất thấp sau CPH, thu nhập của người lao động ít được cải thiện. Đặc biệt sau CPH  kinh tế Việt Nam bị chia cắt ra làm 3 nền kinh tế gồm: kinh tế Nhà nước, tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
3 nền kinh tế này được ví von theo thứ tự như “con đẻ”, “con nuôi” và “con ngoài giá thú”, có thân phận, luật lệ và thị trường riêng nhưng dựa dẫm vào nhau, tạo ra những ngóc ngách, những mạch ngầm để hút nội lực lẫn nhau và kìm hãm sự phát triển tổng thể, làm cho kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn là nền kinh tế thô ở khu vực thuần nội, và “không thô” nhưng giá trị mới gia tăng rất ít, hoặc bị chuyển giá trốn thuế rất lớn ở khu vực FDI. 

Dùng tiền bán cổ phần làm mồi kích thích

Số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố năm 2016 cho biết số vốn bằng tiền và giá trị tài sản của Nhà nước đang nằm tại các DN mà Nhà nước có sở hữu 50-100% vốn điều lệ là 5,4 triệu tỷ đồng - lớn hơn 125% GDP năm 2016.
Trong khi đó DN chỉ tạo ra không nhiều hơn 35% GDP bình quân 5 năm qua. Những khó khăn của việc CPH DNNN thể hiện ở những điểm như làm sạch nợ, làm rõ các mối quan hệ trách nhiệm kinh tế và phương án tái cơ cấu các DNNN trước khi lên sàn rất khó khăn; việc định giá trị DN ròng cho đến thời điểm CPH rất phức tạp (giá trị vị thế, thương hiệu, quyền sử dụng đất…); quyền và lợi ích cụ thể của người lao động đang ăn lương tại DNNN đó ra sao vẫn chưa thể hiện.

Từ thực trạng trên, giải pháp CPH DNNN trong chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, Nhà nước phải khẳng định thái độ dứt khoát rằng CPH DNNN tức Nhà nước bán DNNN cho các cổ đông, thu tiền về, trả cho các đối tượng đã làm nên tổng giá trị DNNN cho đến ngày bán. Trong đó phần của Nhà nước thu về nhập vào ngân sách nhà nước (NSNN) để làm nguồn mồi kích thích các thành phần kinh tế phi nhà nước phát triển theo cơ chế thị trường nhưng phù hợp với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế; chi hỗ trợ cho đào tạo phát triển nhân tài; gia tăng các chi tiêu cho phúc lợi và an sinh xã hội…
Phải chấm dứt tình trạng CPH rồi mà người nhà nước vẫn nằm tại DN để quản lý tiền nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không cần phải cử người đại diện vốn nhà nước hay tham gia bầu và ứng cử vào HĐQT tại DN hậu CPH mà Nhà nước chưa thoái hết vốn. Thay vào đó, Nhà nước nên thành lập mới một tổng cục quản lý vốn nhà nước tại các DN để làm chức năng quản lý, giám sát và theo dõi vốn tại DN.

Về phương thức CPH các DNNN còn lại cũng như quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các DN hậu CPH nhất thiết phải tái cấu trúc, làm sạch, làm rõ giá trị ròng của DNNN có phân biệt theo các hình thức và nơi tồn tại tài sản của DNNN; làm rõ phương án trả nợ và tận thu trước khi công bố tổng số cổ phiếu được phép phát hành trên sàn chứng khoán.
Cùng với đó lập công thức phân chia tỷ lệ cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cho các thế hệ người lao động có các bội số 5 năm làm việc tại DNNN đó. Tỷ lệ cổ phần này không thấp hơn 25% và không quá 35% tổng cổ phần được phép để chia cho tổng suất 5 năm làm việc của người lao động trong DNNN đó.
Số cổ phần còn lại sẽ bán trên thị trường tài chính, thu tiền về, dùng vào 3 việc: dành tỷ lệ 15-20% hỗ trợ cho DN đó tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh theo hướng chiến lược của Nhà nước; 10-15% để trợ giúp số cán bộ, nhân viên hiện hữu được đào tạo lại để ổn định công việc hoặc tự nguyện chuyển đi nơi khác; 65-75% nhập vào NSNN, chi theo Luật NSNN.

Nếu cổ phần không bán hết, tổng mệnh giá còn lại chính là vốn góp của Nhà nước vẫn còn tại DN hậu CPH. Số cổ phần này phải chuyển thành cổ phần ưu đãi để Nhà nước hưởng cổ tức cố định, không cần cử người đại diện nằm tại DN hậu CPH đó nữa. Cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ theo dõi tất cả vốn nhà nước còn lại ở mọi DN hậu CPH, nếu ở đó chưa bán hết cổ phần theo luật.
Ngay khi DN làm ăn khấm khá, Nhà nước sẽ thoái dần và nhanh chóng thoái hết vốn đó. Đối với DNNN đã căn bản phá sản, không có tương lai phát triển, nếu CPH cũng không có người mua, cương quyết thanh lý cho phá sản theo Luật Phá sản.

Các tin khác