Thay đổi để thích nghi

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của bà con kiều bào nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề, các chuyến bay về Việt Nam bị ngưng trệ, nhiều người mắc kẹt ở nước ngoài khiến cho công việc ở nhà trở nên ngưng trệ. Trong nước tình hình dịch bệnh cũng buộc mỗi cá nhân, doanh nghiệp thay đổi những thói quen vốn dĩ hình thành rất lâu trong cuộc sống hàng ngày trước đó, buộc phải chuyển sang một thái cực mới để thích nghi với “tình trạng bình thường mới”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
1. Tháng 12-2019, vợ chồng anh V. từ Việt Nam sang Mỹ thăm con. Anh chị dự định ở Mỹ thời gian ngắn rồi về Việt Nam để tiếp tục với công việc hàng ngày là điều hành xưởng chế biến thực phẩm của gia đình với hơn 20 công nhân.
Đến thời điểm chuẩn bị về nước, đại dịch bùng lên khiến mọi chuyến bay thương mại từ Mỹ về Việt Nam và ngược lại đều hoãn. Vợ chồng anh V. mắc kẹt trên đất Mỹ gần 1 năm qua. Anh V. kể lúc đầu chính quyền Mỹ tỏ ra không mạnh tay cách ly hay cấm tụ tập đông người, thậm chí không bắt buộc mọi người đeo khẩu trang khi ra đường hay đến chỗ đông người.
Chỉ khi số người nhiễm Covid-19 tăng mạnh, các biện pháp phòng dịch mới được siết chặt. Thời gian rảnh rỗi ở Mỹ, 2 vợ chồng hàng ngày ra khu vườn phía sau nhà dọn dẹp cỏ dại trồng cây. Sau vài tháng anh chị đã biến khu vườn bị bỏ hoang này thành vườn đầy cây trái. 
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh V. Chị B. đầu năm đi Mỹ thăm con rồi buộc phải ở luôn bên đó vì không về được. Chị cho biết hàng loạt hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê nhà bên Việt Nam bị “treo” do không trực tiếp ký được, bởi nghĩ đi vài tuần rồi về ký nên không ủy quyền cho ai.
Do không về ký hợp đồng được nên thiệt hại vô cùng lớn. Ở Mỹ, không biết lái xe, vốn tiếng Anh lại khiêm tốn, con cái sáng sớm đi làm tối mịt mới về, hàng ngày chị lủi thủi trong căn nhà với chiếc tivi và chiếc điện thoại thông minh để theo dõi tin tức từ Việt Nam và “tám” với bạn bè trong nước. 

2. Hình thức bán hàng trực tuyến không xa lạ gì với nhiều mặt hàng nhưng với bất động sản (BĐS) còn khá mới mẻ. Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp BĐS, thậm chí các nhân viên kinh doanh (sale) phải chủ động tự thay đổi mình.
Họ đầu tư tiền bạc, công sức để đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng. Giám đốc một sàn giao dịch cho biết, bán nhà, đất qua ứng dụng app trên smartphone đã phát huy hiệu quả trong mùa dịch bệnh.
Qua app, chủ đầu tư cung cấp các chi tiết về dự án từ vị trí, diện tích, tiện ích, giá bán, tiến độ… Đồng thời, khách hàng sẽ tiếp cận được nhiều thông tin nhanh chóng, sau đó có thể thanh toán trực tuyến. 
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty BĐS Asean Newtimes, cho biết để bán hàng onlines hiệu quả mỗi sàn giao dịch phải đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho các thiết bị công nghệ và chi phí quảng cáo online. Ngoài ra, nhiều sale còn tự livestream (truyền hình trực tiếp qua các app như Facebook…) tư vấn về dự án, giải đáp các thắc mắc của khách hàng về pháp lý, thủ tục…
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng đến hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội, song nó cũng là cơ hội để thanh lọc thị trường, khiến các doanh nghiệp BĐS phải tự đổi mới để phù hợp hơn, nên bán BĐS qua công nghệ cũng là xu hướng tất yếu.

3. Nhiều người cho rằng, không gian mạng xã hội vừa vô hình lẫn hữu hình, ai nói gì cũng được, người này nói người kia có thể nghe… nhưng chả bao giờ tiếp cận được nhau. Chính vì vậy buộc chúng ta phải thích nghi với trạng thái bình thường mới, chấp nhận làm quen với những thay đổi trong cuộc sống mà bước đầu không phải ai cũng có thể thích nghi ngay được. 
Cái bình thường mới ở đây khác với bình thường cũ ở chỗ, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân phải cố gắng rất nhiều để bù lại những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng hình ảnh cái lò xo bị nén, giờ là lúc sẵn sàng bật lên.
Phải chuẩn bị tốt nhất để có sức bật mạnh, không chỉ là sự đàn hồi bình thường. Sản xuất trong nước lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu duy trì trạng thái bình thường cũ chẳng khác nào vết sẹo hằn sâu, kinh tế lao dốc, người lao động mất việc làm, năng suất lao động thấp. 
Năm 2020 chúng ta gặt hái được những thành quả đáng tự hào, đặc biệt là công tác phòng chống dịch. Năm 2021 muốn đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra dứt khoát phải thật sự đổi mới trong cách làm ăn, biến “nguy” thành “cơ”, từ công việc đến chống dịch bệnh.
Từ những bài học qua cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" trong năm 2020 giúp mỗi người, cộng đồng nhận rõ những ưu điểm, thế mạnh và cả sức ỳ, khuyết tật trong cơ chế, trong bộ máy, trong mỗi con người. 
Cái mới trong cuộc sống bình thường là vẫn xã hội ấy, thể chế ấy, những con người ấy, nhưng đã chuyển sang nhịp sống, tâm thế khác, đòi hỏi cố gắng làm việc nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn, bứt phá về năng suất lao động để vượt qua khó khăn, thích nghi với tình hình mới. 
Trong đại dịch Covid-19 chúng ta lại thấy tinh thần tương thân tương ái được phát huy nhiều hơn. Từ bác nông dân đến doanh nhân, những tập đoàn lớn sẵn sàng chia sẻ hoạn nạn với đồng bào, dù họ cũng đang đối mặt với không ít khó khăn do đại dịch gây ra.

Các tin khác